Về Bình Phước để thăng hoa cảm xúc

'Năm 1996, khi đang là sinh viên năm nhất, qua sự rung động đầu đời tôi đã sáng tác bài Ngày ấy có em. Sau nhạc phẩm đầu tay này, tôi sáng tác nhiều bài hát về đề tài tình yêu' - nhạc sĩ Nguyễn Thái Hiệp nói về những bài hát của mình.

Đam mê âm nhạc

Nguyễn Thái Hiệp (ảnh, SN1977) sinh ra tại Bình Định và lớn lên tại TP. Hồ Chí Minh. Từ nhỏ, anh Hiệp theo học piano và thanh nhạc với nhạc sĩ Nguyễn Tiến Hưng rồi theo thầy phụ hậu đài trong các chương trình tại Nhà thiếu nhi quận 6. Anh còn tham gia đội kịch ở Trung tâm Văn hóa quận 11 và học thanh nhạc. Từ năm lớp 8 đến lớp 10, Hiệp vừa học văn hóa vừa tích cực tham gia nhiều cuộc thi tìm kiếm ca sĩ và trau dồi thêm khả năng ca hát. Anh chia sẻ: Đến năm học lớp 10, tôi tham gia ban nhạc Rock Metal Wave với vai trò hát chính và đi hát các tụ điểm cùng với sự hướng dẫn của nghệ sĩ ưu tú Quỳnh Liên tại SK 35 Lê Thánh Tôn, Tàu Mỹ Nhân Ngư (Bến Bạch Đằng), Công viên Lê Thị Riêng, Công viên Hoàng Văn Thụ…

Vì đam mê âm nhạc nên sau khi tốt nghiệp THPT, anh Hiệp thi vào Khoa Âm nhạc, Trường đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh. Tại đây, anh Hiệp cùng bạn bè thành lập nhóm nhạc Dế Mèn phục vụ sinh viên thời ấy. Nói về ca khúc đầu tay, anh Hiệp cho biết thêm: Khi đó, tôi cầm chiếc đàn guitar vào ký túc xá để hát tặng bạn gái mà mình thầm thương, trộm nhớ. Sau này, nhóm nhạc Dế Mèn cũng thường sử dụng bài hát Ngày ấy có em trong các buổi biểu diễn cho sinh viên...

Sau khi ra trường, anh Hiệp công tác tại Trung tâm Văn hóa quận 9, sau đó là Nhà Văn hóa thanh niên TP. Hồ Chí Minh cho đến nay. Ngoài hoạt động chuyên môn, anh Hiệp tích cực sáng tác với khoảng 100 ca khúc thuộc nhiều đề tài. “Tôi không ngừng học hỏi, đặt hết tâm huyết vào các đề tài khác nhau để mang giá trị nhân văn cho cuộc sống. Từ tình yêu quê hương, đất nước đến đề tài về mái trường, thầy cô, tuổi trẻ, anh bộ đội… và các ca khúc về biển đảo là tình cảm của tôi muốn gửi đến công chúng gần xa” - anh Hiệp chia sẻ.

Kỷ niệm những chuyến đi

Những lần đến với Bình Phước, anh cảm nhận được sức sống mới trên vùng đất từng là chiến trường khốc liệt. Từ cảm xúc này, anh đã có nhiều bài hát về Bình Phước như: Phú Riềng sức trẻ ước mơ và niềm tin; Tự hào Bình Phước của ta (sáng tác chung với Thắng Liêm) đạt giải nhì cuộc thi sáng tác về Bình Phước do Tỉnh đoàn tổ chức năm 2012; Thương ca Long Bình; Nông dân Bình Phước sáng mãi niềm tin.

Bình Phước mang vẻ đẹp hoang sơ, người dân dễ thương, chân thành, gần gũi. Đặc biệt, Bình Phước còn lưu giữ nhiều nét văn hóa độc đáo của người đồng bào S’tiêng và những di tích lịch sử. Đó là nguồn cảm xúc vô tận để tôi sáng tác nên những bài hát hay về mảnh đất này.

Anh Nguyễn Thái Hiệp chia sẻ

Đối với anh, kỷ niệm đáng nhớ nữa là khi anh được đến Trường Sa vào năm 2010. Ngay trên tàu ra đảo, anh sáng tác và hòa âm phối khí, tập luyện ca khúc mang tên Hành trình vì biển đảo quê hương. Khi đến đảo, anh đã biểu diễn ca khúc này gửi đến các chiến sĩ Trường Sa. “Được đến với Trường Sa là niềm vinh hạnh của bản thân. Tôi cảm nhận sự thiêng liêng khi đặt chân đến nơi đầu sóng ngọn gió. Trách nhiệm và tình cảm của tôi dành cho các anh lính đảo là những bài hát về biển đảo quê hương” - anh Hiệp tâm sự. Bài hát này đạt giải B trong cuộc thi sáng tác về biển đảo quê hương do Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Trung ương Đoàn và Quân chủng Hải quân phối hợp tổ chức năm 2010. Sau chuyến đi đó, anh Hiệp đã có thêm nhiều bài hát về biển đảo được khán giả, đồng nghiệp yêu thích.

Hiện ngoài công việc của một Trưởng phòng Văn hóa Thể thao, Nhà Văn hóa thanh niên TP. Hồ Chí Minh, anh Hiệp còn được một số trường đại học mời dạy. Sắp tới, anh sẽ thực hiện các dự án âm nhạc gắn với thị hiếu giới trẻ hiện nay, cũng như tổ chức các trại sáng tác ca ngợi chủ quyền biên giới, biển đảo quê hương.

Lâm Hữu Tặng

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/253/123595/ve-binh-phuoc-de-thang-hoa-cam-xuc