Vẻ đẹp bộ đội Trung đoàn 98 qua 'Ký ức Làng Nủ'

'Kỷ niệm chẳng là gì/ Khi lòng ta vội xóa/ Nhưng sẽ là tất cả/ Khi lòng người còn ghi'. Bất chợt tôi nhớ đến câu nói giản dị mà ý nghĩa ấy khi đọc được cuốn nội san 'Ký ức Làng Nủ' do Thượng tá Bùi Cường Sơn, Chính ủy Trung đoàn 98 (Sư đoàn 316, Quân khu 2) chia sẻ. 54 trang được trình bày khá bắt mắt trong cuốn nội san 'Ký ức Làng Nủ' với những dòng tâm sự, hình ảnh xúc động của cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã tái hiện chân thực quá trình thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn ở Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) trong những ngày tháng 9 vừa qua.

Đoàn kết, đồng lòng giúp dân bằng cả trái tim

Lần theo từng trang giấy, tôi được nhìn lại những gương mặt cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 98 qua mỗi bức hình. Những ngày ở Làng Nủ, tôi chứng kiến họ trải qua bao vất vả, gian nan khi tìm kiếm nạn nhân mất tích. Cho đến ngày về đơn vị, những ký ức được bộ đội tái hiện lại qua lời tâm sự chân thành, xúc động sâu sắc.

Trong ký ức của Trung tá Nguyễn Ngọc Ba, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 98, đêm 10-9-2024 là một đêm thức trắng. Trước đó, ban ngày, anh chỉ huy đơn vị làm nhiệm vụ giúp dân chống lũ ở Hạ Hòa (Phú Thọ) trong mưa dầm gió lạnh. Bữa tối ăn vội, chưa kịp ngả lưng thì 23 giờ khuya, chuông điện thoại đổ liên hồi. Anh nhấc máy, tiếng của đồng chí Sư đoàn trưởng ra chỉ thị: Đơn vị nhanh chóng làm công tác chuẩn bị, cơ động gấp thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn ở Làng Nủ. Lệnh khẩn được truyền trong đêm từ thủ trưởng Trung đoàn tới từng chiến sĩ. Cả đêm, đơn vị chuẩn bị dụng cụ, phương tiện, quân trang, các vật dụng cần thiết. Không khí khi đó sục sôi như bước vào trận chiến đấu mới. Lúc 5 giờ, trời vẫn tối mịt mùng, mưa vẫn không ngừng rơi. Những bước chân vội vã, vai đeo ba lô, mọi người choàng áo mưa lên đường. 300 cán bộ, chiến sĩ hành quân làm nhiệm vụ đặc biệt dưới trời mưa tầm tã. Những đoàn xe nối đuôi nhau ôm cua sườn núi liên tiếp có những đoạn sạt lở.

 Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 98 nghiêm trang chào tạm biệt người dân và mảnh đất Làng Nủ. Ảnh: KIÊN CHƯƠNG

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 98 nghiêm trang chào tạm biệt người dân và mảnh đất Làng Nủ. Ảnh: KIÊN CHƯƠNG

Khi tới Làng Nủ, trước mắt bộ đội là một bình địa lổng chổng cọc gỗ, thân tre, mái tôn, xe máy, thùng nước, xác động vật sộc lên mùi tanh nồng. Nước vẫn cuồn cuộn chảy thành dòng từ trên cao xuống đục ngàu. Không ai nghĩ rằng ngôi làng nhỏ dưới thung lũng xanh lại xảy ra thảm kịch chỉ trong giây lát. Dòng nước lẫn bùn đất, đá vùi lấp nhiều nạn nhân. Người thân thoát nạn trở về, tiếng gào thét ai oán. Chứng kiến cảnh tượng tang thương, Binh nhất Triệu Văn Tiến, chiến sĩ Đại đội 5, Tiểu đoàn 8 đã viết: “Tôi như chết lặng trước đống bùn nhão, cây cối đổ gãy, dưới lớp bùn sâu là tài sản và những người dân bị nạn vẫn còn nằm lại. Tôi và đồng đội đã động viên nhau càng khó khăn càng phải nỗ lực để tìm kiếm những nạn nhân xấu số”.

