Về nơi Đảng mạnh, dân giàu (2)
Bài 2: Khi đảng viên tiên phong làm việc khóĐBP - Từ những cán bộ, đảng viên tiên phong trên mặt trận xây dựng nông thôn mới (NTM), xóa đói giảm nghèo, nhân dân các dân tộc xã Chà Nưa (huyện Nậm Pồ) đã chung sức, đồng lòng triển khai các phong trào thi đua sản xuất. Với quan điểm 'lấy sức dân để lo cho dân', Chà Nưa hướng đến mục tiêu giàu về kinh tế, vững về chính trị, mạnh về an ninh - quốc phòng. Nhiều cách làm hay, mô hình mới được cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc Chà Nưa đồng lòng thực hiện trở thành phong trào thi đua sôi nổi, tiêu biểu, lan tỏa rộng khắp.
Bài 1: Người đứng đầu phải đi đầu
Lấy sức dân để lo cho dân
Trong câu chuyện xoay quanh mảnh đất và con người Chà Nưa với chúng tôi, Bí thư Đảng ủy xã Khoàng Văn Van và Chủ tịch UBND xã Thùng Văn Ánh đều nhắc đi nhắc lại rằng: “Để xây dựng Chà Nưa giàu mạnh, trong quá trình thực hiện các nghị quyết của Đảng, nhiều cán bộ, đảng viên đã tiên phong đảm nhận việc khó, việc mới; nguyện trở thành người thí nghiệm, áp dụng trước các mô hình phát triển kinh tế, không ngại rủi ro, mạo hiểm. Thấy cán bộ làm được, làm hay thì dân ắt sẽ tự giác làm theo”.
Như để minh chứng lời mình nói, Bí thư Đảng ủy xã Khoàng Văn Van dẫn chúng tôi mục sở thị mô hình trồng bí xanh của anh Tao Văn Phong, người dân bản Nà Sự. Vừa đi Bí thư Van vừa hồ hởi khoe đây là “đứa con tinh thần” của ông bởi đã vận động thành công Tao Văn Phong chuyển đổi 200m2 đất lúa và thuê 500m2 đất ruộng để trồng bí xanh.
Được Bí thư Van đích thân hướng dẫn tỉ mỉ từ cách đánh luống, bắc giàn, xuống giống, chăm bón, cắt tỉa nhánh đến thu hoạch quả đúng kỹ thuật, vườn bí của anh Phong cứ thế lớn lên từng ngày. Chẳng phụ công người, vườn bí đao rộng 700m2 tốt tươi, xanh mơn mởn, ngọn bí như cánh tay dài vươn tua tủa khắp giàn. Lấp ló trong tán lá ấy là những quả bí xanh mướt, lủng lẳng to bằng bắp chân, bắp tay sẵn sàng chờ thu hái.
Tay thoăn thoắt cắt từng nhánh bí cho vào chiếc túi vải đeo chéo vai, anh Tao Văn Phong hồ hởi nói: Từ thành công mô hình trồng bí xanh của Bí thư Van và các đảng viên, nhà mình cũng muốn trồng. Biết được nguyện vọng đó, Bí thư Van ngỏ ý “cầm tay chỉ việc” và liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm với giá dao động ổn định theo thị trường. Ngày hái “trái ngọt”, anh Phong không khỏi phấn khởi bởi sản lượng bí xanh đạt cao với 80 tấn/ha, quả bí đạt tiêu chuẩn xuất bán với trọng lượng trung bình 2,2kg/quả.
Thực hiện đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác, Bí thư Van cùng các đảng viên khởi xướng mô hình trồng bí xanh. Để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, xã Chà Nưa chủ trương vận động cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải thực hành trước, từ đó phân công nhiệm vụ cho cán bộ, đảng viên cùng tham gia trồng bí với người dân.
Triển khai từ tháng 1/2023 với quy mô 3,5ha đất nông nghiệp của 36 hộ dân. Sau hơn 5 tháng triển khai, mô hình trồng bí xanh cho thấy ưu điểm nổi bật; bí xanh có mùi thơm, ruột đặc, thịt quả chắc, dễ bảo quản và phù hợp với việc vận chuyển xa; đặc biệt thời gian sinh trưởng ngắn, dễ trồng, cho hiệu quả kinh tế cao. Năng suất ước đạt 80 - 90 tấn/ha, cứ mỗi héc-ta bí xanh, trừ chi phí đầu tư ban đầu đem lại lợi nhuận từ 100 - 200 triệu đồng.
Thấy được hiệu quả từ mô hình của cán bộ, đảng viên, nhân dân các bản Nà Ín, Pa Có, Nà Cang, bản Cấu tiếp tục nhân rộng, cải tạo đất ruộng trồng bí xanh, nâng tổng diện tích toàn xã lên 7,5ha, góp phần mang lại nguồn thu nhập ổn định, cuộc sống người dân dần ấm no.
