Về lễ hội truyền thống đình làng Quyển Sơn
Đình Quyển Sơn thuộc thôn Quyển Sơn, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng là một trong những di tích truyền thống tiêu biểu của tỉnh Hà Nam. Đình Quyển Sơn thờ hai bà Hoàng Thái hậu và Hoàng công chúa đời hậu An Dương Vương, âm phù Lý Thường Kiệt khi đi chinh phạt phương Nam. Hàng năm, tưởng nhớ ân đức của các vị tiền nhân, nhân dân trong thôn lại nô nức tổ chức lễ hội truyền thống thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham dự.
Đình Quyển Sơn thuộc thôn Quyển Sơn, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng là một trong những di tích truyền thống tiêu biểu của tỉnh Hà Nam. Đình Quyển Sơn thờ hai bà Hoàng Thái hậu và Hoàng công chúa đời hậu An Dương Vương, âm phù Lý Thường Kiệt khi đi chinh phạt phương Nam. Hàng năm, tưởng nhớ ân đức của các vị tiền nhân, nhân dân trong thôn lại nô nức tổ chức lễ hội truyền thống thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham dự.
Vùng quê giàu truyền thống cách mạng Thi Sơn từ lâu gắn liền với tên tuổi của người anh hùng áo vải Lý Thường Kiệt. Tương truyền, khi Thái úy Lý Thường Kiệt đem quân đi chinh phạt giặc phương Nam vào năm 1069, đoàn chiến thuyền đi theo sông Đáy, qua trại Canh Dịch (nay là thôn Quyển Sơn, xã Thi Sơn) thì gặp một trận gió lớn cho nên ông phải cho thuyền ép vào chân núi để tránh gió. Trận cuồng phong này đã bẻ gãy cột buồm và cuốn luôn lá cờ đại lên đỉnh núi. Thấy điều lạ, Lý Thường Kiệt cho quân sĩ dừng lại dưới chân núi rồi cùng tướng lĩnh lên bờ sửa lễ tế trời đất cầu mong chiến thắng. Ông đặt đàn tế trong rừng trúc, gần ngôi đền thờ hai mẹ con bà hàng nước. Nửa đêm, hai mẹ con bà hiện lên báo mộng, xin cùng đi theo phù ông đánh giặc. Từ đó ông đặt tên núi là núi Quyển Sơn (núi Cuốn) và trại Canh Dịch cũng được đổi thành làng Quyển Sơn. Lần ra quân ấy, Lý Thường Kiệt đã chỉ huy đại quân thắng lớn.
Sau chiến thắng, trên đường về kinh đô, khi qua vùng núi cũ, nhớ lời cầu nguyện năm xưa, ông cho dừng quân, hạ trại bên rừng trúc lễ tạ âm thần, giết trâu mổ bò làm lễ tạ trời đất và khao thưởng ba quân, mở hội mừng chiến thắng, mời dân làng tham dự và xin Vua phong bà hàng nước là Hoàng hậu, cô con gái là Công chúa và sửa sang lại đền thờ. Trong lúc nghỉ ngơi tại đây, cảnh vật thơ mộng, tức cảnh sinh tình ông đã sáng tác ra làn điệu hát Dặm.
Bà Đặng Thị Lý (người cao tuổi thôn Quyển Sơn, xã Thi Sơn) chia sẻ: Theo cha ông truyền lại, từ năm 1069, khi ngài Lý Thường Kiệt chiến thắng trở về qua đây, để tưởng nhớ công lao của Hoàng hậu và Công chúa, ngài đã dậy người dân nơi đây cấy lúa, trồng dâu, chăm tằm, dệt vải và dạy 38 làn điệu hát Dặm và mở hội khao quân tại đây. Từ đó đến nay, lễ hội Đình làng Quyển Sơn đã được duy trì theo đúng truyền thống xa xưa truyền lại. Hằng năm, từ ngày 10 tháng Giêng đến ngày 10 tháng Hai, làng tổ chức hội hát Dặm của các cô gái thanh tân trong làng. Nhưng chính hội (từ ngày mùng 1 đến ngày 6 tháng Hai) sẽ diễn ra nhiều nghi thức chính như: rước kiệu, tế lễ nam, sanh tiền nữ, hát Dặm, thi mâm lễ, thi bơi chải…
Có công ơn với dân làng nên khi Lý Thường Kiệt mất (năm 1105), nhân dân Quyển Sơn đưa ông vào thờ ở đền Trúc rồi suy tôn ông là Thành hoàng làng thờ tại đình vào thế kỷ thứ XVII. Từ năm 2001, được họa sỹ, nhà lịch sử mỹ thuật Nguyễn Văn Chiến, họa sỹ khảo cổ học Nguyễn Sơn Ca cùng Ban Khôi phục xây dựng đình làng sưu tầm những chứng tích và 33 sắc phong từ năm Vĩnh Tộ thứ 6 triều Vua Lê Thần Tôn (năm 1624) đến năm thứ 9 Vua Khải Định (năm 1925) nhằm xây dựng lại đình. Năm 2007, chính quyền và nhân dân địa phương đã cùng nhau xây dựng, tôn tạo lại đình và hoàn thành vào cuối năm 2009, góp phần tạo nên nét đẹp văn hóa tín ngưỡng của nhân dân địa phương. Di tích cũng trở thành niềm tự hào của các thế hệ người dân nơi đây.