Gian khó không sờn lòng, hiểm nguy không chùn bước

Những người lính mặc áo phao, đeo găng tay, chân đi ủng, mang trên mình dây kéo, bình tông, áo mưa, cầm gậy xông xáo tiến về phía sạt lở như bước vào trận chiến đấu vô cùng gian nan. Dưới sình lầy, cây cọc, rác thải ngập ngụa, chứa đầy vật sắc nhọn. Binh nhất Vàng Gở Xa, chiến sĩ Đại đội 5, Tiểu đoàn 8 viết: “Tôi sẽ không bao giờ quên được hình ảnh người đồng đội dũng cảm Thào Mí Lình trong quá trình tìm kiếm bị đinh sắt xuyên vào chân, máu chảy rất nhiều nhưng vẫn cố gắng chịu đựng đau đớn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Cho đến khi vết thương quá nặng buộc phải về điều trị tại Bệnh viện Quân y 109, đồng chí đã bật khóc vì không được tìm kiếm cùng đồng đội”.

Mảnh đất Làng Nủ đã thấm mồ hôi, nước mắt và cả máu của người chiến sĩ. Vất vả, hiểm nguy luôn thường trực khi điều kiện địa hình, thời tiết không ủng hộ. Ban ngày trời nắng như rang nhưng đêm xuống lại sầm sập đổ mưa. “Chúng tôi được thủ trưởng giao nhiệm vụ phải tuyệt đối an toàn về mọi mặt, đi đủ về đủ, khi có tín hiệu lập tức cơ động lên cao. Tôi nhớ lần đang tìm kiếm ở dưới thung lũng, bỗng từ phía chân núi sạt lở có tiếng động lớn và nước từ con suối đột nhiên tràn về. Tiếng kẻng vang lên cùng lời hô hoán “nước lũ... nước lũ...”. Chúng tôi lao nhanh lên bờ và may mắn thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”, Binh nhất Thào A Phử, chiến sĩ Đại đội 8, Tiểu đoàn 8 đã viết như vậy.

Bao nhiêu gian khó và cả những hiểm nguy luôn rình rập. Thế nhưng những người lính không chùn bước. Thêm một nguồn động viên rất lớn, đó chính là ngày 12-9-2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đích thân về tận Làng Nủ. Binh nhất Triệu La Cáo, chiến sĩ Đại đội 6, Tiểu đoàn 8, xúc động bày tỏ: “Trước đây, tôi không bao giờ nghĩ có ngày được gặp Thủ tướng Chính phủ. Khi thấy chúng tôi, Thủ tướng bước chân nhanh hơn, chống gậy lội xuống bùn sâu vào tận vị trí tìm kiếm để chỉ đạo, truyền thụ kinh nghiệm và động viên cán bộ, chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ”.

Ấm mãi tình quân dân

Sau những ngày miệt mài tìm kiếm cũng đến ngày phải chia xa Làng Nủ. Đêm hôm trước chia tay, trong căn nhà sàn nhỏ, Hạ sĩ Đỗ Tiến Nam, chiến sĩ Đại đội 6, Tiểu đoàn 8 sắp đặt lại đồ dùng. Mảnh đất này anh đã đổ mồ hôi và cả những giọt máu thấm bùn. Trong quá trình tìm kiếm nạn nhân, anh đã bị vật sắc nhọn đâm vào chân và phải đi viện điều trị. Khi vết thương tạm ổn, anh đã xung phong trở lại cùng đồng đội tiếp tục công việc tìm kiếm nạn nhân. Vết thương nay đã liền sẹo nhưng nỗi nhớ mảnh đất này thì cứ vấn vương trong tâm hồn người chiến sĩ trẻ. Đêm khuya, anh vẫn còn thao thức khi sắp phải chia xa mảnh đất đau thương nhưng thắm đượm nghĩa tình.

