Vành đai 4 Hà Nội và Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh: Cần cơ chế đặc thù về khai thác quỹ đất hai bên đường

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ ba, sáng 10-6, Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh.

Bảo đảm chất lượng cho loại bất động sản đặc biệt của quốc gia

Phát biểu thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP Hà Nội) đánh giá cao Chính phủ đã đề nghị đầu tư cho các dự án giao thông trong cả nước, đặc biệt là hai dự án đường vành đai quan trọng này; đánh giá cao Thành ủy, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân và nhân dân của hai thành phố với tinh thần quyết tâm bằng những việc làm cụ thể để chờ đón nếu được Quốc hội thông qua sẽ quyết liệt triển khai hai dự án này.

Đại biểu bày tỏ đồng tình với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra dự án của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Đại biểu cho rằng, việc triển khai các dự án này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế trực tiếp và gián tiếp vô cùng to lớn, do có thêm hàng ngàn hecta đất trở thành đất “vàng”, đất “bạc”, có thêm nhiều khu đô thị, nhiều khu công nghiệp, các trung tâm văn hóa, khoa học, trường đại học…

"Vậy việc đầu tư để hoàn thành hai dự án này là hết sức cần thiết, cấp bách, chắc chắn, hữu hiệu”, đại biểu nói và bày tỏ mong muốn Quốc hội thông qua để hai dự án sớm được triển khai.

 Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, việc triển khai các dự án này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế lớn. Ảnh: Trọng Hải

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, việc triển khai các dự án này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế lớn. Ảnh: Trọng Hải

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Anh Trí lưu ý, trong quá trình triển khai dự án cần xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật thật tốt, cao cấp nhất để có thể bảo đảm con đường sử dụng được khoảng 100 năm.

“Cần phải coi con đường là một loại bất động sản đặc biệt của quốc gia. Bất động sản này sinh lời trực tiếp và gián tiếp ngay trên "thân thể" con đường, ngay cạnh con đường và cả một khu vực vành đai, thậm chí cả một miền đất nước”, đại biểu và nhấn mạnh và lưu ý “phải làm cho thật tốt, thật chất lượng”.

Mặt khác, trong Tờ trình của Chính phủ đề nghị thời gian thu phí là 21 năm, đại biểu xem xét việc thu phí hoàn vốn là 30 năm, vì như vậy nhẹ bớt cho nhà đầu tư và làm giảm giá thu phí đường cho nhân dân.

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, một tuyến đường được xây dựng chất lượng có độ bền là 100 năm, nếu thu phí hoàn vốn 35 năm thì vẫn còn 75 năm nữa, hằng năm chỉ cần tu sửa mà dùng vẫn rất có hiệu quả. Đại biểu mong Chính phủ và các tỉnh có liên quan làm thật tốt công tác quy hoạch đồng bộ khu vực vành đai của các tuyến đường để tăng thêm tính hiệu quả của hai dự án quan trọng này.

Đề xuất cơ chế đặc thù về khai thác quỹ đất hai bên đường

Ở góc độ khác, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội) cũng tán thành với sự cần thiết phải xây dựng đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh.

Đại biểu cho rằng, việc hình thành các tuyến đường này không chỉ mở rộng không gian phát triển đô thị, làm giảm áp lực về giao thông cho các đô thị trung tâm, mà còn tạo nên một sự kết nối về không gian phát triển cho cả vùng.

Đại biểu nêu rõ, đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh là đường cao tốc của vành đai, khác hoàn toàn với các tuyến đường cao tốc khác. Do đó, khi hai tuyến đường cao tốc này hình thành thì không gian lân cận hai bên đường sẽ hình thành các trung tâm đô thị, trung tâm thương mại, trung tâm phân phối...

Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng Chính phủ nên đề xuất với Quốc hội có một cơ chế đặc thù về khai thác quỹ đất hai bên đường các vành đai. Ảnh: Trọng Hải

Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng Chính phủ nên đề xuất với Quốc hội có một cơ chế đặc thù về khai thác quỹ đất hai bên đường các vành đai. Ảnh: Trọng Hải

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, đây là nguồn lực rất lớn cho quá trình phát triển ở các vùng. Để khai thác tốt nguồn lực này, đại biểu cho rằng Chính phủ nên đề xuất với Quốc hội có một cơ chế đặc thù về khai thác quỹ đất hai bên đường.

Theo đó, cơ chế này được thực hiện theo phương thức: Cùng với việc quy hoạch chi tiết xây dựng các tuyến đường vành đai, cần quy hoạch đồng thời khu vực hai bên đường để hình thành các khu đô thị hiện đại, các trung tâm thương mại, các trung tâm phân phối, các trung tâm trung chuyển hàng hóa và các hệ thống đường, không chỉ là đường song hành mà còn cả hệ thống đường kết nối trong khu vực.

Cũng góp ý về nội dung này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, việc khai thác không đúng sẽ gây mất an toàn, ô nhiễm tiếng ồn... Do đó, đại biểu đề nghị việc khai thác quỹ đất hai bên đường cao tốc cần phải nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, học tập các nước.

“Thông thường các nước làm những đường thoát vào trong đó mấy trăm mét thì mới có một khu siêu thị, khu dân cư, còn các đường cao tốc thì chỉ cho phép các trạm xăng, các điểm dừng chân, ăn uống nhẹ, chứ không cho phép mở các khu dân cư...”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu rõ.

THẢO PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/vanh-dai-4-ha-noi-va-vanh-dai-3-tp-ho-chi-minh-can-co-che-dac-thu-ve-khai-thac-quy-dat-hai-ben-duong-696904