Về Hà Nam thăm Địa Tạng Phi Lai Tự và chùa Bà Đanh!
Đồi xanh, Địa Tạng Phi Lai Tự /Lao xao, sông vắng, chùa Bà Đanh!
Đó là ấn tượng của tôi sau khi được “dạo gót” đến với nơi này. Những câu thơ vừa bật ra trong tôi khi ngồi viết bài tùy bút này, ngay trong đêm một ngày cuối Xuân - Khi tôi vừa cùng những người bạn quý trở về từ nơi ấy. Trước đó, tôi từng nghe nhà văn Di Li giới thiệu rất hay về vùng đất Hà Nam và những ngôi chùa cổ kính ở nơi đây. Quả là danh bất hư truyền khi bàn chân tôi đã đến đây!
Ngôi chùa cổ, ẩn mình trong không gian xanh, đang mở ra trước mắt. Chùa Địa Tạng Phi Lai Tự nhìn khá đẹp. Không gian yên bình, có nhiều cây xanh và đồi thông lộng gió. Ra phía sau chùa, kế hai bên phải và bên trái, bạn sẽ thấy có nhiều bậc đá được xếp gọn từng bậc để leo lên đồi cao. Từ trên cao trên đồi thông, bạn có thể đứng ngắm cảnh, thả mắt nhìn xuống không gian phía dưới và thoải mái thưởng ngoạn một vùng thiên nhiên trong lành, xanh mát.
Chùa Địa Tạng Phi Lai Tự, còn được dân làng thường gọi là chùa Đùng. Nằm yên bình trong không gian xanh, hiền hòa, chùa ngự ngay tại thôn Ninh Trung, xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm, Hà Nam. Ngôi chùa đẹp và yên tĩnh, ẩn mình thấp thoáng trong màu xanh của những đồi thông ngay phía sau. Ngôi chùa này đang dần trở thành một địa chỉ dành cho những người yêu thiên nhiên, ưa thích sự thanh vắng. Một điểm nhấn về du lịch tâm linh ở Hà Nam mà vẫn còn nhiều người chưa biết đến.
Với lối kiến trúc đẹp, ngôi chùa cổ khá ấn tượng với những mái ngói uốn cong vút. Vẻ đẹp được thiên nhiên xanh và sự yên tĩnh bao bọc. Con đường và lối đi trong sân được rải cát trắng xóa ngay phía trước chùa. Tôi vốn yêu thích thiên nhiên nên đã nhanh chóng lang thang dạo gót đi ra phía sau chùa ngắm cảnh. Con đường nhỏ xíu dẫn lên đồi cao. Tháng ba có những vạt hoa tím trắng nở xòe rất đẹp. Nhiều các bà, các cô dừng lại chụp ảnh cùng hoa. Đất đang nở hoa dâng người hay Người là hoa của đất”? Bắt gặp một cây ngõa rất sai quả, cành lá la đà vươn vào phía mái chùa. Những chùm quả to tròn, mà quả nào nhìn cũng hây hẩy, căng tròn. Chợt thấy vui vui, nhận ra “lòng ngõa như lòng sung”! (Tôi thích gọi quả vả là ngõa hơn, từ nhỏ tôi đã biết đến những quả ngõa chín vàng, thơm lừng nơi cánh rừng).
Đi tiếp sang huyện Kim Bảng, cách Phủ Lý chừng 7 km, đoàn chúng tôi đã đến với Chùa Bà Đanh. Chùa Bà Đanh là tên ngôi chùa thuộc loại cổ nhất của Hà Nam và vùng đồng bằng Bắc Bộ. Chùa có diện tích nghe đâu là 10ha. Gọi tên là chùa Bà Đanh có lẽ vì ngôi chùa nằm ở thôn Đanh, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Chùa được người xưa làm quay mặt ra hướng Nam, sát phía sông Đáy. Con sông bốn mùa trong xanh và đôi bờ nhiều cây lá. Tôi cứ thắc mắc rằng tại sao chùa Bà Đanh lại có tên gọi dân gian là Bảo Sơn Nữ?Phải chăng đã có một huyền tích về một nàng Sơn nữ nào đó từng sống ở trên núi Ngọc cạnh đó, nàng đã xuống núi và chọn chốn này để ẩn dật chăng?
