Về cố đô Hoa Lư - nghe chuyện kể các vua và hoàng hậu
Về Hoa Lư trong một ngày nắng đẹp, thăm lại cung đình cổ xưa với những chứng tích của thời vua Đinh, Lê, Lý... và nhiều câu chuyện gia đình, sự nghiệp của những tiền nhân, khiến du khách càng thấy tự hào về lịch sử dân tộc.
Hoa Lư - Vùng đất kinh kì ngàn năm
Nằm cách thủ đô Hà Nội khoảng chưa đầy 100km về phía Nam, nơi đây đã chứng khiến 3 đời vua của triều đại phong kiến Việt Nam đầu tiên. Tự hào biết bao khi biết vị vua đầu tiên của nước Việt Nam lại là một vị tướng tài của dân tộc.
Định Bộ Lĩnh là vị anh hùng có sở thích đặc biệt là được tập trận cờ lau khi còn nhỏ. Lớn lên vị Anh hùng dân tộc Đinh Bộ Lĩnh đã trở thành người đầu tiên thống lĩnh 12 sứ quân, lập lại trật tự và khẳng định chủ quyền lãnh thổ của nước Đại Việt sau 1.000 năm Bắc thuộc.
Dẫn chúng tôi thăm lại những di tích được phục dựng, người hướng dẫn viên bản xứ đã kể về rất nhiều "bí sử". Ấn tượng nhất với chúng tôi là câu chuyện tình yêu của hoàng hậu Dương Vân Nga với hai đời vua.
Với người chồng đầu tiên của Dương Vân Nga là vua Đinh Tiên Hoàng, Dương Vân Nga đã sinh hoàng tử bé nhất - nhưng lại chính là người nối ngôi vua cha, sau khi tất cả cha và các người anh mình đều bị sát hại. Lúc đó, chàng "vua nhí" mới chỉ lên 6 tuổi, và là con trai thứ 3 của vua Đinh, có tên là Đinh Đế Toàn. Dương Vân Nga bất đắc dĩ trở thành thái hậu, phải tham gia điều hành triều chính.
Một mình hoàng hậu Vân Nga đã quyết tâm bảo vệ con bằng cách quyết định nhường lại ngôi vương cho tướng Lê Hoàn, nàng đã trở thành người có vai trò đặc biệt quan trọng khi chuyển giao hai đời vua.
Đặc biệt hơn nữa, nàng chấp nhận trở thành hoàng hậu của đời vua tiếp theo - tướng Lê Hoàn để quốc gia được thái bình, triều đại được thịnh trị. Và thực tế, thời vua Lê đã tồn tại tới 29 năm và trở thành triều đại tồn tại lâu nhất ở cố đô Hoa Lư.
Dương Vân Nga cũng là mỹ tên được đặt sau khi hoàng hậu lên ngôi. Trong một số sách sử ghi chép, hoàng hậu thường được gọi là Dương Thị như cách gọi cũ về người phụ nữ của các triều đại phong kiến cổ xưa.
Kinh đô Hoa Lư tồn tại 42 năm (968 - 1010), gắn với sự nghiệp của ba triều đại liên tiếp là nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý với các dấu ấn lịch sử.
Với tư thế tựa sơn ngắm thủy, non nước hữu tình, bốn bề được bao bọc bởi những rặng núi trùng điệp, Hoa Lư trở thành nơi thành trì vững chắc, bảo vệ kinh thành trước mọi nạn ngoại xâm.
Tuy nhiên, tới năm 1010, vua Lý sau khi lên ngôi và ở Hoa Lư khoảng hơn 1 năm đã nhận thấy kinh đô nằm ở giữa núi trong thời bình sẽ không phát huy được nhiều giá trị giao thương, phát triển kinh tế - xã hội.
Vua Lý đã quyết định ban Chiếu dời đô, đến thành Đại La (nay là Hà Nội), và mang theo tất cả những gì tinh túy nhất: Từ những công trình kiến trúc vàng son, những cái tên địa danh tuyệt đẹp như: Cửa Bắc, Cửa Nam, Tràng Tiền, Tràng An... Kể từ đó, Tràng An được hiểu là Hà Nội.
Thực tế câu nói "dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An" chính là cái tên được mang theo từ mảnh đất Ninh Bình xưa cũ. Điều này khiến du khách "ồ, à" và càng trở nên yêu mến vùng đất thiêng nhiều nét văn hóa đặc sắc này.
Được biết, ngày nay, Quần thể di tích Cố đô Hoa Lư đã được phục dựng và bảo tồn kỹ lưỡng trên tổng diện tích tự nhiên là 13,87 km².
Theo quan sát của chúng tôi, quần thể khu di tích và kinh thành rộng khoảng 3.000 ha chia làm 2 vùng nằm cạnh nhau. Bao quanh khu vực kinh thành là các vòng rào bảo vệ với hệ thống các cửa Đông - Tây - Nam - Bắc.
Hoa Lư hay còn có tên gọi khác là "Hoa Lau" đọc chệch đi để nói về một loài hoa rất đặc biệt mà vua Đinh và các bạn bè cùng trang lứa đã chơi trò tập trận cờ lau khi xưa, hoa lau cũng là loài hoa có rất nhiều tại vùng đất núi yên bình này. Cái tên Hoa Lư cũng được gọi thành từ đó.
Cố đô Hoa Lư được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 1994. Trong đó, hai tấm long sàng và nhiều cổ vật đã rất tự hào là bảo vật quốc gia. Chúng ta hãy cùng ngắm nhìn một số hình ảnh về các vật phẩm còn lưu lại từ thế kỷ 17 và đang được bảo quản tại đây.
Các bảo vật cổ được phục dựng và lưu giữ từ thế kỷ 17. Ảnh: TT.