Vàng vẫn là kênh đầu tư triển vọng?

Những ngày qua, giá vàng SJC tăng mạnh do ảnh hưởng từ biến động của giá vàng quốc tế, cộng thêm nhu cầu mua vàng cầu may Thần Tài của người dân. Tuy nhiên, giá vàng trong nước có cùng chiều với giá vàng thế giới trong năm 2025 hay không vẫn là điều khó dự đoán. Giới chuyên gia khuyến cáo các nhà đầu tư thường xuyên cập nhật thông tin, phân tích các kịch bản tác động đến giá vàng để đưa ra quyết định phù hợp.

Người mua nhiều, người bán cũng không ít

Như thông lệ các năm trước, giá vàng trong nước năm nay tăng mạnh 3 ngày trước lễ Thần Tài (ngày 3 - 5.2, tức mùng 6 - 8 tháng Giêng) và có dấu hiệu chững lại nhưng vẫn ở mức cao vào cuối ngày 6.2, trước ngày vía Thần Tài 1 ngày (tức mùng 10 tháng Giêng).

Cụ thể, theo ghi nhận vào chiều 6.2, giá vàng miếng SJC tại Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu được giao dịch ở mức 87,7 triệu đồng/lượng mua vào, 90,7 triệu đồng/lượng bán ra (giảm 300.000 đồng/lượng so với ngày 5.2 ở cả 2 chiều). Vàng nhẫn tròn trơn được giao dịch ở mức 87,8 triệu đồng/lượng mua vào (giảm 400.000 đồng/lượng so với ngày 5.2), 90,65 triệu đồng/lượng bán ra (giảm 300.000 đồng/lượng so với ngày 5.2).

Cũng trong ngày 6.2, tại Hà Nội, nhiều người dân bất chấp thời tiết mưa lạnh xếp hàng khá đông tại những tuyến phố tập trung nhiều cửa hàng bán vàng bạc như Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng), Hàng Bạc (quận Hoàn Kiếm), Cầu Giấy (quận Cầu Giấy)… Nhiều nơi, người dân phải đợi cả tiếng đồng hồ mới đến lượt giao dịch. Lượng người mua vàng Thần Tài khá đông nhưng đa phần người dân mua lượng vàng nhỏ 1 - 2 chỉ để cầu may. Trong khi đó, số người bán vàng cũng không ít, đa phần bán vàng với khối lượng lớn để chốt lời.

 Người dân xếp hàng mua vàng đầu năm. Ảnh: Vũ Quang

Người dân xếp hàng mua vàng đầu năm. Ảnh: Vũ Quang

Đại diện Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu cho biết, dịp này, lượng khách tại các cửa hàng tăng 10 - 20%. Công ty đã chuẩn bị kỹ lưỡng để phục vụ khách hàng tốt nhất như: bố trí khu vực đỗ xe, tăng cường nhân sự, mở thêm quầy giao dịch và bổ sung các sản phẩm mới như tượng rắn Kim Tỵ, nhẫn kim tiền, cây đính vàng tài lộc…

Còn theo đại diện Công ty CP Vàng bạc, đá quý Bảo Tín Mạnh Hải, những năm gần đây, khách hàng có xu hướng chuyển từ mua vàng tích trữ sang mua trang sức vàng. Điều này do chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới không còn quá lớn như trước. Đặc biệt, sự phát triển của kênh bán hàng online đã ảnh hưởng đến lượng khách hàng đến mua trực tiếp tại các cửa hàng vàng vào dịp Tết. Nhiều khách hàng đã đặt hàng trước và mua online trong những ngày cuối năm và đầu năm mới.

Giá vàng trong nước sẽ biến động ra sao?

Trên thực tế, vàng thường được coi là công cụ trú ẩn trong tình hình lạm phát và bất ổn địa chính trị. Trong báo cáo về các xu hướng nhu cầu vàng công bố ngày 5.2, Hội đồng Vàng thế giới (WGC) cho rằng: “Bất ổn kinh tế và địa chính trị vẫn ở mức cao trong năm 2025 và có thể như thường lệ, các ngân hàng trung ương sẽ một lần nữa hướng đến vàng như là một tài sản chiến lược ổn định”. Báo cáo cũng cho biết, tổng nhu cầu vàng toàn cầu hàng năm đạt mức cao kỷ lục 4.974 tấn vào năm ngoái khi các ngân hàng trung ương tiếp tục mua vàng để trữ với tốc độ chóng mặt. Riêng lĩnh vực vàng trang sức là sự ngoại lệ với nhu cầu giảm hồi năm ngoái do giá tăng vọt.

Những lo ngại về hậu quả từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng như khả năng Tổng thống Donald Trump áp thuế đối với các nước khác, cũng đang củng cố vai trò của vàng như một kho lưu trữ giá trị trong thời kỳ bất ổn. Trong báo cáo hồi cuối tháng 1 vừa qua, các nhà phân tích của Goldman Sachs dự báo, giá vàng sẽ đạt 3.000USD/ounce vào quý II.2026 khi mối đe dọa về việc Mỹ tăng thuế quan thúc đẩy nhu cầu liên tục. “Chúng tôi khẳng định lại rằng mua vàng vẫn là khuyến nghị giao dịch có độ tin cậy cao nhất của chúng tôi đối với các hàng hóa. Thị trường vàng đang được thúc đẩy bởi các yếu tố cấu trúc (nhu cầu của các ngân hàng trung ương) và chu kỳ (nhu cầu mua của các quỹ ETF)”, báo cáo cho biết.

