Vẻ đẹp Điện Biên trong thơ đương đại
Nhắc đến Điện Biên, người ta nghĩ ngay đến một vùng đất lịch sử gắn liền với Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 'lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu'.
Những thi phẩm “Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ” của Bác Hồ, “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của Tố Hữu, “Giá từng thước đất” của Chính Hữu, “Tiếng cuốc ở Điện Biên” của Chế Lan Viên... đã tái hiện sinh động và chân thực những trang sử chói ngời của đất nước nói chung và Điện Biên nói riêng. Tiếp nối mạch cảm hứng ấy, các nhà thơ đương đại như: Hữu Thỉnh, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Hữu Quý, Lữ Mai... đã nỗ lực khám phá một Điện Biên hôm nay với sự giao thoa của quá khứ và hiện đại, sự hòa hợp giữa thiên nhiên và con người.
Điện Biên của quá khứ
Hơn 70 năm sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, những dấu tích của chiến tranh vẫn còn đó, nhắc nhớ mỗi người chúng ta về những năm tháng không thể nào quên. Dòng thời gian có thể xói lở nhiều thứ nhưng không thể mài mòn những giá trị bền vững thuộc về chân lý và lịch sử. Để các thi sĩ tài hoa vẫn luôn đau đáu viết lại lịch sử Điện Biên bằng thơ.

Cầu Thanh Bình, TP. Điện Biên Phủ (Ảnh: Lê Anh Tuấn).
Nổi bật cho trào lưu này là trường ca “Giao hưởng Điện Biên” của Hữu Thỉnh, tác phẩm vừa được vinh danh giải A - Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học - nghệ thuật, báo chí về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng giai đoạn 2020 - 2025.
Trong trường ca này, nhà thơ Hữu Thỉnh đã khắc họa hình tượng Bác Hồ giản dị và gần gũi đến thổn thức nao lòng: “Bác lẫn vào mây, mây lẫn núi/ dốc dài dép mỏng bước du xuân/ Việt Bắc tiễn Người chim náo nức/ biên giới ngày qua lại xích gần”. Điểm nhấn cho đoạn thơ hẳn là đôi dép mỏng đã đồng hành cùng Bác trên biết bao cung đường dốc dài, đèo cao. Một phác gợi thoáng qua mà mở ra nhiều hình dung về sự cống hiến lặng thầm của Bác. Bên cạnh Bác là hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp hiên ngang, tài trí: “Na - và muốn Điện Biên làm cái bẫy/ nghiền nát các đại đoàn non trẻ Việt Minh/ Tướng Giáp xoay cái bẫy kia ngược lại/ nghiền nát các binh đoàn tinh nhuệ viễn chinh”.
Điện Biên là biểu tượng thiêng liêng của độc lập và tự do. Như tác giả Hữu Thỉnh mạnh dạn định nghĩa: “Điện Biên Phủ từng giờ từng phút/ đã gửi đi thông điệp khắp hành tinh/ những lời hịch của Tự do, Độc lập/ những khát khao cháy bỏng hòa bình” (Giao hưởng Điện Biên). Nền hòa bình ấy đã phải đánh đổi bằng biết bao hy sinh xương máu: “Áo trấn thủ bập bùng đêm đuốc lửa/ nhịp hò dô vượt dốc pháo vào ra/ mưa xối buốt những bàn tay máu tứa/ đất đỡ người ngã xuống hôm qua” (“Điện Biên gọi tôi lên”, Nguyễn Hữu Quý). Máu và mưa đã lẫn vào thành một nhưng không thể làm sờn lòng người lính ở Điện Biên.
