Về Bạc Liêu nghe chuyện hình tượng rắn

Bước chân vào khuôn viên chùa Xiêm Cán, một ngôi chùa của người Khmer ở xã Vĩnh Trạnh Đông, thành phố Bạc Liêu, tôi đã hơi 'rùng mình' bởi hình tượng rắn khổng lồ đang phành mang rộng và có hơn một đầu. Đó là một hình ảnh khá ấn tượng được bố trí làm đầu lan can bậc cầu thang bước lên chùa.

Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên nên ông Ba Danh, người Bạc Liêu gốc, và đồng thời cũng là người dẫn đoàn công tác của chúng tôi về thăm mảnh đất Bạc Liêu, cười giải thích: “Tại các chùa Khmer Nam bộ, hình tượng rắn Nagar ngự trị trên các mái chùa, đầu đao, cổng rào và nhiều vị trí khác, hình tượng này mang ý nghĩa xua đuổi tà ma và bảo vệ Đức Phật”.

Hình tượng rắn Nagar ở chùa Khmer.

Hình tượng rắn Nagar ở chùa Khmer.

Tôi hỏi lại: “Rắn Nagar là gì?”. Ông Ba Danh cho hay: “Nagar là một sinh vật có nguồn gốc Ấn Độ. Trong tiếng Phạn thì Nagar có nghĩa là rắn hổ mang, loài rắn chúa tể của các loài rắn. Người Ấn Độ có quan niệm cho rằng: Nagar là linh hồn của thiên nhiên canh giữ chốn linh thiêng và bảo vệ nguồn nước, nguồn của sự sống. Về rắn Nagar thì có rất nhiều truyền thuyết khác nhau.

Theo truyền thuyết về Bảy ngày tu đầu tiên của Đức Phật thì: Trong thời gian tu khổ hạnh Đức Phật ngồi tọa thiền dưới cội Bồ Đề thì mưa to gió lớn nổi lên, nước dâng ngập cả chỗ ngồi của Đức Phật. Khi ấy có một vị Vua rắn Nagar liền bò ra khỏi nơi ẩn trú của mình, lấy thân cuốn lại thành vòng tròn như bảo tọa cho Đức Phật ngồi nhập định khỏi bị ngập nước và vươn cao bảy chiếc đầu phình to tạo thành cái táng che chở cho Đức Phật.

Từ đó rắn Nagar trở thành hình tượng phổ biến trong văn hóa Khmer. Và cũng trở thành biểu tượng của ý nghĩa nói lên rằng: Đức Phật đã cảm hóa được rắn độc và thần rắn đã phát nguyện phục tùng, theo hầu Đức Phật. Chuyện là thế ông ạ”.

Câu chuyện truyền thuyết mang tính huyền bí đã thôi thúc tôi dừng lại hồi lâu để chiêm ngưỡng hình tượng rắn Nagar. Quả tình hình tượng này xuất hiện dường như ở bất cứ vị trí nào ở khuôn viên chùa, ở trước cửa chùa và cả trong chùa. Ông Ba Danh cho biết thêm: “Hình tượng rắn Nagar cũng là một nét đẹp của văn hóa thờ rắn Nagar. Đó còn là sự giao thoa giữa tín ngưỡng và điều kiện môi trường sống của người Khmer”.

Lời giải thích đó hoàn toàn có lý khi tôi biết rằng: Vùng đất Tây Nam bộ thuở xa xưa gọi là “Thủy Chân Lạp”, một vùng đất quanh năm ngập nước, lau sậy rậm rạp, cá mú nhiều vô kể và cũng là nơi loài bò sát mà chúng ta gọi là rắn khá phát triển. Khi những cư dân Khmer đến đây lập nghiệp thì họ đã phải “sống chung” với rắn rết cùng muông thú. Dĩ nhiên người Khmer đều là những “tín đồ” trung thành của Phật giáo Nam Tông nên họ định cư ở đâu thì chùa chiền được xây dựng ở đó. Người Khmer có thể sống trong những ngôi nhà đơn sơ nhưng chùa thì bao giờ cũng được xây dựng khang trang, rực rỡ màu sắc và ở những vị trí cao thoáng nhất, trung tâm nhất trong mỗi phum sóc.

Nghe tới đây tôi chợt nhớ đã có lần được nghe nói rằng: Chùa của người Khmer không chỉ là nơi để bà con thực hành tín ngưỡng mà sâu xa hơn thì chùa chính là “nhà văn hóa cộng đồng” của bà con. Mỗi khi cuộc sống có “chuyện” thì bà con đều kéo đến “trú ngụ” ở chùa. Thành ra chùa Khmer còn là nơi “cưu mang” bà con mỗi khi “có biến”. Chùa là nơi chứa đựng những tâm hồn, cưu mang lẫn nhau, bao dung và che chở.

Câu chuyện rắn thần Nagar phát nguyện tùng phục Đức Phật đã được bà con Khmer nâng lên tầm cao mới và từ đó ra đời hình tượng rắn Nagar có mặt ở mọi nơi mọi chỗ trong chùa. Rắn thần Nagar che chở bảo vệ Đức Phật và Đức Phật với chùa làm đại diện cho mình, cũng đã chở che dân lành.

Ông Ba Danh còn cho hay thêm: “Con rắn vốn có nọc độc gây chết người, vậy mà được Đức Phật cảm hóa trở nên hiền từ và có ích vì nó biết tu theo Phật. Do đó hình tượng rắn Nagar về ý nghĩa sâu sắc thì là một tư tưởng mang đậm truyền thống văn hóa tốt đẹp và có giá trị nhân văn sâu sắc của người Khmer nói riêng, của cộng đồng Phật tử theo truyền thống văn hóa Phật giáo nói chung”.

