Vàng Nga khó tìm đầu ra
Lệnh cấm sẽ lần đầu tiên được áp dụng đối với vàng xuất khẩu của Nga đến các nước G7 (Mỹ, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp, Italy).
Chia sẻ với Bloomberg, một nguồn tin tiết lộ Tổng thống Mỹ Joe Biden và các lãnh đạo G7 có kế hoạch ban hành một lệnh cấm nhập khẩu vàng mới từ Nga.
Các lãnh đạo sẽ thảo luận vấn đề này vào ngày 26/6 tại hội nghị thượng đỉnh ở Đức. Nguồn tin này cho biết Bộ Tài chính Mỹ sẽ chính thức công khai lệnh cấm vào ngày 28/6 tới đây.
Kể từ cuộc chiến tại Ukraine, phương Tây đã có nhiều động thái loại bỏ nền tài chính Nga với thế giới. Việc phương Tây tiếp tục trừng phạt lĩnh vực khai thác kim loại quý sẽ đánh dấu sự đứt gãy hoàn toàn giữa Nga và hai trung tâm thương mại hàng đầu thế giới là London và New York.
Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), Nga là quốc gia khai thác vàng lớn thứ hai, chỉ sau Trung Quốc, với sản lượng chiếm 9,5% toàn cầu. Trong khi đó, Mỹ chỉ xếp thứ 4 thế giới với sản lượng 5,5%.
Hiệp hội Thị trường vàng thỏi London, đã loại bỏ các nhà máy tinh chế vàng của Nga khỏi danh sách công nhận. Kể từ thời điểm chiến sự Ukraine nổ ra, các lô hàng giữa Nga và London đã giảm xuống gần bằng 0.
Dữ liệu từ UN Comtrade cho biết London là một trong những điểm đến quan trọng nhất đối với kim loại quý từ Nga. Năm ngoái, nước này xuất khẩu 15 tỷ USD vàng, chiếm 28% tổng lượng vàng nhập khẩu của Anh.
Ngày 15/4, Tổng thống Biden thông qua lệnh hành pháp cấm công dân Mỹ tham gia giao dịch vàng liên quan đến Ngân hàng Trung ương, Quỹ Tài chính Quốc gia hay Bộ Tài chính Nga.
Nguồn cung kim loại từ Nga như đồng, nickel, palladium vẫn tiếp tục chảy trong bối cảnh ngành hàng hóa toàn cầu vật lộn duy trì mối quan hệ với nhà cung cấp nguyên liệu thô hàng đầu thế giới.
Dù sắp đối mặt lệnh cấm, ngành công nghiệp vàng của Nga có thể tìm kiếm phương án bán hàng mới, chẳng hạn như đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc hay Ấn Độ, những quốc gia không thuộc G7.
Mỗi năm, sản lượng khai thác của Nga lên tới 340 tấn, tương đương 20 tỷ USD. Phần lớn kim loại quý được bán cho các nhà máy tinh luyện, các ngân hàng địa phương trực thuộc Nhà nước, xuất khẩu hoặc ngân hàng trung ương.
Tuy nhiên, lệnh trừng phạt đang khiến vàng của Nga khó tìm đầu ra. Không có nhiều ngân hàng có thể xử lý khối lượng vàng lớn như vậy.
Trên thực tế, một số nhà máy tinh chế tại châu Âu vẫn nhập khẩu vàng trực tiếp từ Nga dù tuyên bố từ chối trước đó. Dẫu vậy, Hiệp hội các nhà máy tinh chế Thụy Sĩ, tổ chức có tiếng nói trong ngành, phủ nhận việc các thành viên của tổ chức mua vàng từ Nga bất chấp dữ liệu phát sinh.
Các công ty khai thác của Nga đang tìm kiếm đầu ra ở khu vực châu Á và Trung Đông. Một số nguồn tin cho biết các nhà khai thác đã bắt đầu đàm phán với đối tác tại Trung Quốc và UAE.
Ngoài ra, dù không thể thu mua vàng nhiều như trước, Ngân hàng Trung ương Nga vẫn có thể giúp hấp thụ một phần nguồn cung không thể xuất khẩu. Trước khi tạm dừng gom vàng vào đầu năm 2020, ngân hàng này đã thu mua gần như toàn bộ sản lượng khai thác.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vang-nga-kho-tim-dau-ra-post1329982.html