Vật Việt Nam kỳ vọng vào hướng đi mới
Chuẩn bị cho ASIAD 19 cũng như vòng loại Olympic 2024, vào đầu tháng 9 tới, đội tuyển vật nữ Việt Nam sẽ đi tập huấn tại Nhật Bản và Serbia. Những chuyến tập huấn này tuy ngắn ngày, có thể chưa mang đến những đột phá về thành tích nhưng vẫn được nhà quản lý, giới chuyên môn kỳ vọng sẽ là hướng đi đúng giúp các đô vật Việt Nam có thành tích ổn định hơn ở sân chơi ASIAD hay vòng loại Olympic.
Ưu tiên mũi nhọn đô vật nữ
Trong tháng 8 này, đội tuyển vật nam cũng có một số đô vật được cử tham dự Đại hội Thể thao các quốc gia độc lập tại Belarus. Đó cũng là lần xuất ngoại hiếm hoi của các đô vật nam bên cạnh việc tham gia thường xuyên ở sân chơi SEA Games. Tất nhiên, được cơ quan quản lý, nước chủ nhà tạo điều kiện về nhiều mặt nên các đô vật nam mới có cơ hội thi đấu tại Đại hội Thể thao các quốc gia độc lập tại Belarus.
Còn trên thực tế, để có thể cử các đô vật nam dự một giải đấu vượt tầm Đông Nam Á là cả vấn đề với nhà quản lý. Đơn giản vì nguồn kinh phí tập huấn, thi đấu quốc tế cấp cho bộ môn vật (Cục TDTT) cũng có hạn trong khi Liên đoàn vật Việt Nam cũng chưa thể hỗ trợ nhiều cho đội tuyển trong việc huy động thêm nguồn kinh phí. Còn hầu hết các địa phương, ngành cũng chỉ có thể đầu tư cầm chừng cho VĐV vật của mình trên đội tuyển quốc gia bởi để đưa một VĐV Việt Nam vươn tầm trình độ châu lục lại là hành trình lâu dài, tốn kém.
Cũng vì vậy, từ nhiều năm nay, sau những thành tích ổn định ở sân chơi thế giới, châu lục của các đô vật nữ, bộ môn vật (Cục TDTT) sau những cân nhắc, cuối cùng ưu tiên đầu tư cho các đô vật nữ. Điều này cũng xuất phát từ thực tế các đô vật nam ít cơ hội tranh chấp huy chương ASIAD, giải vô địch châu Á hay vé tham dự Olympic khi ngay ở châu Á cũng hội tụ đô vật từ nhiều quốc gia đã vươn tầm thế giới. Chính các HLV đội tuyển vật nam và các đô vật nam cũng phải thừa nhận điều này. Họ cũng hiểu rằng, chỉ khi có nhân tố thực sự nổi trội, có khả năng tranh chấp huy chương châu lục thì mới nhận đầu tư nhiều hơn. Còn nếu không, tất cả chấp nhận chỉ tranh chấp ngôi vô địch ở sân chơi Đông Nam Á. Còn phía bộ môn vật (Cục TDTT) cũng từng chia sẻ rằng nếu kinh phí thi đấu, tập huẩn quốc tế được cấp cho bộ môn nhiều hơn thì có thể sẽ tính tới việc tạo điều kiện cho các đô vật nam. Nhưng với tình hình hiện tại, không thể đầu tư dàn trải.
Việc tập trung cho đội tuyển vật nữ cũng thể hiện qua quá trình thi đấu quốc tế từ đầu năm 2023. Trong đó, ngay ở Giải vô địch vật châu Á tại Kazakhstan hồi tháng 4-2023, cũng chỉ các đô vật nữ Việt Nam tham dự. Cả 6 đô vật nữ được đầu tư theo hướng lâu dài sau một thời gian dài tập huấn trong nước đã không thể giành huy chương tại giải này. Sau đó dù các đô vật nữ Việt Nam giành trọn cả 6 HCV khi tham dự 6 nội dung tại SEA Games 32 thì nhà quản lý cũng hiểu rằng vẫn cần phải có đột phá trong khâu tập huấn quốc tế.
Đó cũng là lý do để đội tuyển vật nữ Việt Nam lần đầu tiên sau nhiều năm có hai nhóm đi tập huấn cùng thời điểm tại Serbia và Nhật Bản (đều từ ngày 5 đến 23-9). Trước đó, khi chưa xảy ra dịch COVID-19, địa điểm tập huấn nước ngoài của đội tuyển thường là Trung Quốc. Tuy vậy, cũng mong muốn để các tuyển thủ được tiếp cận nhiều trường phái huấn luyện mới, hiện đại nên nhà quản lý mới chuyển hướng tập huấn quốc tế cho các đô vật Việt Nam để họ có thể vững vàng tranh chấp huy chương ở ASIAD, tranh vé dự Olympic.