Tranh thủ lúc mọi người tỏa đi khắp chùa, tôi níu tay ông Ba Danh nhờ ông dẫn đi “tham quan” chùa với mục đích là tìm hiểu thêm về hình tượng rắn Nagar. Cũng phải nói thêm rằng: Một ngôi chùa Khmer chính là một quần thể nhiều ngôi nhà hợp lại trong một khuôn viên rộng rãi. Lại cũng phải nói thêm rằng: Hôm chúng tôi tới chiêm bái chùa Xiêm Cán cũng là hôm chùa Xiêm Cán là nơi diễn ra “Liên hoan nhạc ngũ âm và múa dân gian Khmer của tỉnh Bạc Liêu”.

Chùa hôm nay khá rộn rã với những âm thanh náo nức của nhạc ngũ âm Khmer và uyển chuyển trong những điệu múa dân gian của bà con Khmer. Quả thực không gian chùa như chợt rộng ra với mọi chiều kích của những cảm xúc văn hóa đậm bản sắc dân tộc của người Khmer Nam bộ nói chung, của người Khmer Bạc Liêu nói riêng.

Chùa Xiêm Cán ở thành phố Bạc Liêu.

Chùa Xiêm Cán ở thành phố Bạc Liêu.

Ông Ba Danh dường như thấy tôi háo hức với hình tượng rắn Nagar nên cũng tỏ rõ vốn hiểu biết về văn hóa của người Khmer, ông cho hay: “Chùa Xiêm Cán là một ngôi chùa lớn và đẹp nhất trong các chùa Khmer ở Bạc Liêu. Đây không chỉ là ngôi chùa nổi tiếng với phong cách nghệ thuật lẫn kiến trúc độc đáo. Mà chùa Xiêm Cán còn được biết đến là nơi lưu giữ và hình thành nên nhiều nét đẹp văn hóa trong đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc người Khmer”.

Chỉ tay vào chùa chính, ông Ba Danh cho hay: “Đối diện chánh điện là cột trụ biểu với hình tượng Rắn thần Nagar 5 đầu. Đây là nơi người ta thắp đèn cầy trong những ngày lễ với ngụ ý rằng giáo lý Phật giáo sẽ soi sáng cho nhân loại, giúp mọi người sống tốt đẹp như chính loài rắn đã quy thiện”.

Quả thực, hình tượng rắn Nagar ở chùa Xiêm Cán khá phong phú và đa dạng về kích cỡ và công dụng. Từ chỗ trang trọng cho đến những nơi khá đơn giản, ví như là đầu tay vịn cầu thang lên chùa như tôi đã nói ở phần đầu. Có lẽ hình tượng rắn ở mọi vị trí cũng nói lên: Rắn thần Nagar luôn có mặt hay còn gọi là hiện hữu ở mọi nơi mọi chỗ để che chở và phát nguyện ý thức nhân văn của Đức Phật.

Ông Ba Danh giảng giải: “Theo quan niệm của người Khmer thì mỗi hình tượng hay hình ảnh điêu khắc về rắn Nagar có kết cấu và họa tiết, số lượng đầu rắn là đều có ý nghĩa khác nhau. Ví dụ như rắn ba đầu là biểu tượng cho Thiên - Địa - Nhân. Còn rắn có năm đầu là theo truyền thuyết ngũ hành: Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ. Hình tượng điêu khắc rắn có bảy đầu là biểu tượng cho sự đắc đạo trong tu hành. Và rắn có chín đầu là biểu tượng cho con đường dẫn lên thiên đàng”. Ông Ba Danh hơi ngừng lời nhìn tôi đang tròn mắt kinh ngạc và nói thêm: “Rắn có bảy đầu còn là biểu trưng cho năng lực của người đàn ông, sự vĩnh hằng, sự bất tử và vô tận, biểu trưng cho bảy sắc cầu vồng. Còn rắn có sáu đầu biểu tượng cho nữ giới, trái đất, thể xác và sự chết”.

Tôi vội nói theo: “Thì ra biểu tượng về số lượng đầu rắn cũng khá tinh tế và sâu sắc”. Ông Ba Danh gật đầu và nói thêm: “Đó cũng là điều nói lên về nhận thức nhân sinh quan, vũ trụ quan của người Khmer ông ạ. Rắn thần Nagar đã trở thành một giá trị của biểu tượng đầy ý nghĩa lại mang giá trị tinh thần cao. Giá trị đó mang lại sự bình an trong cuộc sống của người Khmer”.

Chỉ tay kiểu một vòng khắp các hình tượng rắn thần Nagar có ở chùa Xiêm Cán, ông Ba Danh bảo: “Hình tượng rắn thần Nagar lại còn có vai trò như một họa tiết hoa văn được những người thợ đem vào trong điêu khắc kiến trúc chùa chiền và cả ở trong các nông cụ của bà con nữa ông ạ”. Tôi vội hỏi thêm: “Thế thì cũng phải có ý nghĩa gì chứ?”. Ông Ba Danh lại gật đầu: “Có ý nghĩa chứ. Đó là niềm tin và sự may mắn trong lao động và trong cuộc sống của bà con”.

Thật đúng là một hình tượng mang nhiều ý nghĩa, từ tâm linh cho đến thường nhật. Nhưng ý nghĩa cũng cho thấy người Khmer Nam bộ luôn gắn tín ngưỡng với cuộc sống của mình. Một cuộc sống lao động, chân chất và đậm nét văn hóa dân tộc.

Nguyễn Trọng Văn

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/ve-bac-lieu-nghe-chuyen-hinh-tuong-ran-i759726/