 Bà con Làng Nủ lưu luyến chia tay cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 98. Ảnh: KIÊN CHƯƠNG

Bà con Làng Nủ lưu luyến chia tay cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 98. Ảnh: KIÊN CHƯƠNG

Những dòng viết về buổi chiều chia tay bà con thực sự xúc động. Ánh hoàng hôn nhạt nhòa hắt từ trên đỉnh núi xuống dưới bãi bùn lầy. Xa xa còn xót lại những vạt lúa, nương sắn, bãi ngô trổ cờ. Dọc con đường từ trung tâm Nhà văn hóa thôn Làng Nủ, đồng bào đứng chật hai bên đường. Con đường dẫn vào thung lũng Làng Nủ trước đó mươi hôm ngập trong bùn lầy nhão nhoét đến khi bộ đội hành quân trở về đơn vị thực hiện nhiệm vụ đã khô lại chằng chịt vết chân. Những người đàn ông nắm chặt tay bộ đội, các bà, các mẹ ôm vai chiến sĩ rồi khóc. Nước mắt của sự mến thương, cảm phục và biết ơn. Cứ thế tay nắm tay, nước mắt lại rơi. Tất cả đều xúc động rưng rưng không nói nên lời. Binh nhất Vàng Seo Chư, chiến sĩ Trung đội Thông tin, Tiểu đoàn 8 đã viết: “Những chiếc bánh chưng, những gói cơm nắm, chai nước lọc là tình cảm mà người dân nơi đây gửi gắm cho chúng tôi. Trước khi về đơn vị, tôi đã rơi nước mắt khi bà con dành tình cảm cho mình. Đó là những ký ức khó quên trong đời quân ngũ”.

Lan tỏa giá trị cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ

Biết bao kỷ niệm của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 98 được gói ghém trong cuốn nội san “Ký ức Làng Nủ”. Những ký ức không chỉ tái hiện câu chuyện về một ngôi làng mà còn là hành trình của lòng dũng cảm, tinh thần đoàn kết và sự hy sinh. Những ngày tháng ấy, khi dòng nước lũ cuốn trôi mọi thứ, những người lính đã cùng nhau vượt qua hiểm nguy, quyết tâm tìm kiếm và cứu giúp người dân trong làng. Mỗi bước chân trên con đường lầy lội đều mang theo nỗi lo âu nhưng cũng tràn đầy sự nhiệt huyết, lòng nhân ái, với tinh thần sẵn sàng xả thân vì nhân dân phục vụ. Cuốn nội san được cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 98 nâng niu, trân trọng, trở thành tài liệu giáo dục truyền thống, bồi đắp thêm những giá trị cao đẹp cho bộ đội.

Mong muốn gửi gắm những thông điệp ý nghĩa, Thượng tá Bùi Cường Sơn đã viết: “Ký ức Làng Nủ" không chỉ ghi lại kỷ niệm đau thương mà còn có những khoảnh khắc đẹp đẽ của tình người trong bão tố. Đó là hình ảnh những đồng đội sát cánh bên nhau, những ánh mắt tràn đầy quyết tâm và sự sẻ chia giữa những con người trong hoàn cảnh khó khăn. Qua từng trang viết, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 98 muốn gửi gắm thông điệp về sức mạnh vượt lên trên mọi thử thách và niềm tin vào cuộc sống tốt đẹp. Hy vọng rằng “Ký ức Làng Nủ” sẽ chạm đến trái tim bạn đọc để mỗi chúng ta đều nhớ rằng, dù thiên nhiên có tàn khốc đến đâu thì tình người vẫn luôn tỏa sáng như ngọn đèn dẫn đường trong bóng đêm!”.

VŨ DUY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/nuoi-duong-van-hoa-bo-doi-cu-ho/ve-dep-bo-doi-trung-doan-98-qua-ky-uc-lang-nu-797646