Hy vọng “đắt xắt ra miếng”
Chuyến tập huấn tại Serbia cũng là một trong những điểm mới của đội tuyển vật nữ Việt Nam bởi được kỳ vọng sẽ giúp các tuyển thủ tiếp cận được phong cách tập luyện, thi đấu của các đô vật tại châu Âu. Rồi sau đó, việc đội tuyển thi đấu luôn vòng loại thế giới tranh vé dự Olympic 2024 ngay tại đây cũng được xem là cơ hội để khẳng định sự tham gia đầy đủ của vật Việt Nam với làng vật thế giới.
Thực tế, trong những năm gần đây, Liên đoàn vật thế giới đã hỗ trợ rất nhiều cho vật Việt Nam mà rõ nhất là về công tác tổ chức SEA Games 31 tại Việt Nam. Tiếp đó cũng là cơ hội tốt để các tuyển thủ nhìn nhận rõ đang ở đâu.
Trong khi đó, một nhóm đô vật nữ các hạng cân nhẹ cũng sẽ đến Nhật Bản tập huấn với kỳ vọng có thể mang đến thành tích về lâu dài ở sân chơi châu lục cho vật Việt Nam. Lý do nhà quản lý chọn Nhật Bản để tập huấn cũng bắt nguồn từ việc Nhật Bản có các đô vật nữ hạng nhẹ vô địch thế giới cũng như Olympic trong thời gian gần đây.
Như lý giải của ông Tạ Tùng Đức, phụ trách bộ môn vật (Cục TDTT) thì muốn vươn tầm phải đến những quốc gia đang mạnh nhất về nội dung đó. Không kể, cách đây gần 1 năm, đội tuyển vật đã đón một chuyên gia Nhật Bản tới huấn luyện. Phương pháp tập luyện của chuyên gia người Nhật Bản với những bài tập mà trước đó các HLV, VĐV đội tuyển vật Việt Nam chưa từng thấy đã hoàn toàn thuyết phục nhà quản lý bộ môn, Ban huấn luyện và các VĐV. Đó cũng là lý do họ quyết định đi tập huấn tại Nhật Bản dù biết rằng sẽ cần nguồn kinh phí lớn và thời gian tập huấn sẽ ngắn hơn so với các chuyến tập huấn nước ngoài trước đây. Ước tính kinh phí cho một ngày tập huấn tại Nhật Bản cũng vào khoảng 200 USD/ ngày, thực sự là bài toán với những nhà quản lý.
Nhưng hy vọng “đắt xắt ra miếng”, đó cũng là quan điểm của nhà quản lý khi tính đến phương án này. Trưởng phòng thể thao thành tích cao 1 (Cục TDTT) Hoàng Quốc Vinh nhận định: “Chi phí cho những chuyến tập huẩn tại các địa điểm mới có thể cao hơn địa điểm cũ nhưng lại có thể giúp VĐV nâng cao trình độ chuyên môn hơn. Ở đó, cơ sở vật chất phục vụ tập luyện ở mức hàng đầu châu lục bên cạnh những “quân xanh” người bản địa luôn có trình độ cao hơn giúp VĐV Việt Nam học hỏi, nhanh tiến bộ. Về quan điểm chung, chúng tôi ủng hộ các bộ môn tính đến các phương án này”.
Như ông Tạ Tùng Đức kể rằng, dự kiến trong chuyến tập huấn này, các đô vật sẽ được cọ xát với các đô vật từng vô địch ở các cấp độ châu lục, thế giới của Nhật Bản; được tập luyện tại hệ thống cơ sở vật chất, chế độ dinh dưỡng và y tế ở mức cao nhất, dành cho các tuyển thủ Nhật Bản. Đó sẽ là trải nghiệm quý giá với các HLV, đô vật Việt Nam trên hành trình nâng tầm.
Với chính HLV đội tuyển vật nữ quốc gia Trần Văn Sơn, cựu đô vật nổi tiếng của vật Việt Nam những năm 1990 và đầu 2000, đây cũng là chuyến tập huấn được kỳ vọng sẽ nhận được những điều mới mẻ về kiến thức huấn luyện để lan tỏa tới các HLV khác trong nước. Ông Trần Văn Sơn từng chứng kiến chuyên gia Nhật Bản thể hiện khả năng khi đến với đội tuyển cách đây gần 1 năm nên cũng hy vọng rằng, việc tập huấn tại Nhật Bản sẽ mang đến luồng gió mới trong công tác huấn luyện cũng như tập luyện của các HLV, VĐV vật ở Việt Nam.
Trước mắt, ASIAD 19 và vòng loại Olympic 2024 sẽ là nơi để đánh giá hiệu quả ban đầu của những chuyến tập huấn này. Và về lâu dài, vẫn cần thời gian để đánh giá chính xác hiệu quả. Tất nhiên, sẽ tốt hơn nếu các đơn vị chủ quản của VĐV đang góp mặt ở đội tuyển quốc gia, chính Liên đoàn vật Việt Nam sẽ cùng chung tay để thực hiện mục tiêu, giúp VĐV có những chuyến tập huấn dài ngày hơn.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-thao/vat-viet-nam-ky-vong-vao-huong-di-moi-i703285/