Cũng viết về sự khốc liệt của chiến tranh, khi đứng “Bên tượng đài anh hùng Phan Đình Giót”, nhà thơ Bùi Thanh Quang nghẹn ngào: “Khi lồng ngực anh trùm lên hỏa điểm/ Súng giặc nghẽn. Và đồng đội xông lên/ Cờ đỏ bay phấp phới Him Lam/ Tổ quốc bừng lên khúc khải hoàn...”. Mỗi câu thơ như một thước phim tài liệu, ngỡ như mùi thuốc súng và máu tươi vẫn còn vẹn nguyên trong từng dòng hồi tưởng. Điện Biên đã kiên cường chống chọi với mưa bom, bão đạn quân thù. Quân và dân ta sẵn sàng “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Và Tổ quốc mãi ghi công các anh: “Tưởng đâu đây đoàn quân như trẩy hội/ Lúc băng rừng vượt thác xoáy vực sâu/ Những Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện/ Đã hy sinh cho đất mãi xanh màu” (“Nhớ về cha” - Trần Cường). Họ đã hiến dâng cuộc đời để xứ sở thêm một lần nữa được khai sinh.
Góp phần làm nên chiến thắng được đánh giá “biểu tượng của phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới” ấy là sự chung tay của đồng bào các dân tộc anh em Điện Biên. Với những câu thơ giàu nhạc điệu trong bản “Giao hưởng Điện Biên”, Hữu Thỉnh dẫn dắt độc giả ngược miền hoài niệm trở về thăm xứ sở hoa ban chan chứa nghĩa tình: “Ta lên với nghĩa tình Tây Bắc/ Tre nứa thân thương những bản nghèo/ Tuýp xôi dúi vội hơi còn ấm/ Nhờ ai tìm hộ chiếc khăn piêu”. Một nắm xôi mà ấm lòng cả chặng đường hành quân băng đèo, vượt suối. Một nét khăn piêu đủ nói lên khát vọng hòa bình. Điện Biên lúc bấy giờ gần như cái gì cũng thiếu nhưng tình người luôn đầy ắp yêu thương.
Điện Biên của hôm nay
Có lẽ, Điện Biên là một trong những vùng đất đặc biệt nhất của nước ta, nơi mà ai từng một lần ghé thăm đều cảm giác được sống trong bầu không khí giao thoa của lịch sử và hiện tại. Bởi thế mà tác giả Nguyễn Thế Hùng phải thốt lên: “Hẹn hò mãi bây giờ mới gặp/ Núi vẫn cao như vạn ngàn năm trước/ Gió ngược đèo Pha Đin/ Mây theo mùa chiến dịch/ Dắt ta về Điện Biên” (Với Điện Biên).
Điện Biên là ký ức chung của tất cả chúng ta. Chiến tranh đã lùi xa, hơn 70 năm vừa đủ dài cho một đời người, nhưng những vết thương chiến tranh chưa lành sẹo hẳn. Đứng tham quan “Trong bảo tàng Điện Biên”, nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú không giấu nổi sự bùi ngùi: “Những hiện vật đã nằm trong tủ kính/ Lửa vẫn cháy trong những thớ gỗ rừng/ Lá cờ đỏ còn hằn vết đạn/ Một phần không lành lặn/ Cho Tổ quốc vẹn nguyên”.
Nhớ về lịch sử là cách chúng ta tri ân những người đã hy sinh “cho Tổ quốc vẹn nguyên”, cho cánh chim hòa bình tung bay trên bầu trời xanh biếc và để tuyệt đối trân trọng giá trị của Độc lập - Tự do - Hạnh phúc. Lên Điện Biên là hành trình về nguồn. Kể cả niềm vui trong khoảnh khắc hôm nay cũng đã bâng khuâng một nỗi niềm hoài niệm: “không say cũng tròn đêm chộn rộn/ đất nóng chung chiêng/ ký ức hùng thiêng/ trời nào xanh hơn mắt người nằm lại?” (“Đợi” - Lữ Mai). Ở một góc cảm nhận tương tự, mộc mạc, chân thành như tiếng lòng sâu kín, Lôi Vũ viết về “những người lính không tên” vô cùng xúc động: “Thẳng tắp những hàng bia liệt sĩ/ Ghi danh những người lính không tên/ Họ nằm đó tuổi hai mươi mãi mãi/ Giữa Điện Biên nắng gió ngập miền” (Nghĩa trang Độc Lập).
