Vay ngân hàng khó, vay tín dụng đen lo, làm sao có vốn?
Trong khi ngân hàng yêu cầu khách vay tín dụng phải chứng minh thu nhập, xin xác nhận và cam kết trả nợ của cơ quan hoặc đảm bảo bằng giấy tờ nhà đất thì 'tín dụng đen' lại 'siết' khách hàng bằng lãi suất thậm chí còn cao hơn cả tiền gốc khiến người tiêu dùng loay hoay trong việc tìm kiếm nguồn vốn.
Gỉai pháp nào cho dân?
Đang có nhu cầu mua một chiếc xe máy cho cô con gái chuẩn bị ra trường đi làm nhưng vừa xây nhà mới đã vay mượn khắp nơi, lại dồn tiền chữa bệnh cho bố mẹ, gia đình anh Võ Quang (Tân Bình, TP.HCM) không biết phải xoay xở vốn liếng ở đâu.
Hết cách, gia đình anh quyết định gõ cửa ngân hàng để vay tiền mua xe. Tuy nhiên, anh “tá hỏa” vì thủ tục của nhà băng không hề đơn giản như anh tưởng. Trước hết phải chứng minh thu nhập trong 6 tháng gần nhất, có xác nhận của cơ quan nơi con công tác kèm cam kết của cơ quan phối hợp với ngân hàng trong việc trích lương, thu nợ, giữ giấy tờ nếu nghỉ việc… Nếu không, khách hàng phải có tài sản đảm bảo như giấy tờ nhà đất hay tài sản thế chấp có giá trị.
Sau vài lần đi lại, anh chị cảm thấy cửa vay vốn ngân hàng tưởng rộng hóa ra lại rất “chật hẹp” nên đã từ bỏ ý định ban đầu.
Cũng có người gợi ý vợ chồng anh Quang vay tín dụng đen không cần thế chấp, thủ tục đơn giản, chỉ cần viết giấy nợ xong là có tiền. Song, khi nghe mức lãi suất tới 5.000 đồng/1 triệu/ngày, tức là mỗi tháng, chỉ riêng tiền lãi anh chị phải trả tới 4,5 triệu đồng. Nếu vay nửa năm thì tiền lãi coi như bằng tiền gốc mà gia đình thì chưa chắc đã tích cóp được chừng ấy tiền trong 6 tháng tới. Hơn nữa, dính tới “xã hội đen”, anh chị thấy không yên tâm nên lẳng lặng lắc đầu.
Đang lúc bí bách thì cô con gái đi làm về khoe được đồng nghiệp tư vấn sử dụng dịch vụ tín dụng tiêu dùng từ các công ty tài chính với mức lãi suất chỉ nhỉnh hơn ngân hàng chút xíu mà thủ tục lại nhanh gọn, không cần thế chấp. Quan trọng nhất là dịch vụ hợp pháp, minh bạch, ít rủi ro.
Sau vài ngày tìm hiểu thông tin và được sự tư vấn trực tiếp từ một số công ty tài chính khác nhau, anh Quang quyết định lựa chọn dịch vụ vay tiền mặt của một công ty tài chính có uy tín với lãi suất gần 24%/năm cho khoản vay 30 triệu đồng trong vòng 12 tháng.
Lựa chọn tối ưu cho người tiêu dùng
Những trường hợp như gia đình anh Quang không phải là hiếm. Bởi lẽ do thiếu thông tin, ít có điều kiện tiếp cận với sự thay đổi của thị trường tài chính nên hình thức vay tiêu dùng từ các công ty tài chính vẫn là một kênh tiếp cận nguồn vốn khá mới mẻ đối với phần lớn người tiêu dùng Việt Nam.
Sau gần 10 năm có mặt tại Việt Nam, thị trường tài chính tiêu dùng đang có những bước phát triển mạnh mẽ và được kỳ vọng sẽ là lựa chọn tối ưu cho những người có nhu cầu mua sắm trang thiết bị, phương tiện đi lại, đầu tư kinh doanh có giá trị vừa phải và thời gian vay ngắn.
Theo ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước, tiềm năng tăng trưởng của thị trường tài chính tiêu dùng là rất lớn.
Theo các chuyên gia tài chính, tiềm năng phát triển cho vay tiêu dùng tại các tỉnh/ thành phố là rất lớn do nhu cầu tiêu dùng tăng cao, tâm lý tiêu dùng đã thay đổi theo hướng hiện đại hơn, kinh tế xã hội phát triển và thu nhập của người dân được cải thiện rõ rệt trong những năm gần đây.
Bên cạnh đó, việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 43/2016/TT-NHNN có hiệu lực từ 15-3-2017, quy định các hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính, tách bạch việc quản lý hoạt động này với các dịch vụ của ngân hàng được kỳ vọng sẽ giúp thị trường cho vay tiêu dùng ở Việt Nam phát triển minh bạch, lành mạnh và hiệu quả hơn.
“Điểm đáng chú ý của Thông tư là những quy định mới liên quan đến quy đổi lãi suất theo năm, thời gian gọi điện nhắc nợ khách hàng, đơn giản hóa hồ sơ vay vốn… nhằm đảm bảo quyền lợi khách hàng ở mức cao nhất”, nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm cho hay.