Việc gì khó có đảng viên
Miệng nói tay làm, cán bộ, đảng viên ở Chà Nưa tiên phong thực hiện mô hình kinh tế, đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình đi đầu đảm nhận việc mới, việc khó. Không ít người đã tự nguyện hiến hàng trăm mét vuông đất để dẫn lối mở đường, xây trường học, nhà văn hóa… Tình nguyện trở thành người thí nghiệm, áp dụng trước các dự án, mô hình phát triển kinh tế, không ngại gian lao, khó nhọc, mạo hiểm để từ đó vận động bà con dân bản làm theo.
Bản Cấu khi triển khai làm đường bê tông nội đồng có 10 hộ hiến trên 2.000m2 đất. Đảng viên chiếm 50% số hộ hiến đất. Trưởng bản Lèng Văn Sun là hộ tiên phong hiến gần 200m2 đất ruộng để làm đường nội đồng. Sau khi hiến đất, ông đã tích cực đi từng ngõ, gõ từng nhà, trước nhất là vận động các đảng viên trong chi bộ như ông Tao Văn Pín, Lèng Văn Pín, Tao Văn Xuân. Từ đó lan tỏa đến từng hộ dân và việc hiến đất đã trở thành phong trào rộng khắp, sôi nổi trong nhân dân.
Ông Tao Văn Pín tự hào chia sẻ: “Vẫn biết đất sản xuất với nông dân vùng cao rất quý, bởi chúng tôi mưu sinh nhờ đất. Đảng viên họ hiến trước rồi, thấy lợi ích thiết thực mình cũng không ngần ngại làm theo. Mình và gia đình đã tự nguyện hiến 300m2 đất ruộng để làm đường”. Xuất phát từ bản Cấu, phong trào hiến đất làm nhà văn hóa, trường học, công trình phúc lợi lan tỏa khắp các thôn bản ở Chà Nưa.
Nếu trước đây chỉ biết canh tác lúa ruộng, trồng ngô, sắn năng suất thấp thì từ năm 2021, đảng viên Thùng Văn Nạy, bản Cấu (xã Chà Nưa) bắt đầu triển khai mô hình nuôi ong lấy mật. Từ chỗ chỉ nuôi thử nghiệm 2 đàn ong dưới tán cây rừng tự nhiên, ông Nạy đã dành nhiều thời gian, công sức tìm tòi, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm nuôi ong qua ti vi, sách báo; lặn lội sang các tỉnh khác học hỏi mô hình nuôi ong thành công. Bình quân mỗi năm ông Nạy thu hoạch khoảng 250 lít mật ong, cho thu nhập trên 50 triệu đồng.
Nhận thấy ong nuôi dưới tán cây ăn quả, cây rừng tự nhiên, mật có chất lượng thơm ngon, được thị trường ưa chuộng; ông Nạy tuyên truyền, vận động bạn bè, người thân, bà con cùng phát triển mô hình nuôi ong. Hiện toàn xã Chà Nưa có 34 hộ nuôi ong với khoảng 700 thùng. Trên tinh thần tự nguyện, đảng viên Thùng Văn Nạy đã cùng các hộ dân trên địa bàn xã hợp tác và thành lập Hợp tác xã (HTX) Ong Chà Nưa nhằm kết nối người dân cùng làm nghề, mở rộng quy mô nuôi ong lấy mật, nâng cao giá trị sản phẩm. Hiện nay, sản phẩm mật ong của HTX Ong Chà Nưa được công nhận là sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao.
Ông Thùng Văn Ló, bản Nà Ín (xã Chà Nưa) chia sẻ: “Ban đầu mình chưa dám triển khai mô hình nuôi ong, nhưng thấy đảng viên Nạy làm có hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định, nên mình cũng làm theo. Được đảng viên Nạy hướng dẫn kỹ thuật tách đàn, tạo ong chúa, lấy mật, khai thác sữa ong chúa và phấn hoa… nên đàn ong nhà mình sinh trưởng và phát triển tốt, xuất bán với giá thành cao”.
Có thể khẳng định, dù ở cương vị nào, họ - những đảng viên vẫn khẳng định tính tiền phong, điểm tựa vững chắc và là “ngọn đuốc” soi sáng khắp các thôn bản người Thái, người Mông nơi biên viễn Chà Nưa. Đặc biệt, họ đã và đang tiếp nối truyền thống cách mạng, cùng với nhân dân đoàn kết xây dựng Đảng, hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh, đưa Chà Nưa bứt phá trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế, xây dựng NTM của huyện biên giới Nậm Pồ nói riêng, tỉnh Điện Biên nói chung.