Về Đôn Châu nghe kể về những nhà sư trong bài hát 'Vang tiếng đồn đến trận La Bang'

75 năm qua (1949 - 2024), ở Nam Bộ, mỗi lần nhắc đến trận đánh La Bang tỉnh Trà Vinh tháng 12/1948, người ta nhớ ngay đến trận thắng giòn dã của Tiểu đoàn 307 qua lời hát: 'Trận Tháp Mười, trận Mộc Hóa, vang tiếng đồn với Trận La Bang' - Tuy nhiên, ít ai biết đến những nhà sư Phật giáo Nam tông Khmer ở làng Đôn Châu lúc bấy giờ đã mưu trí, dũng cảm, phối hợp tận tình để Tiểu đoàn 307 Quân khu 8 khi ấy chưa tròn 01 tuổi quân, lập tiếp một kỳ công.

Chùa Sla Pang - Di tích lịch sử cấp tỉnh tại ấp La Bang, xã Đôn Châu - nơi khởi đầu chiến công “Vang tiếng đồn đến trận La Bang” tháng 12/1948.

Chùa Sla Pang - Di tích lịch sử cấp tỉnh tại ấp La Bang, xã Đôn Châu - nơi khởi đầu chiến công “Vang tiếng đồn đến trận La Bang” tháng 12/1948.

Từ khi thôn tín các tỉnh Nam kỳ (năm 1867), thực dân Pháp liên tiếp vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ của người dân bản xứ. Trong một tài liệu chữ Pháp của tác giả Paulin Vial: “Les premìeres annécs de la Cochinchine”, Tom II, 1874, p 227 (Những năm đầu Nam kỳ, Tom II, 1874, tr 227”) - có đoạn viết, tạm dịch: “Thượng tuần tháng 3 năm 1868, xảy ra vụ bạo động phía Nam tỉnh Trà Vinh và Bắc Trang, vùng duyên hải, một số người phiêu lưu từ Bình Thuận vào xúi giục nổi loạn, họ bị Rheinard, Giám định Trà Vinh, Polliard, Giám định Trà Cú đánh tan”. (Theo: Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân xã Đôn Châu 1930 - 1975; NXB Chính trị quốc gia - Hà nội 2015, trang 19).

Sau khi bị đánh đuổi ra khỏi quận Trà Cú (31/12/1946), năm 1947, thực dân Pháp đưa quân chiếm lại nhiều nơi trong quận Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Tại làng Đôn Châu, quân Pháp chiếm chùa Sla Pang, lấy chánh điện làm sở chỉ huy, hàng ngày xua quân đi đánh phá, bắn giết đồng bào, dung túng cho một nhóm người Khmer nhẹ dạ nghe lời giặc Pháp xúi giục đi cướp bóc tài sản của người Kinh chạy giặc, đồng thời cho phép người Kinh trong bộ máy chính quyền thân Pháp trừng trị nhóm người Khmer cướp bóc, rồi chúng kích động sự thù hằn rất gay gắt giữa hai dân tộc Kinh - Khmer, làm cho tổ chức Đảng mới được thành lập ở địa phương mất chỗ dựa, quân Pháp thì ồ ạt lấn tới.

Trước tình hình này, Tỉnh ủy Trà Vinh và Bộ Tư lệnh Khu 8 quyết định đánh tiêu diệt đồn La Bang trong chùa Sla Pang do quân Pháp chiếm đóng.

Chùa Sla Pang là chùa Phật giáo Nam tông Khmer thành lập năm 1856 vào năm 2399 phật lịch, trên khuôn viên rộng khoảng 01 héc-ta (khuôn viên chùa hiện nay rộng khoảng 03 héc-ta), tọa lạc tại ấp La Bang, có 80% dân số là người dân tộc Khmer, thuộc làng Đôn Châu, giáp ranh vời làng Ngũ Lạc (Đôn Châu và Ngũ Lạc hiện nay là 02 xã thuộc huyện Duyên Hải). Từ ngày thành lập (năm 1856) đến nay, chùa Sla Pang đã qua 09 vị sư cả trụ trì. Trụ trì đầu tiên chùa Sla Pang là Sư cả Thạch Mây.

Quanh chùa Sla Pang có hàng rào bằng lũy tre gai rất chắc chắn, khuôn viên chùa có nhiều cây to rợp bóng mát, nay giặc Pháp chiếm đóng, chúng đắp nhiều công sự chiến đấu, làm thêm rào tre kiên cố hơn. Bên trong đồn có 01 trung đội “thân binh” người Khmer với đầy đủ vũ khí đóng chốt. Vòng ngoài là 01 trung đội bảo an, có nhiệm vụ vừa bảo vệ đồn. Chung quanh đồn chúng đưa nhiều người Khmer bị chúng tuyên truyền, mua chuộc, lôi kéo, gây tâm lý sợ bị người Kinh trả thù, đến trú ngụ, ăn ở trà trộn với các chư tăng, “thân binh” và bọn lính Pháp.

