Về nghe sông hát khúc yêu thương

Có những nỗi nhớ sẽ luôn tìm cớ trở về. Giữa những bộn bề của cuộc sống, trái tim luôn biết chắt lọc những thương nhớ thẳm sâu. Giữa những nhung nhớ ấy có một dòng sông quê lấp lánh.

Tôi tin rằng làng quê nào trên đất nước Việt Nam cũng có một dòng sông chảy ngang qua. Như làng tôi xưa, bé nhỏ là thế vẫn có một dòng sông đi về giữa hai đầu nỗi nhớ.

Làng Yên Lược của tôi men theo dòng sông Chu hiền hòa trong mát. Con sông quê tôi dẫu chẳng ghi dấu chiến công hiển hách như sông Bạch Đằng; không là dòng sông huyền thoại giữa hai bờ chiến tuyến như sông Hiền Lương; cũng chẳng đi vào bài tình ca tha thiết như sông Lô, vậy mà cứ thương cứ nhớ.

Thế mới biết cái tình thương nó diệu kỳ đến thế nào. Nó cứ dẫn dụ trái tim ta trở về dẫu rằng xa xôi cách trở. Dòng sông Chu hiền hòa đã nuôi dưỡng ngọt ngào tuổi thơ tôi. Sông Chu là dòng sông đẹp và quan trọng vào hàng bậc nhất vùng Bắc Trung Bộ.

Sông Chu hay còn gọi là sông Lường, là phụ lưu lớn nhất của sông Mã, con sông của Xứ Thanh, con sông đã đi vào bài thơ Tây Tiến nổi tiếng của nhà thơ Quang Dũng:

"Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi

Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi..."

Sông Chu (sông Lường) - một trong những dòng sông đẹp và quan trọng bậc nhất vùng Bắc Trung Bộ. Ảnh: Báo Khoa học và Phát triển.

Sông Chu (sông Lường) - một trong những dòng sông đẹp và quan trọng bậc nhất vùng Bắc Trung Bộ. Ảnh: Báo Khoa học và Phát triển.

Sông Chu bắt nguồn từ vùng núi Tây Bắc Sầm Nưa đất nước Lào, đổ vào sông Mã ở ngã Ba Giàng. Từ năm 1905 đến năm 1915, trong 10 năm, người Pháp bỏ công khảo sát và thiết kế, để đến năm 1918 thì cho xây dựng đập Bái Thượng trên thượng nguồn, ở Xuân Bái thuộc huyện Thọ Xuân. Đập Bái Thượng là hệ thống thủy nông đầu tiên được xây dựng ở Trung Kỳ đảm bảo điều phối nước và tưới tiêu cho vùng hạ lưu sông Chu.

Nhà tôi ở khoảng hạ lưu sông Chu, đoạn sông tương đối hiền hòa, có lẽ là nhờ sự điều phối nước của đập Bái Thượng. Hai bên bờ sông là những bãi bồi trù phú. Sông cứ vắt kiệt mình để làm nên bờ bãi. Ai đó đã nói, vì sông nợ biển một cánh buồm nên chảy mãi ngàn năm. Vậy thì hãy cứ nợ đi để ngàn năm sau sông vẫn chảy.

Từ nhà tôi đi ngược dòng sông Chu chừng 7 km sẽ đến Lam Kinh - nơi Lê Lợi dấy binh khởi nghĩa. Lễ hội Lam Kinh vào ngày 21 và 22 tháng tám hằng năm tôi đã đi rất nhiều lần nhưng chưa một lần đi thuyền ngược dòng sông Chu và đó mãi là sự tiếc nuối trong tôi. Cũng như sông giấu trong lòng biết bao khát khao, tiếc nuối. Chẳng thế mà cứ bên lở bên bồi đắng đót cả lòng sông.

Nối giữa làng tôi với làng Thọ Hải là cây cầu phao Lược xinh xắn. Mùa nước cạn, cây cầu như một dải lụa nâu vắt ngang trên mặt sóng. Tôi đã đi trên chiếc cầu phao ấy vô số lần và lần nào cũng háo hức kỳ lạ. Đó là những buổi sáng ba mươi Tết được theo mẹ đi chợ. Đó là những bước chân háo hức trở về sau những mải mê bươn chải chốn thị thành. Những tấm ghi nâu kết chặt với nhau nằm ngay ngắn trên một dãy phao tạo thành cây cầu kết nối bao người con xa với quê hương.