Lễ hội chính đình làng Quyển Sơn diễn ra trong 6 ngày từ ngày mồng 1 đến ngày mồng 6 tháng 2 âm lịch để tưởng nhớ tới vị anh hùng áo vải của dân tộc Thái úy Lý Thường Kiệt - Người có công lao to lớn với đất nước trong việc chống giặc ngoại xâm và có ơn dạy nhân dân Thi Sơn cấy lúa, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải và dạy các làn điệu hát Dặm. Khi ngài mất, nhân dân đã lập đền thờ rồi suy tôn Ngài là Thành Hoàng Làng. Kiệu được rước từ Đình lên đền Trúc, chùa Vạc, chùa Thi Sơn đến miếu Quan Nghè rồi về Đình. Sau phần lễ, phần hội được diễn ra sôi động với các trò chơi dân gian như: Bơi thuyền, cờ tướng, kéo co, chọi gà… liên hoan văn hóa văn nghệ. Lễ hội kết thúc vào ngày mồng 6 tháng 2 âm lịch với nghi thức rước thánh hoàn cung.
Hàng năm, Đảng ủy, UBND xã Thi Sơn đều tổ chức lễ hội truyền thống để tỏ lòng tri ân bậc tiền nhân, người anh hùng kiệt xuất của dân tộc và cùng là tưởng nhớ đến những người con của quê hương đã cống hiến, hy sinh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Lễ hội truyền thống nhằm giáo dục truyền thống yêu nước cho cán bộ và nhân dân đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tạo động lực đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, góp phần giữ gìn tôn vinh các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Từ đó tạo sự chuyển biến trong nhận thức, hành động, góp phần xây dựng quê hương Thi Sơn ngày càng giàu đẹp, văn minh. Cùng với việc tổ chức lễ hội truyền thống, Đảng ủy, UBND xã cũng có nhiều giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của lễ hội.
Trao đổi về vấn đề này, ông Trịnh Văn Thọ, Phó Chủ tịch UBND xã Thi Sơn cho biết: Hằng năm, Ban Quản lý di tích Đình làng Quyển Sơn đã quan tâm, chú trọng việc trùng tu, bảo tồn di tích, song song với làm tốt việc duy trì tổ chức lễ hội truyền thống. Việc giữ gìn, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống thông qua lễ hội đình làng Quyển Sơn được đặc biệt chú trọng và đưa vào chương trình công tác của UBND xã ngay từ đầu năm. Khoảng 1 tháng trước khi diễn ra chính hội, mọi công tác chuẩn bị đều được UBND xã lên kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho Ban Quản lý di tích, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân địa phương. Bên cạnh đó, UBND xã cũng chú trọng công tác bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể hát Dậm thông qua việc hỗ trợ kinh phí, kêu gọi xã hội hóa để duy trì sinh hoạt câu lạc bộ, truyền dậy cho các cháu học sinh trong các nhà trường…
Lễ hội truyền thống Đình làng Quyển Sơn, xã Thi Sơn nhằm phát huy và bảo tồn phong tục văn hóa lễ hội của quê hương, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Đồng thời cầu mong Quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, kinh tế phát triển, quê hương đổi mới, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đây cũng là niềm tự hào, trở thành niềm thương, nỗi nhớ của mỗi người dân nơi đây, để dù có đi xa về gần cũng luôn trân quý mảnh đất này.