Vang mãi niềm tự hào 'trái tim' của cả nước

Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô Hà Nội (ngày 10/10/1954 - 10/10/2024), chúng tôi những người làm báo ở vùng Tây Bắc trở về với Thủ đô 'trái tim' của cả nước để ghé thăm những địa danh lịch sử gắn liền với những mốc son trong sự kiện giải phóng Thủ đô Hà Nội.

Biểu tượng hùng thiêng

Tham gia đoàn công tác của Hội Nhà báo tỉnh Sơn La đi thực tế sáng tạo tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Văn hóa Thăng Long - Hà Nội hội tụ và lan tỏa", chúng tôi háo hức bắt đầu chuyến hành trình tìm hiểu những địa danh lịch sử gắn liền với Ngày Giải phóng Thủ đô Hà Nội. Gần 6 giờ đồng đồ hồ trên chuyến xe hạ sơn hướng về Thủ đô, ngàn năm văn hiến, cả đoàn sôi nổi thảo luận về những địa điểm lịch sử dự kiến sẽ đến thăm.

Theo giai điệu hào hùng trong ca khúc "Tiến về Hà Nội" của cố nhạc sĩ Văn Cao, địa danh đầu tiên chúng tôi tới thăm Cột cờ Hà Nội. Đứng dưới Cột cờ cao vời vợi, lá cờ đỏ tung bay, cảm xúc dâng trào. Những lời thuyết minh của hướng dẫn viên giới thiệu cho chúng tôi hiểu sâu hơn về địa danh này: Cột cờ Hà Nội được khởi dựng cùng với việc xây thành Hà Nội vào đầu thời Nguyễn (1805-1812). Vị trí này vốn là nền cũ của Tam Môn, cổng phía ngoài của Cấm thành thời Lê. Đây là điểm chuẩn, đánh dấu sự khởi nguyên ở đầu phía nam trục chính tâm của tòa thành, từ đây theo đường “ngự đạo”, qua Đoan Môn rồi tới điểm quan trọng nhất, điểm trung tâm của Hoàng thành là điện Kính Thiên. Cột cờ Hà Nội là một trong những công trình kiến trúc quý báu còn lại thuộc khu vực Thành cổ Hà Nội may mắn thoát khỏi sự phá hủy của thực dân Pháp trong những năm 1894-1897.

Cột cờ Hà Nội hôm nay. (ảnh chụp tháng 7/2024).

Cột cờ Hà Nội hôm nay. (ảnh chụp tháng 7/2024).

Lắng nghe những lời thuyết minh viên, chúng tôi như được hòa vào không khí hào hùng thời khắc lịch sử sau 9 năm kháng chiến, lá cờ đỏ sao vàng lại được chính thức kéo lên tại Cột cờ Hà Nội. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên đỉnh Cột Cờ cổ kính. Cả Hà Nội tưng bừng hân hoan trong niềm vui giải phóng, biết ơn Đảng và Bác Hồ. Ngày 10/10/1954, sau khi vào tiếp quản thủ đô, tại Cột cờ Hà Nội, Quân đội nhân dân Việt Nam đã tổ chức trọng thể lễ chào cờ dưới sự chỉ huy của thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Chủ tịch Ủy ban quân chính Hà Nội.

Nhân kỷ niệm 10 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, ngày 7/5/1964, thành phố Hà Nội tổ chức trọng thể lễ gắn biển, đổi tên đường Cột cờ thành đường Điện Biên Phủ. Điều đặc biệt, trên con phố này có những công trình ý nghĩa rất lớn, mang biểu tượng của Hà Nội. Cùng với Cột Cờ Hà Nội in dấu lịch sử Thăng Long, giữa phố Điện Biên Phủ đặt tượng đài Lê Nin, cuối phố là Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa to lớn, ngày 20/1/1989, Bộ Văn hóa - Thông tin đã ra quyết định công nhận Cột cờ Hà Nội là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Hiện nay, Cột cờ là một trong 5 điểm di tích nằm trên trục chính tâm của di sản Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long Hà Nội, là biểu tượng của thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Hòa vào đoàn người tới thăm, ông Nguyễn Văn Minh, du khách đến từ tỉnh Kiên Giang, xúc động, nói: Trải qua hơn 200 năm lịch sử, vượt qua mọi khắc nghiệt của thiên nhiên và chiến tranh tàn phá, Cột cờ vẫn đứng sừng sững mang lá cờ Tổ quốc, biểu trưng cho ý chí độc lập, tự chủ của dân tộc Việt Nam. Mỗi người dân như chúng tôi khi đến thăm nơi này đều thấy thêm tự hào về truyền thống hào hùng của đất nước.

