Nằm trong khu rừng già dưới chân núi Pú Đồn thuộc xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, cách TP Điện Biên Phủ gần 40 km, Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ là nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp phát đi những mệnh lệnh chiến đấu làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Khu vực Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ hoạt động trong vòng 105 ngày từ 31-01-1954 đến 15-5-1954.
Các lán trại làm việc và hầm trú được xây dựng thành hệ thống liên hoàn, ẩn mình trong rừng già dưới chân núi Pú Đồn.
Vị trí đầu tiên của Sở chỉ huy là Trạm gác tiền tiêu. Hàng ngày, các chiến sĩ cảnh vệ trèo lên các ngọn cây cao để quan sát từ xa, theo dõi động tĩnh từ bên ngoài, kiểm soát người ra vào Sở chỉ huy, bảo đảm bí mật và an toàn. Chịu trách nhiệm chốt giữ Trạm gác tiền tiêu là Trung đội 1, Đại đội Cảnh vệ 485, Tiểu đoàn 144.
Địa điểm tiếp theo là lán trại làm việc và hầm trú ẩn của lực lượng thông tin. Trong bất kỳ chiến dịch nào thì cơ quan thông tin cũng phải đi trước một bước để theo dõi bước hành quân của các chiến sĩ, bảo đảm thông tin liên lạc giữa tiền phương – hậu phương, giữa sở chỉ huy chiến dịch và các cơ quan tham gia chiến dịch; bảo đảm ba yếu tố bí mật, nhanh chóng, chính xác. Thông tin chính xác, thông suốt sẽ tránh được đổ máu, hy sinh cho các chiến sĩ và rút ngắn chặng đường đi đến chiến thắng.
Chỉ huy công tác thông tin tại Sở chỉ huy khi đó là ông Hoàng Đạo Thúy. Ông Thúy là người có công đầu trong việc tạo dựng và phát triển ngành thông tin liên lạc quân sự và được coi là anh cả trong Bộ đội Thông tin.
Phía bên đồi đối diện là căn cứ tòa soạn báo tiền phương. Tại đây đã in ấn 29/33 số báo đặc biệt trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Các số báo đã trở thành món ăn tinh thần cổ vũ các chiến sĩ của ta tiến lên giành chiến thắng.
Bia đá ghi dấu Sở chỉ huy trung tâm được thiết lập và hoạt động từ ngày 31-01-1954 đến 15-5-1954. Đây là vị trí thứ 3, cũng là địa điểm dừng chân cuối cùng Sở chỉ huy trung tâm đóng quân trong suốt chiến dịch Điện Biên Phủ. Trước đó, địa điểm thứ nhất của Sở Chỉ huy đặt tại hang Thẩm Púa (xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo, Điện Biên) trong thời gian 32 ngày, từ ngày 17-12-1953 đến 17-01/-1954. Địa điểm thứ 2 đặt tại bản Huổi He (xã Nà Tấu, nay thuộc TP Điện Biên Phủ) trong thời gian 13 ngày, từ ngày 18-01-1954 đến 30-01-1954.
Sở Chỉ huy cách Trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của địch ở thung lũng Mường Thanh gần 20 km theo đường chim bay và gần 40 km đường đi bộ.
Chính tại địa điểm này, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và Bộ Chỉ huy chiến dịch đã đưa ra những chỉ thị, mệnh lệnh tấn công có tính chất quyết định, mà đỉnh cao là lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận vào sáng 07-5-1954, làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Từ địa điểm Sở chỉ huy rẽ trái là con đường dẫn tới lán ở, làm việc và hầm trú ẩn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Đường hầm được lực lượng công binh đào trong 28 ngày đêm và trong điều kiện khẩn trương của chiến dịch, đường hầm được đào từ hai phía Đông – Tây, thông nhau điểm giữ lòng đồi. Đường hầm có chiều dài 69 m, cao 1,7 m, rộng 1-3 m; bên trong thiết lập một phòng họp, bốn ngách đặt đài thông tin và hệ thống thông gió lên đỉnh đồi.
Đi xuyên qua hầm trong lòng núi sẽ dẫn tới khu lán trại làm việc của Thiếu tướng, Phó Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái và các địa điểm làm việc của đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc, lán làm việc của Trưởng ban thông tin chiến dịch Hoàng Đạo Thúy…
Cách đó không xa là lán Hội trường họp của Bộ Chỉ huy chiến dịch. Đây là nơi đã diễn ra các cuộc họp quan trọng nhất để đưa ra các quyết định tối cao trong chiến dịch. Sáng 7-5-1957, từ mặt trận, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312 Lê Trọng Tấn đã báo tin chiến thắng về cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi đó đang túc trực tại lán Hội trường. Đến chiều 7-5, tin chiến thắng toàn mặt trận được phát đi từ Hội trường đến nhân dân và thế giới.
Cũng chính tại lán Hội trường này đã diễn ra lễ cưới của ông Hoàng Xuân Tùy, Tổng Biên tập báo Quân đội Nhân dân và bà Song Ninh, nghệ sĩ Đoàn văn công Tổng cục Chính trị, chủ hôn là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Men theo đường mòn đi lên điểm cao nhất của núi Pú Đồn có thể quan sát toàn bộ TP Điện Biên Phủ, thung lũng Mường Thanh và các cứ điểm trước kia của quân Pháp như đồi Him Lam, đồi Độc Lập, đồi D1, đồi C1, đồi A1...
Những ngày qua, hàng vạn người dân trên cả nước đã tới thắp hương tưởng nhớ Đại tướng, Tổng Tư lệnh chiến dịch Điện Biên Phủ và anh linh các Anh hùng liệt sĩ tại Khu tưởng niệm dưới chân núi Pú Đồn - nơi đặt Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ.
VỮNG NGUYỄN