Về nơi cội nguồn của những người làm báo

Hòa vào sự kiện kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024), vừa qua, Hội Nhà báo (HNB) tỉnh Hòa Bình đã tổ chức chương trình về nguồn thăm di tích lịch sử địa chỉ đỏ ATK Định Hóa (Thái Nguyên). Đoàn gồm cán bộ, phóng viên, hội viên, nhà báo công tác ở các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình… của tỉnh và các huyện, thành phố. Trong hành trình về nguồn, đoàn đã thăm và dâng hương tại di tích nơi ra đời Hội Những người viết báo Việt Nam, tiền thân của HNB Việt Nam ngày nay.

Hòa vào sự kiện kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024), vừa qua, Hội Nhà báo (HNB) tỉnh Hòa Bình đã tổ chức chương trình về nguồn thăm di tích lịch sử địa chỉ đỏ ATK Định Hóa (Thái Nguyên). Đoàn gồm cán bộ, phóng viên, hội viên, nhà báo công tác ở các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình… của tỉnh và các huyện, thành phố. Trong hành trình về nguồn, đoàn đã thăm và dâng hương tại di tích nơi ra đời Hội Những người viết báo Việt Nam, tiền thân của HNB Việt Nam ngày nay.

Đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hòa Bình thăm di tích lịch sử quốc gia nơi ra đời Hội Nhà báo Việt Nam tại xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa (Thái Nguyên).

Đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hòa Bình thăm di tích lịch sử quốc gia nơi ra đời Hội Nhà báo Việt Nam tại xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa (Thái Nguyên).

Ngày 21/4/1950, tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa (Thái Nguyên), Hội Những người viết báo Việt Nam, nay là HNB Việt Nam được chính thức thành lập. Các thành viên trong đoàn đã ôn lại truyền thống xây dựng, trưởng thành của HNB Việt Nam; thăm, tìm hiểu tại nhà trưng bày của HNB Việt Nam, nơi lưu giữ những kỷ vật, tư liệu quý giá về hoạt động của lãnh đạo Hội qua các thời kỳ từ khi thành lập đến nay...

Vào cuối năm 1949 đầu năm 1950, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang trong giai đoạn ác liệt, một số cơ quan như: Mặt trận Liên Việt, Hội Phụ nữ Việt Nam, Báo Cứu Quốc... đã đặt trụ sở tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc. Tại đây, ngày 21/4/1950, Đại hội lần thứ nhất Hội Những người viết báo Việt Nam được tổ chức trong ngôi nhà sàn 2 tầng, 8 mái, nơi làm việc, hội họp của Tổng hội Việt Minh. Đại hội đã thống nhất thông qua Điều lệ, Chương trình hoạt động, bầu ra Ban Chấp hành Hội gồm 10 nhà báo, do nhà báo Xuân Thủy làm Chủ tịch. Ngày 2/6/1950, Hội được Chính phủ ra quyết định chính thức công nhận và trở thành thành viên của Mặt trận Liên Việt. Sau này, Hội Những người viết báo Việt Nam được đổi tên thành HNB Việt Nam.

Với sự ra đời của Hội Những người viết báo Việt Nam, hoạt động báo chí trong thời kỳ kháng chiến đã góp phần cổ vũ, động viên quân và dân cả nước làm nên thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược… Tấm bia đánh dấu nơi ra đời của Hội khắc dòng chữ: "Tại đây, ngày 21/4/1950 diễn ra Đại hội những người viết báo Việt Nam (nay là Hội Nhà báo Việt Nam)" được đặt giữa những vườn chè xanh mát. Ngày 23/8/2004, Bộ Văn hóa - Thông tin ra Quyết định số 74/2004/QĐ-BVHTT xếp hạng nơi đây là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Ngay từ buổi ban đầu thành lập, Đảng đã xác định báo chí là một mặt trận quan trọng trong lĩnh vực văn hóa, tư tưởng và mỗi nhà báo là một chiến sỹ. Đặc biệt, các nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng ta đều là các nhà báo, điển hình là Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Xuân Thủy, Võ Nguyên Giáp… HNB Việt Nam là một trong những hội chính trị - xã hội - nghề nghiệp ra đời sớm nhất. Kể từ khi thành lập tới nay, HNB Việt Nam đã tập hợp đội ngũ người làm báo cả nước, xây dựng tình đoàn kết, động viên hội viên vượt qua khó khăn, thử thách, gian khổ để hoàn thành sứ mệnh vẻ vang của báo chí cách mạng.

Các cơ quan báo chí của tỉnh và những người làm báo Hòa Bình đã không ngừng đổi mới hoạt động, phát triển báo chí đa nền tảng, phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử, các mạng xã hội như facebook, youtube, tiktok, zalo… Qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, nhà nước, giữ vững an ninh - quốc phòng, đảm bảo trật tự an toàn xã hội…

Theo nhà báo Nguyễn Mạnh Tuấn, Tổng Biên tập Báo Hòa Bình, Chủ tịch HNB tỉnh, việc tổ chức hành trình về nguồn, tìm hiểu về lịch sử ra đời của HNB Việt Nam là rất cần thiết, có ý nghĩa thiết thực, góp phần giáo dục truyền thống cho các thế hệ cán bộ, hội viên HNB tỉnh. Từ đó tiếp thêm động lực, niềm tự hào để mỗi nhà báo tiếp tục phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. "Qua hành trình về nguồn, nhận thức về vai trò, vị trí của HNB và trách nhiệm của mỗi hội viên, người làm báo được nâng lên, góp phần xây dựng HNB tỉnh ngày càng phát triển mạnh mẽ” - nhà báo Nguyễn Mạnh Tuấn nhấn mạnh.

Hồng Trung

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/190511/ve-noi-coi-nguon-cua-nhung-nguoi-lam-bao.htm