Chứng tích lịch sử vô giá

Hành trình tìm hiểu những địa danh lịch sử gắn liền với những mốc son trong sự kiện giải phóng Thủ đô Hà Nội, chúng tôi tiếp tục tìm về cầu Long Biên. Hơn 120 năm tồn tại, cầu Long Biên như một người bạn tri kỷ của người dân Thủ đô, mang trong mình vẻ đẹp cổ kính và gắn liền với bao thăng trầm lịch sử của mảnh đất Hà Thành. Long Biên là cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hồng và đã đi vào ca dao “Hà Nội có cầu Long Biên/ Vừa dài vừa rộng bắc trên sông Hồng/ Tàu xe đi lại thong dong/ Người người tấp nập gánh gồng ngược xuôi”.

Cầu Long Biên (ảnh chụp tháng 7/2024).

Cầu Long Biên (ảnh chụp tháng 7/2024).

Bên cầu Long Biên cổ kính hôm nay, được nghe những câu chuyện lịch sử, chúng tôi càng thêm thấu hiểu vì sao cây cầu là một chứng tích thủy chung và son sắt với thủ đô văn hiến, trái tim của cả nước, gắn chặt với ký ức hào hùng của con người và vùng đất địa linh nơi đây. Được xây dựng và hoàn thành sau 4 năm từ 1898-1902, cầu Long Biên đã trải qua hai thế kỷ với hơn 120 tuổi, cây cầu già nua đã đứng đó chứng kiến biết bao thăng trầm lịch sử đất nước, lịch sử dân tộc, trên cây cầu không biết bao nhiêu máu xương những người con ưu tú dân tộc đã ngã xuống để bảo vệ nền độc lập hòa bình cho Tổ quốc. Cầu Long Biên được xem như chứng nhân lịch sử chiến thắng của quân và dân ta trong hai cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Cây câu Long Biên chứng kiến “Cuộc rút quân thần kỳ”, đêm 17/2/1947 của Trung đoàn Thủ đô để bảo toàn lực lượng, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Ra đi để trở về, cây cầu Long Biên cũng là địa danh ghi dấu những bước chân của đoàn quân chiến thắng về tiếp quản Thủ đô. Khi Hiệp định Geneve được ký kết, buộc quân Pháp trong 80 ngày phải rút khỏi Hà Nội. Ngày 9/10/1954, những binh lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên. Đồng thời, quân đội Việt Nam tiến qua cầu vào chuẩn bị tiếp quản Thủ đô.

Đường tàu qua cầu Long Biên (ảnh chụp tháng 7/2024).

Đường tàu qua cầu Long Biên (ảnh chụp tháng 7/2024).

Trong chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc, cầu Long Biên có ý nghĩa vô cùng đặc biệt vì nó là cây cầu duy nhất trong hành trình chở hàng hóa bằng đường bộ, đường sắt từ cảng Hải Phòng, từ biên giới phía Bắc về Hà Nội để rồi tỏa ra các nẻo đường lớn nhỏ chi viện cho chiến trường miền Nam. Vì thế nó trở thành trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ.

Từ năm 1965 đến 1972, máy bay Mỹ đã 14 lần ném bom và bắn phá cây cầu. Thiệt hại lớn nhất là trận bom ngày 10/9/1972 làm gẫy gục ba nhịp, hư hại 4 trụ và hỏng 1.500m cầu. Ngay sau khi Mỹ buộc phải ngừng ném bom Hà Nội ngày 30/12/1972, công nhân đường sắt đã bắt tay ngay vào sửa chữa và đến ngày 11/2/1973 đã thông đường sắt và đường ô tô. Cầu Long Biên không chỉ là biểu tượng kiên cường của giao thông Việt Nam mà còn tượng trưng cho sự hiên ngang của Hà Nội trong suốt những năm tháng chống Mỹ.

Cả cuộc đời gắn bó, chứng kiến cây cầu lịch sử, ông Trần Văn Tín, người dân sống gần khu vực cầu Long Biên, chia sẻ: Hơn một thế kỷ qua, cây cầu đầu tiên trên sông Hồng đã là chứng nhân bao thay đổi của Hà Nội. Giờ đây đã có thêm những cây cầu mới hiện đại nối đôi bờ sông Hồng, cầu Long Biên vẫn phục vụ giao thông và còn là điểm du lịch thu hút du khách khi đến thủ đô.

Nhịp sống hôm nay bên cầu Long Biên.