Nếu trận đánh diệt đồn La Bang diễn ra, về phía ta sẽ bị vu cáo: Bộ đội Việt Minh đánh vào nhà chùa, nơi tu hành, làm thương vong nhà sư và phật tử người Khmer. Trong khi đó, bọn phản động nước ngoài sẵn chờ sơ hở của ta “nhảy” vào can thiệp chính trị.

Cổng chùa Bào Môn.

Cổng chùa Bào Môn.

Trước tình thế đó, Bí thư Quận ủy Trà Cú Đổ Hải Huợt được Tỉnh ủy Trà Vinh và Bộ Tư lệnh Khu 8 chỉ đạo, hướng dẫn Ban Cổ động và Tuyên truyền, Ủy ban Kháng chiến - Hành chánh, các đoàn thể cứu quốc quận và làng Đôn Châu, phối hợp với sư cả các chùa Bào Môn, chùa Tà Rom và chùa Bà Dam, vận động sư cả Thạch Cao, trụ trì chùa Sla Pang, cùng chư tăng và bà con phật tử, rước tượng phật và chư tăng ra khỏi chánh điện chùa Sla Pang, di dời chùa Sla Pang sang chỗ mới.

Chùa Sla Pang và đồng bào Phật tử Khmer ấp La Bang lúc bấy giờ nghèo lắm, do vậy, tài chính cho việc di dời tượng phật và chùa Sla Pang sang chỗ mới sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Thấy được khó khăn này của nhà chùa, Bí thư Quận ủy chỉ đạo đồng chí Nguyễn Văn Thôi, Bí thư Chi bộ làng Đôn Châu cùng Ban Cổ động và Tuyên truyền, Ủy ban Kháng chiến - Hành chánh, các đoàn thể cứu quốc quận và làng Đôn Châu, phối hợp với sư cả Kim Chao, trụ trì chùa Bà Dam, ấp Bà Giam, sư cả Kim Nhiêu Kem (Chân dung Hòa thượng Kim Nhiêu Kem, người có công bảo vệ nuôi chứa cán bộ cách mạng trong thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ khó khăn tại chùa Báo Môn, xã Đôn Chậu, huyện Trà Cú (nay huyện Duyên Hải), đang được trưng bày tại Bảo tàng Văn hóa Khmer tỉnh Trà Vinh), trụ trì chùa Bào Môn, ấp Bào Môn, sư cả Thạch Ngane, trụ trì chùa Tà Rom, ấp Tà Rom (cùng xã), đứng ra vận động tài chính hỗ trợ di dời tượng phật và chùa Sla Pang sang chỗ mới.

Cổng chùa Tà Rom.

Cổng chùa Tà Rom.

Trong hoạt động vận động quyên góp tài chính hỗ trợ chùa Sla Pang, xuất hiện một người dân có lòng yêu nước đặc biệt, không phải người dân tộc Khmer, ông là người Kinh gốc Hoa tên Trầm Quới Hỷ, Xã trưởng trong bộ máy Hương chức làng Đôn Châu (người dân trong vùng gọi là xã Hỷ), ông chính là người có điều kiện kinh tế khá giã, xuất tiền tu bổ chùa Bà Dam, tại ấp Bà Giam (phật tử ấp Bà Giam thường gọi ông là chủ chùa), tham gia làm nòng cốt cùng các vị sư vận động quyên góp tài chính hỗ trợ chùa Sla Pang.

Chỉ mấy ngày vận động, Ủy ban Kháng chiến - Hành chính làng Đôn Châu nhận được 01 vạn đồng tiền Đông Dương từ các chùa và bà con Phật tử trong xã ủng hộ. Ủy ban Kháng chiến - Hành chính làng Đôn Châu tin cậy giao số tiền vận động được cho ông Trầm Quới Hỷ và mời ông cùng sư cả Kim Chao Trụ trì chùa Bà Dam, mang tiền đến hỗ trợ cho sư cả chùa Sla Pang chi dùng vào việc dời chùa sang chỗ mới.

Một cử chỉ xúc động nữa: ông Thạch Niel và bà Thạch Thị Sốc, là hai gia đình công dân, phật tử ấp La Bang, hiến phần đất ở của gia đình để xây chùa Sala Pang mới.

Quận ủy chỉ đạo Ban Cổ động và Tuyên truyền đẩy mạnh công tác vận động chư tăng chùa Bà Nhì, chùa Tà Rom, chùa Trà Sất, chùa Bào Môn trong xã Đôn Châu làm cơ sở bí mật để lực luợng vũ trang và cán bộ chính trị của ta có chỗ nương náu, hội họp, cất giấu vũ khí. Nhà sư đã cùng với cán bộ tuyên truyền, giải thích cho đồng bào thấy rõ âm mưu của thực dân Pháp, dặn dò đồng bào Khmer phải đoàn kết với đồng bào người Kinh, đồng bào người Hoa, vạch rõ thủ đoạn độc ác của giặc Pháp là gây mâu thuẫn giữa người Kinh và người Khmer. Nghe theo lời tuyên truyền, vận động của cán bộ, đồng bào phật tử lần lượt rời bỏ đồn chùa Sla Pang cũ trở về nhà. Quân địch đóng đồn trong chùa Sla Pang bị cô lập.