Khuôn viên chùa Bà Đanh là một quần thể sân vườn khá đẹp với nhiều gian chùa to nhỏ khác nhau. Phía ngoài chùa, nếu bạn đi ngược ra phía cổng chùa, sẽ liền với con đường to và gần sát phía bờ sông Đáy, chính là cổng tam quan của ngôi chùa. Chắc hẳn ngôi chùa Bà Đanh xưa đã được người ta tôn cao lên khi tọa ở gần bờ sông đến thế. Dòng sông Đáy vốn hiền hòa, đôi bờ cây lá mướt xanh, sông gợi nhớ những câu hát của nhạc sĩ Đoàn Bổng: “Dòng sông Đáy quê em/ Sông trăng hay sông lụa/ Nong kén Vàng như lúa/ Tròn vạnh một góc trời…”
Chùa Bà Đanh - thuộc địa phận huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam được xây dựng từ thế kỷ VII với diện tích ban đầu rất nhỏ. Cho đến thời vua Lê Thánh Tông thì chùa mới được nâng cấp và cải tạo rộng rãi hơn và đẹp như hiện nay. Chùa thờ Tứ Pháp là tín ngưỡng Tứ Phủ - một tín ngưỡng dân gian rất phổ biến ở nước ta. Chùa Bà Đanh trọng thờ Đức Bà, thể hiện khát vọng của người dân với mong ước được mưa thuận gió hòa, mong cho mùa màng bội thu và đặc biệt mong sao tránh được nạn lũ lụt đe dọa hàng năm.
Chùa Bà Đanh hôm nay chúng tôi đến cũng không hề vắng, không “vắng như chùa bà Đanh” mà dân gian đã đúc kết và chúng ta từng nghe quen tai. Bởi hôm nay có thêm mấy đoàn khách đi du Xuân và đến đây từ Hà Nội. Sông Đáy phía trước mặt vẫn lặng lẽ trôi. Nước trong xanh, yên ả dưới cái nắng chói chang của một ngày cuối Xuân. Một ngày thật đặc biệt với nhiều con số ba: 23/3/2023! Không cần phải đi quá xa, bạn chỉ cần về với vùng đất Hà Nam thôi là đã có thể được chiêm ngưỡng hai ngôi chùa cổ này.
Tôi từng yêu Hà Nam qua những áng văn đặc sắc của Nam Cao. Những Chí Phèo và Thị Nở ngày nay có còn không nhỉ? Và nếu vẫn còn thì chắc chắn họ đã hoàn toàn đổi khác. Những ngôi chùa cổ xưa nơi đồng bằng Bắc Bộ như thế này đang ngày càng hiếm hoi. Sự thanh tịnh của những ngôi chùa cổ thật là quý giá trước thời gian! Nơi mà người ta có thể đến, thong dong ngắm cảnh hay tự tặng cho mình những phút giây tĩnh lòng và thật an nhiên trước phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp và một bầu trời trong lành. Những ngôi chùa cổ có kiến trúc đẹp đẽ và ta có được cảm giác thực sự yên tĩnh như thế này ngày càng hiếm.
Thật buồn, khi đời sống khá giả hơn thì những ngôi chùa to tướng, ngày càng tỏ rõ sự hoành tráng, phô trương của nó đang mọc lên khắp nơi. Người ta cứ đua ngẫu xây chùa to một cách ào ạt và càng ngày, chùa chiền và những câu chuyện đáng buồn càng trở nên vô cùng khiếp đảm. Chùa chiền bây giờ, liệu còn giữ được bao nhiêu nét đẹp cổ xưa và có còn là nơi giữ tâm thực sự được an tịnh? Sự thanh bình hiếm hoi ấy, nay vẫn may mắn còn vương lại, còn sót lại, đâu đó, chút ít. Nơi dành cho những người yêu quê hương, thích vãn cảnh thiên nhiên, họ vốn không thích và khó tin vào những ngôi chùa thật to lớn và hoành tráng. Khi tâm an tịnh, con người ta sẽ luôn muốn tránh xa sự phô trương, ồn ào. Câu nói nổi tiếng trong dân gian ta: “Vắng như chùa Bà Đanh” vẫn có sức mời gọi nhiều hơn là những thứ ồn ào, vàng son, giả tạo.
Trân trọng cảm ơn các anh chị Hội Điện ảnh Hà Nội đã tổ chức chuyến đi thật vui!
Hà Nội đêm 23/3/2023!