Vật lộn với nỗi xấu hổ khi thất nghiệp
Áp lực phải tuân theo các chuẩn mực xã hội đẩy nhiều người trẻ Hàn Quốc thất nghiệp vào thế cô lập. Ước tính 129.000 thanh niên ở Seoul đang sống tách biệt khỏi xã hội.
Khoảng 20 thanh niên thất nghiệp tập trung tại ga Gongdeok ở phía tây Seoul vào tuần trước để tham gia sự kiện có tên “Ngày đi bộ của NEET” (NEET là từ viết tắt, đề cập đến những người không học hành, không có việc làm hoặc không được đào tạo nghề), theo The Korea Times.
Người tham gia đến từ khắp nơi ở Hàn Quốc. Mặc dù không thân quen, họ tập hợp lại với chung hy vọng: bước ra khỏi phòng và kết nối với người khác.
Chương trình được tổ chức bởi NEET People - công ty khởi nghiệp phi lợi nhuận nhằm giúp người trẻ thất nghiệp giải quyết vấn đề của họ theo cách lành mạnh.
“Nếu cảm thấy chán cảnh ở nhà vì thất nghiệp, vì sao bạn không ra ngoài, đi dạo, thư giãn và tận hưởng phong cảnh đẹp?”, thông báo của đơn vị này cho biết.
Mọi cảm giác khó xử trong buổi họp mặt đều nhanh chóng biến mất. Sự im lặng bị phá vỡ khi mọi người đặt câu hỏi và trò chuyện với nhau.
“Khi đến đây, tôi cảm thấy lúng túng vì không quen ai cả, nhưng thật tuyệt vì mọi người đã bắt chuyện với tôi trước. Ngoài ra, tôi có cảm giác ban tổ chức đã rất nỗ lực để quan tâm đến mọi người. Chúng tôi chia sẻ những trải nghiệm tương đồng nên bây giờ tôi cảm thấy mình đã gắn bó với họ”, một người tham gia cho biết sau chương trình.
Bị bỏ lại
Theo dữ liệu của chính quyền thành phố Seoul, ước tính khoảng 4,5% thanh niên tại Seoul (tương đương 129.000 người) sống cô lập hoặc tách biệt khỏi xã hội. Con số dự kiến lên tới 610.000 nếu khảo sát trên toàn quốc.
Nghiên cứu cho thấy 45,5% gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm, 40,9% có vấn đề về tâm lý và và 40,3% khó hình thành mối quan hệ giữa các cá nhân.
Park Eun-mi, đồng đại diện của NEET People, nói rằng những người trẻ tuổi có thể rơi vào “trạng thái NEET” do nhiều yếu tố.
“Ngày nay, có rất nhiều người trẻ chuẩn bị một cách tuyệt vọng tham gia vào thị trường việc làm để rồi thất bại. Ngay cả sau khi kiếm được việc, một số người vẫn phải chịu đựng trải nghiệm khó chịu tại nơi làm việc”, Park nói.
“Những trải nghiệm bực bội đó khiến người trẻ tuổi không chỉ gặp phải khó khăn về tâm lý như rối loạn hoảng sợ hay trầm cảm, mà còn cả bệnh tật về thể chất. Vì không khỏe mạnh, họ mất sức sống và cuối cùng chỉ có một mình. Trong quá trình đó, họ bị cảm giác cô đơn lấn át”, bà cho biết thêm.
Jeon Seong-shin, một đồng đại diện khác, chỉ ra rằng xã hội Hàn Quốc không chấp nhận những người thoát khỏi các chuẩn mực xã hội hay “lối mòn”.
Mọi người trong xã hội Hàn Quốc được kỳ vọng tuân thủ lộ trình đã định trong cuộc sống. Đầu tiên, họ phải tốt nghiệp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông mà không gặp khó khăn gì. Tiếp theo, họ cần vào đại học - tốt nhất là trường có thứ hạng cao - và tìm công việc tử tế trước khi tốt nghiệp. Tiếp theo, họ phải kiếm tiền, kết hôn và nuôi cả gia đình.
“Nếu bỏ lỡ một bước và đi chệch khỏi con đường đó, bạn sẽ ngay lập tức gặp trở ngại. Hãy nhìn những thanh thiếu niên chọn nghỉ học hay quyết định đi làm thay vì học đại học. Những quyết định đó có thể có tác động lớn hơn mong đợi đối với cuộc sống của họ”, Jeon nói.
“Xã hội này không hào phóng lắm với những người cố gắng bắt đầu lại”, ông nhận định.
Woongbi (gần 30 tuổi) cho biết cô không ngừng lo lắng về tương lai của mình, ngay cả khi đang được tư vấn và điều trị tâm lý.
“Căn bệnh trong tâm trí đã phát triển thành các triệu chứng của cơ thể. Vì vậy, tôi cần được nghỉ ngơi và thoải mái tuyệt đối. Nhưng tôi không thể xả hơi hoàn toàn vì cảm thấy sốt ruột về tương lai. Tôi thi vào trường cao học nhưng bỏ dở sau 2 tháng. Tôi thậm chí cố gắng làm công việc bán thời gian đơn giản, nhưng lại nghỉ sau 10 ngày vì không thể vượt qua nỗi ám ảnh xã hội và cơn hoảng loạn của bản thân”, cô nói.
Sau đó, Woongbi chọn cách giam mình trong phòng 3 năm.
Park nói rằng những người trẻ tuổi thất nghiệp cũng muốn ngừng cảm thấy kiệt sức và khao khát cảm giác thân thuộc. Tuy nhiên, chính sách hiện tại của chính phủ đối với vấn đề thanh niên thất nghiệp tập trung vào những người có động lực cao tìm được vị trí thành công trong thị trường việc làm.
Những người trẻ không có tâm trí để làm việc hoặc không biết bản thân muốn làm gì thường bị loại khỏi sự hỗ trợ của chính sách.
Park cho biết chính sách của chính phủ nên bao gồm nhiều trường hợp đa dạng hơn.
“Giả sử học nghề là ở cấp độ 3. Chính sách cũng nên tập trung vào những người ở cấp độ một hoặc 2 để họ có thể leo lên cấp độ 3”, bà nói.
Tin rằng mọi người trong “trạng thái NEET” có thể thay đổi tốt hơn, NEET People cố gắng mang lại sự thoải mái và tự tin bằng cách tổ chức loạt chương trình, nơi người trẻ tuổi đang gặp khó khăn có thể cởi mở với nhau bằng câu chuyện riêng và tìm thấy lòng dũng cảm.
“Nếu thất nghiệp, bạn không còn chỗ đứng. Bạn lo lắng về cách người khác nhìn mình trong khi gặp khó khăn về tài chính. Gánh nặng tâm lý cũng tăng lên. Kết quả là bạn cảm thấy bị cô lập và sống ẩn dật hơn”, Woongbi nói.
Cô chia sẻ thêm: “Thực tế là những người thất nghiệp ở đây, chăm sóc và hỗ trợ lẫn nhau đã an ủi tôi. Tôi không phải người duy nhất phải vật lộn với nỗi xấu hổ khi thất nghiệp”.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vat-lon-voi-noi-xau-ho-khi-that-nghiep-post1401961.html