 Nhiều sản phẩm với mẫu mã mới được các công ty vàng đưa ra phục vụ khách hàng

Nhiều sản phẩm với mẫu mã mới được các công ty vàng đưa ra phục vụ khách hàng

Ở trong nước, những ngày qua, giá vàng SJC tăng mạnh do ảnh hưởng từ biến động của giá vàng quốc tế, cộng thêm nhu cầu mua vàng cầu may Thần Tài của người dân. Tuy nhiên, giá vàng trong nước có tiếp tục theo xu hướng giá vàng thế giới trong năm 2025 hay không vẫn là điều khó dự đoán. Theo PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, giá vàng thế giới phụ thuộc vào tình hình địa chính trị, còn giá vàng trong nước sẽ phụ thuộc vào chiến lược đầu tư của các nhà đầu tư và kỳ vọng lợi nhuận như thế nào.

PGS. TS. Trần Việt Dũng và nhóm nghiên cứu vĩ mô của Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng, Học viện Ngân hàng, cho rằng, giá vàng trong nước năm 2025 sẽ chịu tác động của nhiều yếu tố từ cả thị trường quốc tế lẫn trong nước. Các yếu tố như giá vàng thế giới, biến động đồng USD, chính sách tiền tệ, và nhu cầu vàng trong nước đều đóng vai trò quan trọng trong việc định hình xu hướng giá. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và Việt Nam dự báo vẫn còn nhiều biến động, nhà đầu tư cần thường xuyên cập nhật thông tin, phân tích các kịch bản tác động đến giá vàng để đưa ra quyết định phù hợp. Đồng thời, việc theo sát các chính sách điều hành của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước là rất quan trọng, vì đây sẽ là các yếu tố hỗ trợ duy trì sự ổn định của thị trường vàng trong nước.

3 kịch bản giá vàng trong nước năm 2025

PGS. TS. Trần Việt Dũng và nhóm nghiên cứu vĩ mô của Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng, Học viện Ngân hàng đưa ra 3 kịch bản về giá vàng trong nước, năm 2025.

Kịch bản cơ sở: Trong kịch bản kinh tế toàn cầu dần ổn định, tình hình căng thẳng địa chính trị không xảy ra biến động lớn, các ngân hàng trung ương lớn (FED, ECB) giữ chính sách tiền tệ thận trọng, giá vàng quốc tế dự kiến tăng trong biên độ hẹp. Theo đó, giá vàng trong nước cũng duy trì xu hướng tăng nhẹ do ảnh hưởng từ giá vàng thế giới và nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, các chính sách kiểm soát chặt chẽ của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẽ giúp hạn chế tình trạng đầu cơ và ổn định thị trường.

Kịch bản tăng mạnh: Một số yếu tố thúc đẩy thị trường vàng có thể bao gồm: (1) Giá vàng thế giới tăng đột biến lên mức 3.200 - 3.300USD/ounce do bất ổn địa chính trị hoặc chính sách tiền tệ nới lỏng quá mức từ các ngân hàng trung ương; (2) Đồng USD suy yếu mạnh, làm tăng giá vàng quốc tế và tăng áp lực lên giá vàng trong nước; (3) Lạm phát tại Việt Nam tăng cao hơn dự kiến, thúc đẩy nhu cầu tích lũy vàng của dân cư; (4) Các kênh đầu tư khác như chứng khoán và bất động sản trở nên kém hấp dẫn, dòng tiền đổ mạnh vào vàng. Khi đó, giá vàng trong nước có thể tăng lên 88 - 92 triệu đồng/lượng vào cuối năm 2025, đặc biệt trong các dịp cao điểm.

Kịch bản giảm: Một số yếu tố rủi ro có thể làm giảm giá vàng trong nước bao gồm: (1) Giá vàng thế giới giảm xuống mức 2.500 - 2.600USD/ounce do các nền kinh tế lớn phục hồi nhanh chóng và các ngân hàng trung ương ưu tiên chính sách tiền tệ thắt chặt; (2) Đồng USD tăng giá mạnh, kéo theo tỷ giá USD/VND tăng, làm giảm nhu cầu vàng quốc tế và nội địa; (3) Lãi suất trong nước tăng mạnh hơn dự kiến, do đó kéo dòng tiền trở lại kênh tiết kiệm ngân hàng và giảm nhu cầu đầu tư vàng. Khi đó, giá vàng trong nước có thể giảm xuống 72 - 80 triệu đồng/lượng, và có khả năng giảm thấp hơn trong trường hợp nhu cầu tích trữ và đầu tư trong nước giảm mạnh.

Vũ Quang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/vang-van-la-kenh-dau-tu-trien-vong-post403799.html