Vào hè, thêm nỗi lo đuối nước ở trẻ em

Mới chỉ chớm vào hè nhưng tại nhiều địa phương trên cả nước liên tiếp xảy ra các vụ trẻ em đuối nước thương tâm. Để bảo vệ trẻ an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ tử vong ở trẻ em do bị đuối nước, cần sự chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội.

Liên tiếp xảy ra các vụ việc thương tâm

Cuối tháng 4-2024, một nhóm gồm 5 học sinh rủ nhau ra bờ sông Hồng, dưới chân cầu Vĩnh Tuy, phía quận Long Biên (TP Hà Nội) để bơi nhưng không may xảy ra tai nạn khiến 2 em bị đuối nước. Chỉ vài ngày sau, 3 học sinh trú tại xã Trung Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) cũng bị tử vong do đuối nước. Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk trong tháng 5 cũng đã xảy ra liên tiếp 2 vụ đuối nước làm 4 trẻ em tử vong. Các trường hợp tử vong đều tại các ao nước do người dân đào để phục vụ sản xuất nông nghiệp...

Đây mới chỉ là những con số thống kê rất nhỏ về tình trạng đuối nước từ đầu năm 2024 đến nay. Nhiều địa phương liên tiếp xảy ra vụ việc trẻ em đuối nước thương tâm, điển hình là: Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Quảng Trị, Đắk Lắk, Gia Lai... Mặc dù các cơ quan chức năng đã cảnh báo nhiều nhưng số ca tai nạn đuối nước mỗi năm vẫn gia tăng. Theo thống kê của Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), đuối nước là nguyên nhân gây ra tử vong cho trẻ em thứ hai chỉ sau tai nạn giao thông.

Trẻ học bơi tại bể bơi Tăng Bạt Hổ (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội).

Trẻ học bơi tại bể bơi Tăng Bạt Hổ (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội).

Đuối nước là kẻ giết người thầm lặng, mỗi năm cướp đi sinh mạng của hơn 2.000 trẻ em tại Việt Nam. Thông thường, các vụ đuối nước trẻ em xảy ra tập trung vào những tháng hè. Do đó, trước mỗi dịp nghỉ hè, Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) đã có nhiều thông tin, khuyến nghị cha mẹ, những người chăm sóc trẻ tại gia đình và cơ sở nuôi dưỡng trẻ em nắm được các nguy cơ gây đuối nước cũng như các biện pháp phòng tránh đuối nước ở trẻ em.

Theo các chuyên gia, những nguyên nhân chính dẫn đến đuối nước là do: Trẻ thiếu kiến thức, kỹ năng về phòng ngừa đuối nước; trẻ thiếu sự giám sát của cha mẹ và người chăm sóc; môi trường sống tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây đuối nước cho trẻ; nhiều nơi nguy hiểm, dễ gây đuối nước nhưng không có biển cảnh báo, không có chỉ dẫn, không có người cảnh giới; người dân còn thiếu ý thức chấp hành các quy định an toàn về phòng, chống đuối nước cho trẻ em; nhiều địa phương chưa quan tâm cũng như chưa bố trí kinh phí thực hiện công tác này.

Cần trang bị kỹ năng cấp cứu đuối nước

Trong các kỹ năng cấp cứu đuối nước thì sơ cứu đuối nước là kỹ năng quan trọng giúp cứu sống người bị nạn trong tình huống khẩn cấp. Rất nhiều người đã sơ cứu đuối nước sai cách, làm lỡ “thời gian vàng” để cứu sống nạn nhân. Ví dụ mới đây, một bé trai 8 tuổi bị đuối nước ở khu nghỉ dưỡng đã được nữ điều dưỡng Dương Thị Hồng, Khoa Nội tiết-Cơ xương khớp, Bệnh viện Lão khoa Trung ương cấp cứu kịp thời.

Hành động này đã kịp thời giữ lại mạng sống cho cháu bé. Ngay khi phát hiện bé trai bị đuối nước ở khu nghỉ dưỡng bị sơ cứu sai cách (có người vác dốc ngược cháu bé lên vai rồi chạy), bằng phản xạ của nhân viên y tế, chị Dương Thị Hồng chạy tới, giới thiệu mình là điều dưỡng và quyết liệt yêu cầu đặt cháu bé xuống mặt phẳng cứng để tiến hành cấp cứu. Sau khi kiểm tra thấy bé trai không còn dấu hiệu sinh tồn, chị nhanh chóng thực hiện ép tim, thổi ngạt trong khoảng 3-4 phút, cháu bé nôn ra nhiều nước, có ý thức trở lại và được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện gần nhất. Hiện sức khỏe của cháu đã ổn định, mọi sinh hoạt, học tập trở lại bình thường.

Thực tế, nhiều trường hợp đuối nước được phát hiện và đưa ra khỏi mặt nước kịp thời nhưng vẫn gặp nguy hiểm bởi những sai lầm trong sơ cứu. Nếu nạn nhân đuối nước không được sơ cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như: Phù não, chết não, biến chứng thần kinh vĩnh viễn, viêm phổi, phù phổi, thậm chí tử vong.

Bác sĩ Phan Tuấn Trọng, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh đã chỉ ra 3 sai lầm thường thấy khi sơ cứu đuối nước nên tránh. Đó là người cứu trở thành nạn nhân đuối nước bởi khi một người bị đuối nước thường rơi vào trạng thái hoảng loạn, ôm chặt những gì vừa tầm với. Vì vậy, nếu không được huấn luyện cấp cứu nạn nhân đuối nước, người cứu sẽ rất dễ trở thành nạn nhân đuối nước nếu bị người đuối nước ghì lấy. Cùng với đó, một trong những tai nạn phổ biến khi sơ cứu người đuối nước là dốc nạn nhân lên và chạy. Điều này hoàn toàn không có ích lợi và làm mất nhiều thời gian quý giá để cứu sống nạn nhân.

Sai lầm tiếp theo khi cấp cứu là ép vào bụng nạn nhân, gây nôn các dịch trong dạ dày và tăng nguy cơ hít sặc vào phổi... Ngoài ra cũng cần lưu ý, cấp cứu trẻ đuối nước, khi thực hiện ép tim ngoài lồng ngực, không ấn ngực quá mạnh vì sẽ gây gãy xương sườn, đụng giập phổi. Sau khi trẻ có lại nhịp thở, người dân cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để bác sĩ kiểm tra và theo dõi những biến chứng sau đuối nước.

Theo các chuyên gia y tế, không phải ai cũng có kỹ năng cấp cứu trẻ đuối nước đúng cách nên để ngăn ngừa tai nạn đuối nước cũng như hạn chế hậu quả đáng tiếc xảy ra, giải pháp quan trọng vẫn là hướng dẫn, dạy trẻ bơi an toàn. Cha mẹ, người lớn cần giám sát trẻ mọi lúc, mọi nơi. Tại các khu vực bơi công cộng, phụ huynh cần cho trẻ tắm ở nơi bảo đảm độ sâu an toàn, đúng lứa tuổi, có đủ phương tiện và nhân viên cứu hộ...

Để phòng, chống đuối nước ở trẻ em, các địa phương cần rà soát những khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ để chủ động phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho trẻ trong dịp nghỉ hè, mùa mưa bão và mùa nước nổi. Cụ thể, cần làm rào chắn, biển cảnh báo tại hố nước, hồ ao, sông ngòi, các khu vực nước sâu, nguy hiểm... để nhắc nhở và cảnh báo trẻ em.

Bài và ảnh: DIỆP CHÂU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/vao-he-them-noi-lo-duoi-nuoc-o-tre-em-779337