Vay tiêu dùng lãi suất đã 'cắt cổ' còn thêm nhiều phí phát sinh
Sau khi chấp nhận đặt bút ký vào hợp đồng vay tiêu dùng, nhiều khách hàng đã tỏ ra bức xúc trước những phát sinh về phí sau đó.
Thiếu rõ ràng về các khoản phí sau vay
Trên thực tế, so với lãi suất vay ngân hàng thì lãi suất vay tín dụng tiêu dùng đang ở mức “cao ngất ngưởng” với 30-40%. Mức lãi suất này được áp dụng phổ biến ở các công ty tài chính như Home credit, Prudential Finance, HD Finance…
Một khách hàng tên là Bảo sau khi vay khoản tiền 10 triệu trong 24 tháng, mỗi tháng phải đóng 761.000 đồng đã phàn nàn công khai trong chính web của đơn vị cho vay tiêu dùng.
“Ai ngờ khi đi lĩnh tiền mới biết rằng lãi suất quá cao nhưng chấp nhận đâm lao phải theo lao. Tuy nhiên, thời gian gần đây tôi bị ốm nên đóng tiền trễ và ngay sau đó nhận được thông báo phải nộp số tiền phạt là 3 triệu 622 nghìn đồng. Tôi giật mình không hiểu sao lãi cao "cắt cổ" thế được. Dù đây cũng là lỗi vô ý do không hỏi kỹ của mình, nhưng tôi cũng cảm giác như bị lừa vậy”.
Chưa hết giật mình về lãi suất thì người tiêu dùng còn “sừng sờ” trước các khoản phí phát sinh. Điều đó khiến nhiều người có thái độ khó chịu khi “trót” vay tiêu dùng.
Từ khi tiếp cận nhân viên ngân hàng đến khi hồ sơ gần hoàn tất, chị Nga, một khách hàng đã vay tiêu dùng ở một công ty tài chính cho hay, chị không được tư vấn cụ thể các khoản phí, phạt cho khoản tiền vay. Đến khi đã đặt bút ký hợp đồng và chuẩn bị giải ngân thì chị mới biết mình phải chịu hàng loạt khoản phí như bảo hiểm tai nạn, phí công chứng, thậm chí còn có cả phí hoa hồng... lên tới trên 7 triệu đồng, nên chị thấy rất khó chịu.
Cũng trong hoàn cảnh giống chị Nga, một khách hàng tên là Phương thắc mắc: “Tôi đang vay khoản vay trả góp điện thoại thời hạn 9 tháng và đã trả đến tháng thứ 5. Hôm qua tôi có nhận được tin nhắn như sau: Từ ngày XXX khách hàng sẽ tự trả phí 12.000đ/giao dịch tại VPBank, VNPost, Payoo khi thanh toán khoản vay. Xin hỏi việc này cụ thể như thế nào? Và nếu vậy thì khoảng vay hàng tháng của tôi phải cộng thêm số tiền trên”.
Chia sẻ vấn đề này một khách hàng tên Thu cho ý kiến: “Công ty tài chính này chỉ cung cấp 3 phương thức thanh toán là VPBank, VNPost, Payoo, và bây giờ bỗng dưng có thêm khoản phí 12.000đ áp đặt lên cả 3 phương thức trên, thật vô lý”.
“Mình cũng rất bực mình cách làm ăn kỳ cục như vậy. Mình đang vay tiền và thanh toán đúng mỗi tháng, lúc hợp đồng thì nói không đóng thêm khoản phí nào hết giờ tự dưng giờ phải đóng thêm khoản phí 12.000đ”, chị Thu bày tỏ quan điểm.
Trên đây chỉ là ví dụ điển hình của việc phát sinh khoản phí sau khi vay tiêu dùng ở các công ty tài chính hiện nay.
“Vay tiêu dùng không phải là miếng mồi béo bở”
Cách đây không lâu Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) vừa có văn bản khuyến cáo: “Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã tiếp nhận nhiều khiếu nại liên quan đến dịch vụ tín dụng tiêu dùng. Theo đó, nhân viên các công ty tài chính, tín dụng lợi dụng tâm lý đang cần vay tiền của người tiêu dùng (NTD) nên đã tư vấn thông tin không đầy đủ, không chính xác, có dấu hiệu gây hiểu nhầm, nhầm lẫn cho NTD”.
Để tìm hiểu sâu thêm về vấn đề này, PV Báo Gia đình & Xã hội đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế, T.S Nguyễn Minh Phong.
Theo ông, với mức lãi suất lên tới 40%/năm là quá cao. Nhưng đây là vay tiêu dùng tín chấp nên điều này là dễ hiểu. Người đi vay cần xem xét khả năng vay và hoàn vốn để đưa ra quyết định có nên vay tiêu dùng hay không.
Ông Phong đánh giá: “Vay tiêu dùng là một kênh đầu tư chứa nhiều rủi ro cho bên đi vay và cho vay. Thực tế thì ở những công ty tài chính này đã bị tăng nợ xấu, nợ đọng bởi hoạt động này rồi. Cả bên đi vay và cho vay đều đang đặt mình vào thế mạo hiểm”.
Nhận định về nhiều trường hợp xảy ra tranh chấp giữa bên vay và bên cho vay do những bất đồng về lãi suất, cách thức trả nợ, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho hay: “Đây là hợp đồng vay theo điều kiện, nên nội dung về lãi suất, khoản phí như thế nào mọi người phải hiểu và chấp nhận nó khi vay.Khi khách hàng đã chấp nhận đặt bút kí rồi thì không thể phàn nàn cũng như khiếu kiện bên cho vay được”.
Vấn đề đặt ra là, trước khi quyết định vay tiêu dùng, người dân phải xem xét khả năng trả nợ và hoàn vốn của mình, tránh “vung tay quá trán”, T.S Phong cho biết thêm.
Giải đáp về những thắc mắc của khách hàng khi vay tiêu dùng phải chịu những khoản phí phát sinh, ông Phong nói: “Thực tế các khoản phí mà người đi vay phải trả sẽ nằm trong một điều khoản ẩn hoặc câu chữ không đẩy đủ, mập mờ trong hợp đồng. Vì vậy phải đọc kĩ điều khoản để tránh có cảm giác bị “lừa”.
Bất kì khách hàng nào không hài lòng vì phải nộp phí thì phải có bằng chứng cụ thể. Vay tiêu dùng ko như vay tín dụng thông thường. Bởi, trong nội dung vay nhân viên có thể sẽ cố tình che dấu, hoặc giải thích không hết nghĩa của điều khoản”
“Tôi nói rồi, đây không phải là miếng mồi béo bở, các công ty tài chính cung cấp vay tiêu dùng là một dạng của vay lãi suất cao, ẩn dưới nhiều chiêu khuyến mại khác nhau để “dụ” khách hàng mà thôi”, T.S Phong nhấn mạnh.
Phạm Huyền/Báo Gia đình & Xã hội