Về miền nước nổi

Với vùng đất đầu nguồn chín nhánh Cửu Long, mùa nước nổi là sự tuần hoàn của đất trời, là người bạn 'thâm niên' đi cùng bao thế hệ người dân châu thổ. Dù hiện nay có phần 'đổi tính' nhưng mùa nước nổi vẫn là nguồn sống của dân câu lưới, vẫn mang trong mình nét đẹp chân chất pha chút mộng mơ, hoài niệm của miền Tây.

Khung cảnh non nước hữu tình trong mùa nước nổi tại An Giang

Khung cảnh non nước hữu tình trong mùa nước nổi tại An Giang

Được sinh ra ở vùng đất An Giang, tôi cảm thấy mình may mắn. Bởi lẽ, nơi tôi lớn lên vẫn có 2 mùa mưa - nắng theo thời tiết, nhưng cũng có mùa nước nổi và mùa khô theo đặc trưng của dòng nước Cửu Long. Bởi thế, trong cái trí nghĩ non nớt của tôi hồi bé, cứ ngây ngô hiểu là “mùa nước lên”, dù chẳng biết con nước ấy từ đâu đến, vì sao mà có.

Đã có một thời, tôi ngụp lặn trong mùa nước nổi, ăn mớ cá ba quăng chài sáng sớm, húp sùm sụp từng ngụm canh chua rau muống đồng lẫn bông điên điển. Ở nơi khác ra sao, tôi không rõ. Nhưng vùng quê Châu Phú những năm 2000, con nước còn bò đến sát mé đường giao thông, vỗ ì oạp từng lớp sóng vào mái ta-luy. Hồi cái thời còn ngồi lớp tiểu học cho đến cấp 2, tôi không thích mùa nước nổi cho lắm! Nhà tôi ở xa đường giao thông, nước lũ về thì lối đi thành chỗ bơi xuồng. Muốn ra đường lớn, chỉ có cách bắc cầu tre lắc lẻo. Ngày mấy bận đi học, phải vác xe từ nhà ra đường, rồi lại vác từ đường vào nhà nên ngán lắm!

Ngày tháng cứ trôi, mải mê với ước vọng tuổi thanh xuân, nung nấu khát vọng vào đại học. Ước mơ đạt thành, lại cắm cúi vừa học, vừa mưu sinh ở xứ người mà quên bẵng đi mùa nước nổi. Mấy bận về quê, mẹ nấu cho nồi canh chua bông điên điển với cá linh non, mới sực nhớ xứ mình đang mùa nước nổi. Rồi ngày tháng lại trôi, tôi không còn ngụp lặn trong mùa nước nổi, mà mải mê ngụp lặn giữa dòng đời. Mùa nước nổi vì thế lại âm thầm trôi đi trong trí nhớ.

Ngẫm lại, chắc có đến gần chục năm, tôi không bận tâm đến mùa nước nổi. Sản vật thiên nhiên còn đó, nhưng khung cảnh biển nước mênh mông hầu như ít thấy. Cho đến khi tôi gắn bó cùng những chuyến đi, mùa nước nổi mới trở về trong tầm mắt. Lúc ấy, những ký ức đẹp tươi ngày còn nhỏ mới chực ùa về, cảm xúc chân thật như mới hôm qua.

Cũng đã nhiều lần, tôi về với mấy cánh đồng xả lũ ở Tịnh Biên để tìm lại mùa nước nổi. Những cánh đồng xả lũ nhận nước từ kênh Vĩnh Tế, qua 2 cống Tha La - Trà Sư xuống vùng Tứ Giác Long Xuyên năm nào cũng đầy ắp, mênh mông. Những ngày cuối tháng 9 âm lịch, con nước đã phân đồng. Sắc phù sa vì thế cũng dịu hẳn, khiến cho cả cánh đồng trong vắt như tấm gương khổng lồ soi bóng mây trời. Ở An Giang, nước lũ còn phản chiếu cả những ngọn núi cao hùng vĩ, tạo nên khung cảnh non nước hữu tình không nhiều nơi có được.

Về với mùa nước nổi, đón những cơn gió rạt rào thổi vào mặt khiến lòng người trở nên thư thái. Cơn gió mang theo hơi nước, hăng hăng mùi vị chân quê khó tả. Dừng chân bên bờ kênh Tha La, bắt chuyện với ông lão theo nghề câu lưới, mới biết mùa nước nổi là bạn “chí thân” của ông. Giữa dòng nước mênh mông, ông cúi người múc nước, vo gạo để bắc nồi cơm chiều trên chiếc ghe tam bản. Hóa ra, đã gần 50 mùa nước, ông sống với nghề câu lưới. Mà cũng chẳng năm nào ông đói, bởi cái tính siêng năng, chịu ngụp lặn với nghề bà cậu. Câu chuyện ngắn bằng đúng thời gian ông vo mớ gạo, nhưng lại khẳng định chắc nịch một điều: Mùa nước nổi chưa phụ lòng người!

Cũng đã có lần, tôi theo chân mấy người bạn là dân câu lưới trải nghiệm cảm giác đi săn cá đồng. Ngồi trên chiếc xuồng cui, nhìn người bạn bủa lưới bắt cá mà trong lòng vô cùng háo hức. Trên gương mặt hằn dấu nắng mưa của ngư dân ấy, tôi thoáng thấy bóng dáng ba mình vào những ngày xưa. Bất chợt, lại thèm nồi cá hủn hỉn kho tiêu, tô canh chua bông súng đồng trên bếp quê nghèo của mẹ. Nhớ vậy thôi, chứ sẽ không còn được thấy!

Vào mùa nước năm trước, anh bạn đãi tôi mớ cá đồng nướng rơm, nồi canh chua lục bình ăn với cá kho ớt ngon đáo để. Năm nay, anh lại hẹn tôi sắp xếp để cùng nhau gặp mặt, tận hưởng cái dư vị tiêu dao của mùa nước nổi. Có thể, tôi sẽ trở lại bến quê bên dòng kênh Trà Sư thăm anh, để tìm lại một chút dư vị của mùa lũ xa xưa.

Chiều xuống, chỉ cần men theo những cánh đồng xả lũ cũng khiến người ta quên đi mệt nhọc sau chuyến đi dài. Đó là lúc ánh nắng ngả vàng trên đồng nước, lấp lánh vẻ đẹp vừa rực rỡ, vừa đượm buồn. Đó cũng là lúc dân câu lưới gác mái chèo trên bến, để lại sau lưng niềm hy vọng về mẻ cá trúng hôm sau. Thời khắc ấy, tôi cũng trở về, nhưng dặn lòng sẽ còn trở lại với những cánh đồng xả lũ, để được sống lại một phần ký ức và trải nghiệm nhiều hơn về mùa nước nổi quê mình!

THANH TIẾN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/ve-mien-nuoc-noi-a407932.html