Vé liên thông đa phương thức: Lợi đơn, lợi kép
Hình thức vé liên thông đa phương thức (gồm đường sắt đô thị và xe buýt) với những cơ chế ưu đãi kết hợp việc điều chỉnh giá, đa dạng các sản phẩm vé... sẽ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ.
Từ đó khuyến khích người dân sử dụng vận tải hành khách công cộng. Phía cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp cũng dễ dàng quản lý sản lượng, doanh thu; chuẩn hóa dữ liệu vận tải...

Hành khách sẽ được hưởng nhiều lợi ích khi sử dụng vé liên thông đa phương thức gồm đường sắt đô thị và xe buýt. Ảnh: Lê Khánh
Một vé cho nhiều phương tiện công cộng
Theo kế hoạch của UBND thành phố Hà Nội, giá vé vận chuyển hành khách công cộng liên thông đa phương thức và đơn phương thức bằng xe buýt sẽ được áp dụng sau khi hệ thống thu soát vé tự động (AFC) trên địa bàn thành phố được đưa vào triển khai thực hiện (dự kiến vào tháng 9-2025).
Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông thành phố Hà Nội Thái Hồ Phương cho biết, phương án này có nhiều điểm mới. Cụ thể, loại hình vé đa phương thức cho phép hành khách sử dụng một loại vé duy nhất để di chuyển trên nhiều phương tiện khác nhau. Giá vé liên thông đa phương thức giảm 40% so với hành khách mua vé đơn phương thức sử dụng xe buýt và 2 tuyến đường sắt đô thị; giảm 10% so với hành khách mua vé đơn phương thức sử dụng xe buýt và 1 tuyến đường sắt đô thị.
Với giá vé đơn phương thức bằng xe buýt, quy định mới cũng bổ sung vé ngày (30.000 đồng/vé), vé tuần (120.000 đồng/vé) và giảm giá khi mua vé nhiều tháng (giảm 3,5 đến 6% khi mua vé từ 2 đến 12 tháng). Đặc biệt, để bảo đảm công bằng cho hành khách và chi trả đúng cự ly di chuyển, thay vì vé đồng hạng hiện nay, giá vé lượt sẽ được tính theo cự ly di chuyển của hành khách. Giá vé lượt gồm giá mở cửa (3.000 đồng) cự ly di chuyển nhân với giá 1km (450 đồng). Hành khách chỉ phải chi trả từ 4.350 đồng đến 32.000 đồng cho cự ly di chuyển từ 3km đến 64km. Để khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt, nếu hành khách thanh toán điện tử thì sẽ chi trả giá vé tương ứng với cự ly di chuyển (từ điểm lên đến điểm xuống). Nếu chọn thanh toán tiền mặt, hành khách phải chi trả giá vé tương ứng từ điểm lên đến hết điểm cuối của tuyến. Đồng thời, vé lượt mua bằng tiền mặt sẽ được làm tròn giá trị thanh toán lên hàng nghìn gần nhất.
“Ví dụ tại điểm lên A có khoảng cách đến điểm B là 7km và khoảng cách đến cuối tuyến C là 14km. Khi thanh toán điện tử, hành khách chỉ phải trả chính xác là 6.150 đồng. Tuy nhiên, khi thanh toán tiền mặt, hành khách sẽ phải trả 9.300 đồng và bị làm tròn thành 10.000 đồng”, đại diện Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông thành phố Hà Nội giải thích.
Ngoài ra, giá vé đơn phương thức bằng đường sắt đô thị (tuyến Nhổn - Ga Hà Nội và Cát Linh - Hà Đông) cũng được điều chỉnh tăng 40% so với giá vé hiện nay, áp dụng kể từ ngày 1-8-2025. Giá mở cửa là 8.000 đồng, giá 1km là 850 đồng. Sau khi hệ thống AFC được triển khai đồng bộ, hiệu quả, cơ quan quản lý nhà nước sẽ căn cứ dữ liệu đi lại của hành khách để xem xét, điều chỉnh mức giá mở cửa, giá 1km bảo đảm phù hợp.
Tính đúng, tính đủ
Nhiều ý kiến đánh giá quy định mới của thành phố Hà Nội sẽ khuyến khích người dân lựa chọn vận tải hành khách công cộng nhiều hơn. Chị Phạm Khánh Thùy (29 đường Tố Hữu, phường Đại Mỗ, Hà Nội) nhận xét: “Cách tính vé lượt theo cự ly di chuyển chính là phương án tính đúng, tính đủ. Hành khách trên cùng một tuyến xe sẽ không còn bị cào bằng về chi phí. Bên cạnh đó, việc đa dạng các loại vé ngày, vé tuần, vé tháng, vé liên thông sẽ giúp hành khách có thêm nhiều lựa chọn phù hợp với nhu cầu, tiết kiệm chi phí đi lại”.
Liên quan đến việc tăng giá vé đường sắt đô thị kể từ ngày 1-8-2025, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông thành phố Hà Nội Thái Hồ Phương cho biết, giá vé đường sắt đô thị được áp dụng từ năm 2021 hiện không còn phù hợp. Trên cơ sở đánh giá thực tế nhu cầu đi lại, khả năng chi trả của người dân cũng như yêu cầu phát triển hệ thống giao thông đô thị hiện đại, đồng bộ với xe buýt, thành phố đã quyết định điều chỉnh cho phù hợp.
Theo lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội, việc xây dựng phương án vé liên thông đa phương thức là cơ sở để triển khai hệ thống thẻ vé chung cho vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố. Trong giai đoạn đầu chỉ áp dụng cho loại hình vận tải công cộng có trợ giá, sau đó sẽ nghiên cứu mở rộng đối với các loại hình khác như taxi, xe đạp công cộng… Phương án giá vé liên thông và phương pháp điều chỉnh giá vé liên thông; đa dạng các sản phẩm vé, hình thức phát hành vé; cơ chế ưu đãi miễn, giảm giá vé đa phương thức phù hợp với nhu cầu sử dụng phương tiện giao thông công cộng khác nhau của hành khách. Từ đó khuyến khích người dân sử dụng vận tải hành khách công cộng, góp phần giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó giúp cho việc quản lý sản lượng, doanh thu được dễ dàng, chính xác. Đồng thời chuẩn hóa dữ liệu vận tải hành khách công cộng theo yêu cầu của cơ quan quản lý.
Ngoài ra, việc xây dựng phương án vé liên thông đa phương thức song song với tiêu chuẩn kỹ thuật hệ thống thu soát vé tự động AFC liên thông dùng trong giao thông công cộng sẽ tạo ra sự đồng bộ, liền mạch trong quá trình áp dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng, đem lại lợi ích thiết thực cho hành khách cũng như cơ quan quản lý nhà nước.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ve-lien-thong-da-phuong-thuc-loi-don-loi-kep-708592.html