Vàng son Hà Nội

Kinhedothi - Ký ức vàng son của Hà Nội, một TP thâm trầm, cổ kính mà lãng mạn, nên thơ cứ lãng đãng trở về trong những câu chuyện mà di sản kiến trúc - những nhân chứng lịch sử của vùng đất này được lần giở lại.

Những xưa cũ ấy vẫn lung linh trong đời sống đương đại, như một điểm tựa vững chắc cho những giá trị hôm nay và mãi đến mai sau.

Ký ức vàng son

Cuốn sách “Kiến trúc Hà Nội - Giao thoa văn hóa Việt - Pháp” đang làm nức lòng không chỉ giới chuyên môn, mà cả những người luôn cất giấu Hà Nội trong trái tim. Đến ông giáo chức đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy” bạn tôi cũng xao xác hỏi tìm cuốn sách ấy. “Nó giống như một sử ký Hà Nội được viết bằng đường nét kiến trúc đấy!” - ông ấy hồ hởi khiến tôi cũng phải lần tìm bằng được mã QR của cuốn sách để được “chiêm ngưỡng” tận mắt.

Ông bạn tôi nói đúng, cuốn sách đem đến cho độc giả cái nhìn toàn cảnh về vẻ đẹp của kiến trúc Hà Nội qua các thời kỳ. Đó là kiến trúc Thăng Long - Hà Nội xưa; kiến trúc Hà Nội thời Pháp thuộc với những phong cách điển hình là Beaux-Arts; Art Déco; Đông Dương, kiến trúc Pháp thuộc thời kỳ đầu; kiến trúc Thép, Gothique; kiến trúc Hà Nội sau năm 1954. Nó mang đến cảm giác xem một cuốn phim về lịch sử Hà Nội, được có mặt trong chuyến du hành ngược thời gian trở về Hà Nội thế kỷ XIX, XX để đi vào từng ngóc ngách, đường nét của 18 công trình kiến trúc tiêu biểu của Hà Nội qua các thời kỳ.

Bìa cuốn sách “Kiến trúc Hà Nội - Giao thoa văn hóa Việt - Pháp”.

Bìa cuốn sách “Kiến trúc Hà Nội - Giao thoa văn hóa Việt - Pháp”.

Đáng nói là các công trình thời Pháp thuộc như Phủ Chủ tịch, Nhà hát Lớn, Nhà khách Chính phủ, Trụ sở Tòa án Nhân dân Tối cao, Nhà tù Hỏa Lò, Khách sạn Metropole Hanoi, Thư viện trường THPT Chu Văn An…

Ở đó, từ nền tảng cội nguồn kiến trúc Thăng Long ở thế kỷ XVIII trở về trước với thành quách “lối xưa xe ngựa hồn thu thảo”, kết nối vùng dân dã “kẻ chợ”; sự chuyển mình hội nhập, tiếp thu lối nghệ thuật tinh hoa của kiến trúc phương Tây ở thời kỳ Pháp thuộc như Beaux-Arts, Art Déco, Gothique… cho đến sự giao thoa nhuần nhuyễn giữa tinh hoa kiến trúc thế giới với văn hóa bản địa, mỗi cứ liệu lịch sử kiến trúc được diễn giải nhẹ nhàng, dễ hiểu và giàu cảm xúc.

Người ta thấy trong sự tráng lệ, vốn là điển hình cho phong cách Beaux-Arts của Phủ Chủ tịch có những họa tiết trang trí đậm chất cổ truyền Việt Nam. Những công trình Art Déco điển hình ở tòa nhà Ngân hàng Nhà nước cũng khéo léo được điểm xuyết nét Việt tinh hoa…

“Ông thấy không, những giao thoa cho thấy văn hóa và kiến trúc Việt có giá trị, có ảnh hưởng nhất định tới các kiến trúc sư và nền kiến trúc Pháp với bề dày lịch sử đáng ngưỡng mộ” - ông bạn tôi như thể một chuyên gia di sản.

Cũng phải thôi, người yêu Hà Nội luôn cất giữ từng “cử chỉ”, đường nét của Hà Nội trong trái tim để tự hào và bày tỏ. Không phải tự nhiên mà cả những “người trong cuộc” cũng cảm nhận sâu sắc một niềm yêu tha thiết.

