VCCI: Nghị định về kiểm định cần tránh tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp
Theo VCCI, dù mục tiêu là cắt giảm, đơn giản hóa nhưng nhiều quy định mới trong dự thảo Nghị định sửa đổi các quy định liên quan đến hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đang có nguy cơ tạo thêm gánh nặng, thiếu minh bạch và chưa thực sự hợp lý với môi trường kinh doanh.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản góp ý gửi Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 105/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều kiện hoạt động của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường và Nghị định 154/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ và một số quy định về kiểm tra chuyên ngành.
Góp ý cho dự thảo, VCCI đã chỉ ra 4 vấn đề lớn cần được xem xét lại.
Thứ nhất, về điều kiện hoạt động của tổ chức cung cấp dịch vụ. Dự thảo quy định tổ chức cung cấp dịch vụ phải “có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam”.
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân, nhưng là một loại hình doanh nghiệp. Điều kiện hoạt động của tổ chức cung cấp dịch vụ đang thiết kế yêu cầu về cơ sở vật chất, nhân viên kỹ thuật và thiết lập và duy trình hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn. Đây là những điều kiện mà doanh nghiệp tư nhân cũng có thể đáp ứng được.
Vì vậy, để tạo điều kiện cho các chủ thể có thể tham gia vào lĩnh vực này, đề nghị cân nhắc sửa quy định trên theo hướng: "là tổ chức thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam".

Ảnh minh họa.
Mặt khác, dự thảo yêu cầu nhân viên kỹ thuật phải "có chứng chỉ hoàn thành khóa đào tạo nghiệp vụ cơ sở về đo lường", thay vì chỉ cần "hoàn thành khóa đào tạo" như quy định hiện hành. VCCI cho rằng việc bổ sung yêu cầu về "chứng chỉ" là đi ngược lại mục tiêu đơn giản hóa thủ tục.
"Việc bổ sung thêm chứng chỉ trong bối cảnh mục tiêu của dự thảo sửa đổi là nhằm cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh dường như chưa phù hợp", VCCI nêu.
Cũng theo VCCI, quy định còn thiếu minh bạch khi không làm rõ trình tự, thủ tục cấp chứng chỉ ra sao? Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ là đơn vị đào tạo hay chỉ cấp chứng chỉ?
VCCI kiến nghị sửa đổi theo hướng, không phải cấp chứng chỉ hoàn thành khóa đào tạo và việc đào tạo nên để cho các tổ chức, đơn vị ngoài nhà nước thực hiện.
Thứ 2, về quy định thu hồi giấy chứng nhận. Dự thảo bổ sung quy định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký nếu doanh nghiệp "không thực hiện đầy đủ một trong các trách nhiệm quy định tại Điều 11 Nghị định".
Theo VCCI, việc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký là chế tài khá nặng nề, khiến cho doanh nghiệp phải dừng hoặc chấm dứt hoạt động. Vì vậy, cần cân nhắc chỉ áp dụng đối với những hành vi vi phạm rất nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến điều kiện hoạt động, chất lượng của dịch vụ cung cấp.
VCCI lập luận, đối với trách nhiệm “ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường” là hành vi mang tính tự thân của doanh nghiệp, không có tính bắt buộc và việc không thực hiện điều này sẽ không ảnh hưởng đến khách hàng hay các điều kiện hoạt động của doanh nghiệp. Do đó, thu hồi giấy chứng nhận trong trường hợp không chuyển đổi số là chưa phù hợp.
VCCI đề nghị quy định sửa đổi các trường hợp thu hồi giấy chứng nhận theo hướng không đáp ứng đủ điều kiện hoạt động và vi phạm các trường hợp cấm trong hoạt động đo lường, kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm.
Thứ 3, quy định về trách nhiệm của tổ chức cung cấp dịch vụ. Dự thảo yêu cầu doanh nghiệp phải báo cáo hoạt động hàng tháng và gửi đồng thời cho cả Bộ Khoa học và Công nghệ lẫn ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Theo đánh giá của VCCI, việc yêu cầu doanh nghiệp phải báo cáo hàng tháng là tần suất quá dày, sẽ tạo gánh nặng tuân thủ cho doanh nghiệp.
Không rõ về căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu doanh nghiệp phải báo cáo ngoài trường hợp phải báo cáo theo định kỳ. Điều này có thể dẫn tới nguy cơ quy định bị lạm dụng và gây khó cho doanh nghiệp.
Việc yêu cầu cùng lúc gửi báo cáo cho Bộ Khoa học và Công nghệ và ủy ban nhân dân cấp tỉnh là chưa hợp lý, trong khi hoạt động cấp phép đã phân cấp cho ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Giữa các cơ quan nhà nước có thể chia sẻ thông tin với nhau, yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện báo cáo cho nhiều cơ quan quản lý sẽ tạo ra gánh nặng về thủ tục cho doanh nghiệp.
"Để bảo đảm đơn giản hóa thủ tục và giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, đề nghị giảm tần suất báo cáo thành báo cáo năm, quy định rõ về yêu cầu báo cáo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi có dấu hiệu vi phạm rõ ràng từ doanh nghiệp và cơ quan nhận báo cáo là ủy ban nhân dân cấp tỉnh", VCCI kiến nghị.
Thứ 4, về bỏ thủ tục cấp lại giấy chứng nhận đăng ký. Dự thảo đề xuất bỏ thủ tục cấp lại giấy chứng nhận bị mất, hỏng với lý do sẽ chuyển đổi hoàn toàn sang bản điện tử.
Tuy nhiên, VCCI nhận thấy quy định này còn nhiều lỗ hổng khi dự thảo vẫn cho phép nộp hồ sơ giấy. Vậy doanh nghiệp nộp hồ sơ giấy sẽ nhận được chứng nhận điện tử như thế nào? Với các giấy chứng nhận bản giấy đã cấp trước đây, nếu bị mất hoặc hỏng thì xử lý ra sao? Doanh nghiệp muốn chuyển đổi từ bản giấy sang bản điện tử thì thủ tục thế nào?
VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cần quy định rõ ràng các vấn đề trên để bảo đảm tính minh bạch và thuận lợi khi áp dụng vào thực tế.