Điện Biên hôm nay tiếp tục là những cuộc tìm kiếm, tìm kiếm ký ức, tìm kiếm đồng đội và đôi khi tìm kiếm cả chính mình: “Trên đỉnh chiều đồi A1/ ta nắm tay nhau ngồi tìm mình/ trong hình hài lỏng lẻo của mây” (“Trường cũ”, Nguyễn Bình Phương). Những câu thơ u hoài màu tâm trạng. Ai cũng muốn trở về tuổi trẻ, nghe nhịp chân hòa điệu thanh xuân, nghe lý tưởng quyện trong từng hơi thở, nghe trái tim ngân nhịp đập yêu đời. Cảnh cũ còn đây mà “ta” đã ít nhiều đổi khác. Ký ức bốc hơi thành những đám mây hay ký ức đã hóa thân vào ngọn cỏ, dáng cây: “Lặng thinh bảy mươi năm/ Tiếng hô nằm trong đất/ Như mầm cây trong hạt/ Hẹn những mùa lá hoa” (“Tiếng hô năm ấy”, Anh Ngọc).
Điện Biên hôm nay vẫn còn giữ được những nét đẹp nguyên sơ say đắm lòng người với núi non hùng vĩ, nên thơ, với những bản sắc văn hóa đậm đà, riêng biệt: “Như bức họa ai trải lên chất ngất/ Ruộng bậc thang, người cấy ở lưng trời/ Tiếng khèn trúc làm rối bàn chân đất/ Thoáng lòng nhau tan về với muôn nơi” (“Một thoáng Lao Xả Phình”, Nguyễn Đức Lợi). Và ấn tượng hơn cả là những người dân chất phác, thân tình: “Chúng tôi là con trai Điện Biên/ Mười chín anh em ruột thịt/ Sinh ra từ Tẩu Pung, quả bầu cổ tích/ Khơ Mú, Thái, Kinh, Cống, Lự, Hà Nhì...” (“Con trai Điện Biên”, Đỗ Trọng Luân).

Bìa trường ca “Giao hưởng Điện Biên” của nhà thơ Hữu Thỉnh.
Điện Biên hôm nay thực sự đã thay da đổi thịt: “Chim én lượn vòng thắc mắc/ Cò phân vân đậu trắng bờ/ Trời cao trong xanh văn vắt/ Hương nếp như mời, như cho” (“Trăng Pa Thơm”, Du An). Mấy chục năm gắn bó với Điện Biên, hơn ai hết, nhà thơ Du An hiểu rõ từng bước chuyển động đầy khởi sắc ở miền đất này, đời sống của nhân dân đang dần được nâng cao. Nên trong ánh nhìn của du khách đến thăm Điện Biên, miền đất ấy sao quá đỗi thanh bình và độc đáo: “Hỏi đồng, đồng xanh lúa/ Hỏi đồi, đồi mát cây/ Bao bản làng hóa phố/ Trời bình yên mây bay” (“Từ đồi A Một”, Vương Trọng).
Điện Biên - danh từ ấy vốn dĩ đã đủ gợi lên bao cảm hứng thi ca, đủ để cảm xúc bật ra thành ngôn ngữ. Chẳng ai có thể định giá được nỗi buồn, cũng không ai đong đếm được nỗi đau. Hãy ngắm nhìn màu lúa nơi cánh đồng Mường Thanh, dáng cây trên ngọn đồi A1, dòng chảy của con sông Nậm Rốm, hoa ban nở dọc mọi cung đường tháng Ba để làm thơ và tìm ra chân lý sống cho mình. Câu chuyện của quá khứ, câu chuyện của hôm nay và câu chuyện của mai sau vẫn bước song song trên tiến trình phát triển của Điện Biên yêu dấu. Phải chăng vì thế mà thơ viết về Điện Biên luôn mang tới cho tác giả và cả độc giả những xúc cảm lẫn trải nghiệm đặc biệt?
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/ve-dep-dien-bien-trong-tho-duong-dai-i767757/