KTS. Phan Đăng Sơn nói rằng: “Ở quyển sách này, thông qua những phân giải súc tích và minh họa sống động, chúng ta sẽ tìm thấy khát vọng thể hiện sự ngời sáng kiến trúc của những người hiểu biết chuyên môn, nhiệt tâm với Hà Nội…”. Còn KTS. Lê Thành Vinh thì khẳng định, cuốn sách đưa người đến với những di sản kiến trúc giá trị trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX của Hà Nội. Chúng không chỉ đang giữ những chức năng quan trọng, là nhân tố góp phần hình thành vẻ đẹp kiến trúc, đô thị mà còn tạo nên khuôn hình vĩnh cửu của ký ức, điểm tựa vững chắc cho phát triển tương lai.

Cho hôm nay và mai sau

Câu chuyện bảo tồn di sản vẫn liên hồi hối thúc ở Hà thành trong suốt tiến trình đô thị hóa, nhất là với mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa chuyên chở theo nhiều khát vọng mà TP đã đặt ra. Ai cũng hiểu để hiện thực hóa khát vọng, không thể thiếu những trái tim yêu Hà Nội đồng hành cùng những khối óc nhiệt huyết cho mảnh đất nghìn năm.

Như cuốn sách “Kiến trúc Hà Nội - Giao thoa văn hóa Việt - Pháp” - một dự án được thai nghén trong vòng 2 năm bằng tư duy của những người trẻ cùng đội ngũ cố vấn hùng hậu - cũng là một sản phẩm góp sức vào công cuộc bảo tồn di sản Hà Nội.

Như TS.KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, viết trong lời mở đầu: “Với cách thể hiện cô đọng, xuyên suốt, mô tả khá rõ con đường thăng trầm đã đi qua của kiến trúc Hà Nội, cùng với năng lực và tâm can của người viết, cuốn sách này đã đạt được mục đích: Đóng góp nhành hoa quý trong vườn hoa văn hóa xứ sở nghìn năm văn hiến, góp phần hữu ích cho sự cảm nhận chuyên môn sâu sắc”.

Thế nên, ông bạn tôi chí lý khi nói rằng, tôn vinh vẻ đẹp kiến trúc Hà Nội theo dòng lịch sử là một cách đẹp đẽ để lan tỏa tình yêu và ý thức giữ gìn di sản văn hóa đến mọi người.

Cuốn sách chính là một tư liệu quý cho hôm nay và mai sau để tiếp nối hành trình bảo tồn di sản đất nghìn năm. Bởi ngay bản thân người làm sách cũng đã trao cho nó nhiều tham vọng: sự nghiên cứu chuyên sâu, sự cố vấn từ những thế hệ có kinh nghiệm, một tinh thần sáng tạo mang đến góc nhìn mới mẻ. Bởi cuốn sách đó, ngoài thiết kế ấn tượng, còn có những tài liệu lần đầu tiên được công bố, từ những bản vẽ tay bằng bút mực xanh ngày xưa cho đến những bức ảnh, các sơ đồ, mặt bằng, mặt cắt từ thời Pháp được thu thập tìm kiếm.

Một điều hết sức “tâm lý” nhưng thể hiện rõ nét trái tim thiết tha với Hà Nội là sự lựa chọn tư duy người trẻ trình bày sách để phù hợp và dễ tiếp cận với giới trẻ. Bởi một điều rất thực rằng, người gìn giữ di sản cho thế hệ sau phải là những người trẻ - thế hệ sẽ thay cha ông, tiếp tục gìn giữ các di sản vô giá - không chỉ bằng trách nhiệm mà cả sự tự hào, thích thú…

Ngay cả việc đưa người đọc vào sự giao thoa văn hóa trong kiến trúc, cũng là chủ ý của người làm sách để khẳng định tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy di sản kiến trúc trong bối cảnh hiện nay. Nghĩa là, các tác giả tham gia làm cuốn sách này không chỉ có tình yêu với Hà Nội, với kiến trúc Pháp mà còn thể hiện trách nhiệm rất lớn cho các thế hệ sau.

Vậy là, vượt qua giá trị của một cuốn sách nghệ thuật, đây có thể xem như một công trình sử liệu học thuật, dưới góc nhìn trẻ và đầy tính nghệ thuật về vẻ đẹp kiến trúc của Hà Nội qua các thời kỳ. Vàng son Hà Nội vẫn vẹn nguyên ở đây, trong bối cảnh đô thị hóa và hội nhập văn hóa hôm nay, trong tiến trình phát triển công nghiệp văn hóa mà Thủ đô đang nỗ lực hướng tới. Giữ lấy vàng son ấy, cho vàng son ấy đích thị là một giá trị trường tồn của Hà Nội chính là một cách bảo tồn, phát huy văn hóa nghìn năm - tài nguyên quý để phát triển công nghiệp văn hóa, hội nhập thế giới.

Thục Trinh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/vang-son-ha-noi.html