Nhịp sống hôm nay bên cầu Long Biên.

Hiện tại, dù có thêm 4 cây cầu bắc qua sông Hồng gần với Long Biên song vị trí và vai trò của cây cầu đối với đời sống xã hội vẫn rất quan trọng. Không chỉ có ý nghĩa kinh tế, cầu Long Biên được ví như gạch nối với lịch sử, nối Thành Cổ Loa với Hoàng thành Thăng Long, nối xưa với nay.

Hà Nội còn rất nhiều địa danh lịch sử gắn liền với Ngày Giải phóng Thủ đô, như: Khu Thành cổ (nay là Hoàng thành Thăng Long), nơi diễn ra Lễ thượng cờ trong ngày 10/10/1954, đánh dấu thành công sự kiện Quân đội Việt Nam tiếp quản Thủ đô sau 9 năm kháng chiến; Nhà hát lớn, nơi diễn ra Phiên họp đầu tiên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa Khóa I. Ngoài ra còn có Nhà tù Hỏa Lò; Ga Hà Nội, Chợ Đồng Xuân… đều là những địa danh đầu tiên được quân ta tiếp quản trong ngày 10/10/1954.

Tự hào về Thủ đô

Hướng tới 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, thành phố Hà Nội đang tập trung tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, giá trị lịch sử to lớn của Ngày giải phóng Thủ đô trong sự nghiệp cách mạng đấu tranh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, anh dũng, kiên cường của quân và dân cả nước nói chung, của Thủ đô Hà Nội nói riêng trong cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Thủ đô ngàn năm văn hiến hôm nay với những tuyến phố được trang hoàng cờ hoa rực rỡ; những địa danh lịch sử thu hút đông hơn nhân dân và du khách đến thăm quan, tìm hiểu. Người dân nơi đây đang từng ngày sống lại ký ức hào hùng của những ngày đấu tranh giải phóng và tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Hình ảnh cây cầu Long Biên; 5 đoàn quân với cờ đỏ, sao vàng hùng dũng tiến vào Thủ đô từ 5 cửa ô với tư thế của những người chiến thắng; Cột cờ Hà Nội với lá cờ đỏ sao vàng tung bay sẽ không bao giờ phai mờ trong thế hệ những cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đã từng có mặt và chứng kiến giây phút hào hùng năm xưa.

Chợ Đồng Xuân tấp nập người qua lại.

Chợ Đồng Xuân tấp nập người qua lại.

Năm nay đã gần 80 tuổi, nhưng mỗi khi nhắc về Ngày Giải phóng Thủ đô, bà Nguyễn Thị Oanh, ở Thái Hà, Hà Nội không khỏi xúc động và tự hào: Tôi sinh ra và lớn lên tại Hà Nội nên may mắn được chứng kiến biết bao sự đổi thay của nơi đây. Những năm gầy đây, Hà Nội đã thực sự chuyển mình để phù hợp với thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa, song vẫn giữ được vẹn nguyên những địa danh lịch sử, văn hóa gắn với truyền thống hào hùng của Thủ đô.

Tự hào khi được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Thủ đô Anh hùng, chị Bùi Việt Hà, quận Hoàng Mai, chia sẻ: Với người Hà Nội như chúng tôi, cùng biết bao người dân đang sinh sống, làm việc tại Thành phố, ngày 10/10 cũng là dịp để nhìn lại, để biết ơn các thế hệ đã hy sinh quên mình để giải phóng, bảo vệ, xây dựng và phát triển Thủ đô, để tự hào về Thủ đô Anh hùng, nghìn năm văn hiến.

Ga Hà Nội hôm nay - một trong những ga đường sắt lớn nhất Việt Nam.

Ga Hà Nội hôm nay - một trong những ga đường sắt lớn nhất Việt Nam.

Về Thủ đô "Trái tim của cả nước", trên các góc phố, con đường, địa danh lịch sử, âm vang ca khúc “Tiến về Hà Nội” hào hùng, chúng ta càng cảm nhận được sức mạnh của lòng yêu nước, của ý chí về niềm tin tất thắng "ra đi để trở về" - tự hào ngày giải phóng Thủ đô. Niềm tự hào, khí phách người Hà Nội sẽ là sức mạnh để xây dựng Hà Nội ngày càng văn minh, hiện đại, xứng tầm Thủ đô Anh hùng trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Duy Tùng - Hoàng Giang

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/van-hoa-xa-hoi/vang-mai-niem-tu-hao-trai-tim-cua-ca-nuoc-BLVilrlIg.html