Chuyên gia hiến kế để hồi sinh những dòng sông chết

Sáng 10-7, Văn phòng UBND TP Hà Nội phối hợp với Báo Tiền phong đã tổ chức Tọa đàm 'Giải pháp hồi sinh những dòng sông chết' để các nhà quản lý, chuyên gia, chính quyền và doanh nghiệp cùng bàn cách đưa chính sách vào thực tế.

Tọa đàm “Giải pháp hồi sinh những dòng sông chết”

Tọa đàm “Giải pháp hồi sinh những dòng sông chết”

Ô nhiễm các dòng sông là vấn đề môi trường nghiêm trọng ở Việt Nam trong những năm qua. Theo báo cáo của Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, nhiều hệ thống sông ngòi ở nước ta ô nhiễm đến mức trầm trọng, mất đi chức năng của một dòng sông mà chỉ như kênh chứa nước thải như hệ thống các sông nội đô Hà Nội, hệ thống sông Cầu, hệ thống sông Nhuệ - Đáy hay hệ thống kênh thủy lợi Bắc Hưng Hải.

Ngày 24/1/2025, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Chỉ thị số 2/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách tăng cường công tác kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường nước một số lưu vực sông. Chỉ thị đã giao cho các bộ, ngành, địa phương nhiệm vụ cụ thể, cấp bách để giải quyết vấn đề ô nhiễm các hệ thống sông.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, nhà báo Phùng Công Sưởng, Tổng Biên tập báo Tiền Phong nhấn mạnh, thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực, giải pháp thay thế nguồn nước, thau rửa sông Tô Lịch và các dòng sông bị ô nhiễm. Hà Nội cũng đã phối hợp với các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ để xử lý nguồn nước cho các dòng sông như: Dự án thoát nước giai đoạn 1, giai đoạn 2, xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá... góp phần cải thiện môi trường các dòng sông.

Các giải pháp này ít nhiều đã có kết quả nhưng về tổng thể vẫn cần những giải pháp có tính hệ thống, đồng bộ, có tính liên kết cao hơn để kiểm soát được dòng nước.

Tổng Biên tập báo Tiền Phong thông tin, từ khi lên ý tưởng thực hiện tọa đàm, chia sẻ với lãnh đạo UBND TP Hà Nội, báo Tiền Phong đã nhận được sự đồng tình để cùng thực hiện các giải pháp bảo vệ các dòng sông đã bị suy kiệt, suy thoái.

Tại tọa đàm “Giải pháp hồi sinh những dòng sông chết”, Ban tổ chức mong muốn các chuyên gia, lãnh đạo sở, ngành địa phương cùng mổ xẻ khó khăn, hiến kế, đưa ra các giải pháp cải tạo tốt nhất, để những dòng sông trở lại hình ảnh lãng mạn và yêu thương.

Dự tọa đàm có các khách mời là những chuyên gia, nhà khoa học có uy tín như: Ông Nguyễn Hồng Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước; GS.TS Trần Đình Hòa, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam; TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường; Chuyên gia Nguyễn Trường Duy, Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam. Tọa đàm cũng có sự hiện diện của lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội, Hưng Yên, Ninh Bình…

Ông Nguyễn Đình Hoa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Hà Nội cho rằng một nguyên nhân quan trọng dẫn đến các dòng sông bị ô nhiễm là do không còn dòng chảy

Ông Nguyễn Đình Hoa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Hà Nội cho rằng một nguyên nhân quan trọng dẫn đến các dòng sông bị ô nhiễm là do không còn dòng chảy

Ông Nguyễn Đình Hoa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Hà Nội cho biết, hiện nay, TP Hà Nội đang phải đối diện với tình trạng ô nhiễm đối với các dòng sông nội đô, kể cả một số hồ chứa trong thành phố cũng bị ảnh hưởng.

Theo ông Hoa, nguyên nhân chính do tốc độ đô thị hóa rất lớn, ý thức của người dân không giữ gìn vệ sinh, vứt rác ra sông hồ; lấn chiếm lòng sông, hồ.

Ông Hoa nhấn mạnh, một nguyên nhân quan trọng dẫn đến các dòng sông bị ô nhiễm là do không còn dòng chảy. Ông Hoa cho hay, hiện mực nước của hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình thấp hơn so với trước đây, có thời điểm thấp hơn mặt nước trước đây và thiết kế đê tối đa 14m nên ảnh hưởng lớn đến hệ thống thủy lợi.

Về giải pháp của thành phố "hồi sinh" các dòng sông, ông Nguyễn Đình Hoa cho biết, thời gian qua TP Hà Nội rất quan tâm vấn đề cải tạo làm sống lại những dòng sông trước hết là sông trong nội đô với nhiều dự án cụ thể về các trạm bơm, nhà máy xử lý nước thải…

Ông Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường chia sẻ, nhà ông ở gần sông Tô Lịch, hằng ngày đi qua, nhiều năm đã chứng kiến sông Tô Lịch từ lúc sạch, xanh mát, đến khi bẩn, và đang hồi sinh như thế nào.

Ông Tùng khẳng định: “Gần đây, Hà Nội có rất nhiều biện pháp đúng và trúng, thể hiện sự quyết tâm của chính quyền. Đây có lẽ là nhiệm vụ ưu tiên cao nhất và bài học lớn nhất. Như Trung Quốc với bài học xử lý làm sạch sông Dương Tử, Israel làm sạch sông Jordan, Hungary với hồ Balaton... Thành công đó đầu tiên phải là sự quyết tâm của chính quyền, quyết tâm này thể hiện ở việc giải quyết vấn đề rất cụ thể để làm sạch các dòng sông".

Tại tọa đàm các chuyên gia đều nhấn mạnh việc hồi sinh các dòng sông là không thể chậm trễ. Từ đó, các chuyên gia đã có những đóng góp tâm huyết về giải pháp hồi sinh những dòng sông chết như: đề nghị thành phố lắp đặt thêm các trạm quan trắc ở từng khu vực sông; nghiên cứu giải pháp tôn đáy sông, tạo các đập dâng; Tạo dòng chảy - làm sống lại sông Tô Lịch; nỗ lực chung tay bảo vệ môi trường.

Phú Khánh

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/chuyen-gia-hien-ke-de-hoi-sinh-nhung-dong-song-chet-post617168.antd