Về nơi khởi nguồn của đội quân anh hùng - Bài 1: Dưới tán rừng Trần Hưng Đạo
Ngày 22-12-1944, tại khu rừng nằm giữa tổng Hoàng Hoa Thám và tổng Trần Hưng Đạo, thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập theo Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Từ đó, ngày 22-12 được lấy làm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, đội quân anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng.
LTS: Trong những ngày lịch sử này, nhóm phóng viên Báo SGGP đã về các địa danh ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên. Đây là những nơi đã ghi dấu sự ra đời, từ lực lượng tiền thân đến địa điểm thụ phong những vị tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Những ngày đầu lịch sử
Trước ngày thành lập, đồng chí Võ Nguyên Giáp nhận được thư của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (để trong vỏ bao thuốc lá), đó là bản Chỉ thị về việc thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (VNTTGPQ) do đích thân Người viết - một cương lĩnh quân sự.
Nội dung bản Chỉ thị ghi: “Tên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân là chính trị trọng hơn quân sự… Sẽ chọn lọc trong hàng ngũ những đội du kích Cao - Bắc - Lạng số cán bộ và đội viên kiên quyết nhất, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội quân chủ lực… Đội có nhiệm vụ dìu dắt cán bộ vũ trang ở các địa phương. Về chiến thuật vận dụng lối đánh du kích, bí mật nhanh chóng, tích cực nay Đông mai Tây, lai vô ảnh khứ vô tung.
Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội đàn em khác. Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam”.
Đúng 17 giờ ngày 22-12-1944, lễ thành lập Đội VNTTGPQ diễn ra dưới tán rừng Trần Hưng Đạo. Đội VNTTGPQ lần đầu tiên tụ họp hàng ngũ chỉnh tề, dưới lá cờ đỏ sao vàng trước sự chứng kiến của đại diện Liên tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng cùng với đại biểu nhân dân Tày, Nùng, Dao của 2 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn đến tham dự. Đứng trước hàng quân, đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc diễn từ tuyên bố thành lập Đội VNTTGPQ và nêu rõ nhiệm vụ của đội với Tổ quốc. Sau khi các đại biểu phát biểu ý kiến, toàn đội làm lễ tuyên thệ 10 lời thề danh dự, đây cũng là tác phẩm quân sự đầu tiên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và quân lệnh đầu tiên của vị Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam.
Sau này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã kể lại: “Lễ thành lập đội được cử hành trong một khu rừng nằm giữa hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám. Tôi được ủy nhiệm thay mặt Đoàn thể tuyên bố thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân và vạch rõ nhiệm vụ của đội đối với Tổ quốc… Nhiệm vụ của Đoàn thể ủy thác cho chúng tôi là nhiệm vụ quan trọng và nặng nề. Chính trị trọng hơn quân sự, tuyên truyền trọng hơn tác chiến… Rồi đến lễ tuyên thệ. Đứng dưới lá cờ, lòng tràn đầy tin tưởng, chúng tôi đồng thanh đọc 10 lời thề danh dự... Sau từng lời thề, những tiếng hô “xin thề” lại đồng thanh cất lên mạnh mẽ, vang động cả khu rừng…”.
Đội VNTTGPQ được thành lập gồm 34 người, biên chế thành 3 tiểu đội do đồng chí Hoàng Sâm làm Đội trưởng, đồng chí Xích Thắng làm Chính trị viên, có chi bộ Đảng lãnh đạo. Họ là những người con ưu tú của căn cứ địa Cao - Bắc - Lạng đến từ những miền quê khác nhau, nhiều người sau này đã trở thành những tướng lĩnh trong quân đội, cán bộ cao cấp của Đảng. Trong 34 chiến sĩ có 25 đồng chí là con em các dân tộc tỉnh Cao Bằng.
Ngay sau ngày thành lập, 17 giờ ngày 25-12-1944, Đội VNTTGPQ đã mưu trí, táo bạo, bất ngờ đột nhập vào đồn Phai Khắt và 7 giờ sáng 26-12-1944 lại đột nhập đồn Nà Ngần (đều đóng tại châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng); tiêu diệt 2 tên đồn trưởng, bắt sống toàn bộ binh lính địch, thu vũ khí, quân trang, quân dụng. Chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần mở đầu cho truyền thống quyết chiến, quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Di tích rừng Trần Hưng Đạo hôm nay
Ông Đào Văn Mùi, Giám đốc Ban Quản lý các di tích quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng, cho biết, Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo nằm trên địa bàn 2 xã: Tam Kim và Hoa Thám, huyện Nguyên Bình. Khu bao gồm 5 điểm di tích: rừng Trần Hưng Đạo, nơi thành lập Đội VNTTGPQ; đồn Phai Khắt, nơi diễn ra trận đánh thắng đầu tiên của Đội ngày 25-12-1944; đồn Nà Ngần, nơi diễn ra trận đánh thắng thứ hai của Đội ngày 26-12-1944; hang Thẳm Khẩu, nơi tập trung quân của Đội VNTTGPQ chiều 24-12-1944, để chuẩn bị đánh đồn Phai Khắt và Nà Ngần; di tích Vạ Phá, nơi Tổng bộ Việt Minh tỉnh Cao Bằng mở lớp huấn luyện đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho tỉnh tháng 2-1944 do đồng chí Võ Nguyên Giáp và đồng chí Lê Thiết Hùng phụ trách.
Theo ông Đào Văn Mùi, do ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yangi) hồi tháng 9 vừa qua, Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo bị thiệt hại khá nhiều, các tuyến đường dẫn vào khu di tích và sân hành lễ bị sạt lở và sụt lún. Ngay sau đó, tỉnh Cao Bằng và Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Quân khu 1 đã gấp rút sửa chữa, khắc phục; kết hợp tu bổ toàn khu di tích, chuẩn bị cho các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Hàng ngày tham gia hướng dẫn, giới thiệu tới đồng bào, du khách về truyền thống của Khu di tích rừng Trần Hưng Đạo, di sản viên Hoàng Thị Hè chia sẻ, bản thân luôn cảm thấy tự hào là một người con Cao Bằng khi được giới thiệu đến mọi người về các điểm di tích nơi đây. Ở Khu di tích rừng Trần Hưng Đạo có 3 nội dung tham quan mà bất cứ ai tới đây đều không thể bỏ qua. Đó là nhà trưng bày, đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và những điểm di tích ngoài trời. Trong đó, nhà trưng bày được xây dựng từ năm 2014, do Bộ Quốc phòng đầu tư, xây dựng nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Dẫn chúng tôi tham quan khu trưng bày, chị Hè xúc động cho biết, ở Cao Bằng, ai cũng tự hào và biết ơn với những thế hệ cha ông đi trước. Hàng năm, những ngày lễ, kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bà con các dân tộc tỉnh Cao Bằng đều đến thắp nén tâm nhang tưởng niệm tại đền thờ Đại tướng.
Dù còn nhiều khó khăn, nhưng người dân địa phương, cán bộ, nhân viên khu di tích đều rất lạc quan, vui mừng trước sự đổi mới, phát triển của địa phương và đất nước. Bởi, bất luận có chuyện gì thì khu di tích đặc biệt với cánh rừng già Trần Hưng Đạo đã trở thành nơi sinh ra đội quân anh hùng của một dân tộc anh hùng. 80 năm trôi qua, đất nước và Quân đội nhân dân Việt Nam đã đi một chặng được dài, đầy hiển hách và tự hào; 34 chiến sĩ và người chỉ huy năm ấy nay đã về với đất mẹ, nhưng những dấu son vẻ vang họ để lại vẫn còn im đậm nơi cánh rừng này.