Về Hà Tĩnh trẩy hội mùa xuân
Xuân về, khắp các miền quê Hà Tĩnh có rất nhiều lễ hội, nhưng đặc sắc hơn cả là các lễ hội: chùa Hương Tích (Can Lộc), đền Củi (Nghi Xuân) và đền Bà Hải (TX Kỳ Anh). Khung cảnh lễ hội tưng bừng, nam thanh nữ tú xiêm áo rộn ràng, muôn người nô nức càng điểm tô cho vẻ đẹp bức tranh quê giữa những ngày xuân.
Bạn hãy về với lễ hội chùa Hương Tích, nơi có ngôi cổ tự linh thiêng tọa lạc trên núi cao vần vũ mây trời. Lễ hội bắt đầu từ mùng 6 tết, kéo dài đến chính lễ 18 tháng hai âm lịch hằng năm. Những con thuyền nhẹ lướt trên hồ Nhà Đường, những chiếc xe điện chở khách xuyên qua cánh rừng thơm mùi hoa dẻ trên tuyến đường nhựa phẳng lỳ, những ca bin cáp treo công nghệ hiện đại nhất châu Âu sẽ dìu bước chân bạn lên viếng cảnh chùa.
Bạn sẽ được tận hưởng vẻ đẹp của một vùng “Đệ nhất danh sơn” núi non hùng vĩ. Bước lên khỏi bến thuyền trong một khoảng rừng thông tuyệt đẹp, bạn gặp ngay cổng khu di tích danh thắng gắn bức đại tự với dòng chữ đúc bằng đồng “Hồng Sơn chính khí”. Trước cổng chùa, hai bên cột tam quan là đôi câu đối tuyệt hay do Ngạn Xuyên Ngô Đức Thọ phụng soạn: Hồng Lĩnh phi hương, cổ tự kiều tùng minh thiên lại/ Trần triều lưu tích, thiền am bạch thạch hưởng triều âm (dịch: Hồng Lĩnh hương bay, chùa cổ, tùng cao reo trong gió/ Trần triều lưu dấu, thiền am đá trắng, dội triều âm).
Hương Tích là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Việt Nam, cùng thời với chùa Yên Tử (Quảng Ninh) và có trước chùa Hương (Hà Tây) trên dưới 300 năm. Bảo điện Hồng Sơn, nơi chùa chính hiện diện hàng chục bức tượng Phật và đặc biệt là bức tượng đồng Cửu long linh thiêng, quý hiếm vào hàng bảo vật quốc gia. Am Diệu Thiện, nằm dưới chân động với 36 cửa ra vào, nay chỉ còn dấu tích hang cũ với ngôi miếu nhỏ được dựng từ xa xưa, còn lưu giữ lối kiến trúc gạch nung từ đời Trần, khó tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác.
Phật tích còn ghi rõ, nàng Diệu Thiện xinh đẹp, nết na là một trong 3 con gái của Sở Trang Vương. Bị vua cha ép gả cho một viên quan gian ác, nàng bèn rời bỏ chốn lầu son gác tía xuôi về phương Nam và được sư tử trắng cõng tìm đến am đá trên núi Hồng Lĩnh tu tập. Khi vua cha lâm trọng bệnh, theo lời thần chú, nàng đã trở về tự nguyện móc mắt, chặt tay mình làm thần dược cứu cha. Cảm tấm chân tình cao cả của nàng, Phật tổ đã cho nàng mọc lại tay, cho mắt nàng sáng lại và hóa thành Quán thế âm bồ tát.
Quần thể danh thắng chùa Hương Tích còn bao gồm các hạng mục vừa được Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng - một người con quê hương công đức trùng tu tôn tạo.
Đứng trên nền Trang Vương, du khách có thể bao quát một vùng núi non hùng vĩ, những làng quê yên bình, những cánh đồng thẳng cánh cò bay. Và phía trước là trùng dương ầm ào sóng vỗ, khi mặt trời ló rạng dát ánh hồng lên mặt biển cũng là lúc từng đoàn thuyền đánh cá rẽ sóng ra khơi...
Sau Hương Tích tự, mời bạn về với đền Củi (xã Xuân Hồng, Nghi Xuân). Ngôi miếu linh thiêng xưa nhỏ bé, nép mình bên vách núi nay đã được người dân chung tay xây dựng thành một ngôi đền tam tòa uy nghi, tôn nghiêm, đẹp đẽ. Phía trước cửa đền, dòng Lam mênh mông sóng nước, ngàn đời nay mang phù sa thao thiết chảy về xuôi. Ngước nhìn lên là muôn đỉnh non Hồng, ngàn thông xanh reo trong gió núi. Lễ hội đền Củi diễn ra ngay từ đầu xuân và gần như kéo dài đến lễ giỗ quan Hoàng Mười (mùng 10 tháng 10 âm lịch hằng năm).