Đầu cầu bên này là nơi tôi ngồi đón mẹ mỗi buổi đi chợ về. Thực ra thì có lúc nào ngồi chờ mẹ ngoan ngoãn đâu. Kiểu gì cũng phải lội bì bõm xuống mép nước mà vục tay xuống vốc từng vốc nước phả lên mặt. Nước sông mùa cạn trong văn vắt tưởng như nhìn thấy những hòn đá nhỏ dưới tận đáy sông. Nước sông dường như có một ma lực rất khủng khiếp để cho bất cứ đứa trẻ nào một khi đã chạm vào thì không thể nguyên vẹn quần áo khô mà lên bờ được. Tôi thì không biết bơi nhưng tôi thích nước. Nước sông quê trong mát không thể nào lại không mê.

Trời có bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông còn con sông quê tôi chỉ có hai mùa nước lớn, nước cạn. Mùa nước cạn, giữa sông nổi lên một doi cát nhỏ như réo gọi lũ trẻ chúng tôi. Cái doi cát nhỏ ở giữa sông trông như một con thằn lằn đang nằm phơi nắng. Con thằn lằn đó biết đổi màu. Khi mới qua cơn lũ, con thằn lằn ấy có màu nâu sẫm. Chỉ cần qua cơn lũ khoảng nửa tháng, nó liền đổi sắc. Màu xanh như hút tầm mắt tôi. Tôi không rõ cái màu xanh ấy là gì nhưng tôi vẫn ước đó là màu của cỏ.

Ngày ấy tôi thích cỏ, đơn giản là vì cỏ có thể cho bò ăn được. Bò no căng bụng là đám trẻ chăn bò chúng tôi vui. Bây giờ tôi vẫn thích cỏ bởi cỏ mạnh mẽ, cứ thế mà vươn lên dẫu có điều gì xảy ra. Nhiều khi tôi ước mình là cỏ. Doi cát nhỏ ấy cũng là miền đất mà tôi chưa một lần đặt chân lên để rồi vô hình chung nó trở thành nỗi ám ảnh trong tôi đến tận bây giờ. Bởi muốn đến được doi cát ấy cần phải bơi qua hoặc có thuyền chở qua. Thuyền thì không có mà tôi lại chẳng biết bơi. Đành vậy thôi.

Doi cát nhô lên giữa sông Chu. Ảnh: Báo Khoa học và Phát triển.

Doi cát nhô lên giữa sông Chu. Ảnh: Báo Khoa học và Phát triển.

Giờ nghĩ lại, tôi thấy doi cát nhỏ ấy giống như cái bãi bồi phía bên kia sông Hồng, niềm khát khao đốt cháy tâm can nhân vật Nhĩ những ngày cuối đời trong truyện ngắn "Bến quê" của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Thì ra con người ta ai cũng có những niềm khao khát không dễ gì đạt được.

Tôi yêu những buổi chiều khi ánh hoàng hôn loang mặt sóng, ngồi trên triền đê, ngắm nhìn dòng nước lững lờ trôi, những con thuyền trông xa như những miếng cau khô phơi trên chiếc nong màu xanh thật đẹp. Giữa những miếng cau khô đó, tôi ấn tượng với một miếng cau khô nhỏ hơn. Trên ấy có một chàng trai vạn chài với giọng hò mê hoặc. Tôi thích nghe tiếng hò. Nhiều cặp đôi đã nên vợ nên chồng nhờ vào những tiếng hò da diết trên sông ấy.

Giá ngày ấy có phương tiện như điện thoại thông minh, tôi sẽ lưu lại tất cả những câu hò, những tâm tình của người dân chài dung dị. Tình yêu, nỗi nhớ mong, những hoài niệm da diết bâng khuâng gửi gắm trong câu hò ấy. Chẳng có sách vở nào ghi lại, chẳng có bài sẵn cho người hò học thuộc lòng, vậy mà đối đáp cứ trôi chảy, ngọt đến mê li.

Vào những đêm trăng sáng, tiếng hò càng mênh mang, sâu lắng. Cũng vì thích nghe hò nên hầu như đêm trăng sáng nào chúng tôi cũng ra sông, vừa để được ngắm, vừa để được nghe. Tiếng hò buông lơi trên sông càng làm cho dòng sông trở nên thơ mộng. Đến giờ trong tim tôi luôn có một niềm mong ước. Ước sao có những cuộc thi hò đối đáp trên sông quê tôi để những nỗi niềm được giải tỏa, để những khát khao, yêu thương mãi được đắp bồi. Để trên bản đồ văn hóa của đất nước có thêm một địa chỉ xanh mang tên sông Chu. Để mỗi người con xa quê, dù ở bất cứ nơi nào cũng vẫn mãi nhớ về dòng sông quê hương mình.

Sông ôm vào lòng bao nhiêu ký ức, bao nhiêu câu chuyện của con người. Để rồi trong muôn vàn nỗi nhớ luôn có một dòng lấp lánh chảy mãi không thôi.

Chu Minh

Lưu Hường

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/ve-nghe-song-hat-khuc-yeu-thuong-272928.htm