Chùa Sla Pang được xây dựng sang chỗ mới (vị trí chùa ngày hôm nay), các vị chư tăng và bà con phật tử trong sóc có nơi tu hành, lễ phật. Tỉnh ủy Trà Vinh và Tư lệnh Khu 8 quyết định diệt đồn La Bang bằng quân sự.

Cổng chùa Bà Giam.

Cổng chùa Bà Giam.

Đúng theo phương án tác chiến, vào lúc 23 giờ đêm 15/12/1948, các chiến sĩ Đại đội 993, Tiểu đoàn 331, Quân khu 8 nã những phát súng đầu tiên vào đồn La Bang, chính thức mở màn cho trận đánh. Bị tấn công bất ngờ, quanh đồn không còn dân ngủ bao quanh, lính Pháp trong đồn nổ súng chống trả, bị quân ta bắn chết. Gia đình “thân binh” và lính dân vệ người Khmer được cán bộ đưa từ ngoài vào báo tin: “Việt Minh đông lắm, có súng lớn”, làm chúng hoảng sợ, gia đình "thân binh" và lính dân vệ nói: "Nếu cố thủ sẽ bị tiêu diệt" nên số còn lại bí mật chạy băng đường tắt qua các sóc về Cầu Ngang. Đại đội 993 quay ra chặn đường tước súng bọn bảo an đang lẩn trốn trên đồng xã Ngũ Lạc. Hai cánh quân phục kích đã viện của ta từ hướng Sóc Trăng qua và tỉnh lỵ Trà Vinh xuống, đã sẵn sàng chờ lệnh của Tư lệnh mặt trận.

Để tái chiếm đồn La Bang, ngày 12/12/1948, một cánh quân địch từ Sóc Trăng vượt Sông Hậu kéo qua đến Tham Đua, bị Tiểu đoàn 109 Quân khu 8 và "bộ đội Trà Cú" đánh tan.

Không thể cam chịu mất La Bang, ngày 18/12/1948, thực dân Pháp đưa 01 tiểu đoàn lính lê dương theo lộ 35 Trà Vinh - Cầu Ngang đi ứng cứu đồn La Bang. Khi tiểu đoàn lính lê dương Pháp tới Bến Trại (Ngũ Lạc), "lọt" vào ổ phục kích của Tiểu đoàn 307. Quân ta nổ súng tiến công, diệt gọn cả tiểu đoàn địch, thu nhiều súng, bắt sống hàng chục hàng binh, trong đó có 01 viên đại úy bác sĩ quân y. Viên thiếu tá Pháp chỉ huy cuộc hành quân chết tại trận.

Lúc trận đánh đang diễn ra, Ban Chỉ huy Mặt trận trao trả cho phía quân đội Pháp viên đại úy quân y vừa bị quân ta bắt làm tù binh. Sự kiện quan trọng này sau đó được đăng tải công khai trên báo chí tại nước Pháp, làm cho chính phủ Pháp mất mặt khi gây chiến tranh xâm lược Việt Nam, còn uy tín của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa được đề cao hơn.

Tiểu đoàn 307 được thành lập ngày 01/5/1948 tại vùng căn cứ Đồng Tháp Mười. Trong năm đầu tiên, tiểu đoàn đã đánh thắng hai trận ở Mộc Hóa (Long An) và La Bang (Trà Vinh), mỗi trận tiêu diệt một tiểu đoàn quân địch. Năm 1949, được Tư lệnh Khu 8 phát động sáng tác ca khúc ca ngợi Tiểu đoàn 307 mới thành lập nhưng đã đánh thắng nhiều trận lớn, bài hát nổi tiếng "Tiểu đoàn ba lẻ bảy" ra đời (Theo “Tiểu đoàn 307” - Wikipedia tiếng Việt).

Tuy vậy, cho đến bây giờ vẫn chưa có nhiều người biết việc 03 nhà sư trụ trì của 03 ngôi chùa ở làng Đôn Châu đã cùng quân, dân quận Trà Cú và bộ đội Khu 8 lập chiến công đầu, bảo vệ an toàn sinh mạng chư tăng và đồng bào phật tử Khmer khi quân ta đánh diệt đồn La Bang, góp phần viết nên bài ca "Tiểu đoàn 307" có những giai điệu, ca từ hào hùng như hồi kèn xung trận ấy.

Chùa Tà Rom, chùa Bào Môn, chùa Bà Giam ở xã Đôn Châu và xã Đôn Xuân, huyện Duyên Hải - Những ngôi chùa, có những nhà sư trụ trì cùng quân dân quận Trà Cú và bộ đội Khu 8 lập chiến công trong “Vang tiếng đồn đến trận La Bang”, tháng 12/1948, được UBND tỉnh Trà Vinh xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh).

Tháng 12/2024

Bài, ảnh: TRẦN VĂN ĐIỀN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/xa-hoi/ve-don-chau-nghe-ke-ve-nhung-nha-su-trong-bai-hat-vang-tieng-don-den-tran-la-bang-42196.html