Đền Củi thờ đức mẫu nghi Liễu Hạnh, một vị thánh trong “tứ bất tử” theo tín ngưỡng dân gian. Thờ mẫu là tín ngưỡng bản địa của người Việt (di sản phi vật thể đại diện của nhân loại), lấy việc tôn thờ người mẹ làm biểu tượng cho sự sinh sôi nảy nở, bao dung, chở che, nuôi dưỡng con người. Theo tục thờ Thánh mẫu tam phủ, ở đền Củi chỉ thờ 2 hàng là các bậc thánh mẫu gồm: mẫu Liễu, mẫu Ngàn, mẫu Thoải, mẫu Địa và hàng các quan hoàng.
Theo lưu truyền, công chúa Liễu Hạnh vốn là con gái thứ hai của Ngọc hoàng thượng đế, do trong tiệc bàn đào lỡ tay đánh rơi chén ngọc nên bị giáng xuống trần. Với 3 lần “tam sinh, tam hóa” hộ quốc phù đời, bà được nhiều triều đại vua ban sắc phong với các mỹ tự đẹp đẽ nhất vì công lao, phẩm hạnh khi nhập thế giúp dân, phù nước ở cõi trần gian.
Trong ngôi đền thiêng này còn phối thờ quan Hoàng Mười, theo truyền thuyết là một trong các vị thượng quan nơi thiên đình giáng thế theo mẫu Liễu Hạnh. Ông là tấm gương về sự tận tụy, trung thành, phẩm tiết và có nhiều công trạng hộ quốc, an dân. Lại có truyền thuyết, khi giáng trần, quan Hoàng Mười đã hóa thân vào các vị thánh nhân trong lịch sử dân tộc như Uy Minh vương Lý Nhật Quang, Cương Quốc công Nguyễn Xí hay danh tướng Lê Khôi, đều là những yếu nhân có công trạng to lớn với nước, với dân, được Nhân dân ta lập đền thờ ở nhiều nơi.
Theo như truyền thuyết kể trên và tài liệu nghiên cứu văn hóa công bố gần đây thì công chúa Liễu Hạnh hay quan Hoàng Mười đều là những nhân vật vừa huyền thoại, hư cấu lại vừa có thật, nghĩa là vừa thiên thần lại vừa nhân thần; linh thiêng và cao đẹp, gần gũi và thánh thiện trong tâm thức bao đời nay của người Việt.
Cùng với chùa Hương Tích, đền Củi còn có lễ hội đền Bà Hải ở TX Kỳ Anh, thường bắt đầu từ sau tết Nguyên đán và kéo dài cho hết mùa xuân. Đền thờ bà Nguyễn Thị Bích Châu, còn gọi là đền Hải Khẩu hay đền Chế Thắng phu nhân, thờ cung phi của vua Trần Duệ Tông, một kiệt nữ tài hoa, xinh đẹp. Lúc nhà Trần suy yếu, triều chính rối ren, họa xâm lăng của giặc Chiêm Thành gần kề, bà đã soạn bản “Kê minh thập sách”, khuyên vua 10 điều trị nước.
Trong đó, lấy phép bền gốc, khoan thư sức dân, dẹp trừ quan tham, ổn định triều chính làm đầu. Bà còn vượt lên phận nữ nhi, khoác chiến bào cùng nhà vua xung trận, vì nghĩa lớn quên mình. Và trong giông bão của chiến tranh, bà Bích Châu đã hóa thân vào sóng nước nơi cửa biển Kỳ Ninh. Nhân dân thương cảm, quý mến lập đền thờ liệt nữ bên Hải Khẩu và suy tôn bà là vị Phúc thần thánh mẫu, về sau được vua Lê Thánh Tông ban mỹ hiệu Chế Thắng phu nhân.
Đền Chế Thắng phu nhân ngày nay là di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia. Đây là một quần thể kiến trúc uy nghiêm, đẹp đẽ, ngày hội lễ khách đến chen chân. Du khách xa gần thành kính tưởng nhớ công ơn của bà và dâng nén tâm hương nguyện cầu cho quốc thái dân an, trời yên biển lặng, xã tắc vững bền, nhà nhà hạnh phúc.
Ngoài các lễ hội trên, ngày đầu xuân, du khách còn có thể đến với nhiều địa chỉ tâm linh, nhiều nét văn hóa riêng của đất và người Hà Tĩnh. Đó là lễ hội Đô Đài Ngự sử Bùi Cầm Hổ và lễ hội chùa Đại Hùng (ở phường Đậu Liêu, TX Hồng Lĩnh); lễ hội Hải Thượng Lãn Ông tưởng nhớ bậc Đại danh y Lê Hữu Trác (ở Hương Sơn); lễ hội đền Trầm Lâm (Hương Khê) tưởng nhớ vua Hàm Nghi với lễ rước những linh vật vua ban. Và còn hàng trăm lễ hội đầu xuân của các làng quê từ Bến Thủy đến Đèo Ngang, rực rỡ trong sắc cờ Tổ quốc như ngàn hoa đang nở, ánh xuân rạng ngời trên mỗi gương mặt người, sáng đẹp bức tranh quê.
Hãy cùng nhau về Hà Tĩnh quê mình, vui trẩy hội mùa xuân!
Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/nui-hong-song-la/ve-ha-tinh-tray-hoi-mua-xuan/243673.htm