Về nơi mở màn chiến dịch Tây Nguyên

Trải qua 50 năm, ký ức về Chiến thắng Đức Lập (9-3-1975), trận đánh mở màn Chiến dịch Tây Nguyên, vẫn khắc sâu trong tâm trí những chứng nhân lịch sử. Từ trong hoang tàn của chiến tranh, Đức Lập hồi sinh mạnh mẽ, trở thành vùng đất trù phú.

Trong ký ức người giải mã

Những ngày tháng Ba, các địa phương ở Tây Nguyên long trọng tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Tây Nguyên, trong đó có huyện Đắk Mil (Đắk Nông)-trước đây là quận lỵ Đức Lập, tỉnh Quảng Đức. Đức Lập là nơi mở màn chiến dịch Tây Nguyên. Chiến thắng Đức Lập góp phần đẩy mạnh khí thế tiến công và nổi dậy của toàn chiến trường, mở ra một bước ngoặt quan trọng Chiến dịch Tây Nguyên.

Tâm trí cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Văn Thí (sinh năm 1952) ở bon Đắk R'la, xã Đắk N'Drót (Đắk Mil) vẫn nhớ mãi những ngày tháng khốc liệt tại Đức Lập. Lúc đấy, ông thuộc biên chế Tổ A50, Tiểu ban trinh sát, Trung đoàn 28, Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3, nay là Quân đoàn 34)-đơn vị nhận nhiệm vụ tấn công vào căn cứ Núi Lửa của địch (nay thuộc xã Thuận An, huyện Đắk Mil).

“Nhiệm vụ của tôi là giải mật mã truyền tin của địch để báo cáo Trung đoàn trưởng. Vì thế, tôi nắm được tình hình của ta và địch trong trận đánh. Kế hoạch tác chiến của ta là tuyệt mật, đến nay, khi ngẫm lại, tôi vẫn khâm phục nghệ thuật nghi binh tài tình của cấp trên”, ông Thí mở đầu câu chuyện.

 Trung tâm huyện Đắk Mil nhìn từ trên cao.

Trung tâm huyện Đắk Mil nhìn từ trên cao.

CCB Nguyễn Văn Thí kể tiếp, trước khi quyết định tấn công, bộ binh và trinh sát của ta đã đột nhập, vẽ sơ đồ trận địa. Thông tin của địch được ta nắm chi tiết tới cả quân số, đạn dược, súng ống, xe tăng... Đúng 5 giờ 35 phút ngày 9-3-1975, hai tiểu đoàn của Trung đoàn 28 từ hai phía mở đầu với loạt pháo nã vào căn cứ Núi Lửa của địch.

Địch bất ngờ gọi điện truyền tin cho nhau và đều không biết quân ta thuộc đơn vị nào, đến từ đâu. Bởi chúng vẫn nghĩ rằng Trung đoàn 28 của ta đang đóng quân ở Kon Tum. Tuy nhiên, chúng không biết rằng trước đó 3 tháng, Trung đoàn 28 đã chia làm hai đoàn. Một đoàn vẫn hoạt động tại Kon Tum nhưng ở khu vực khác nhằm đánh lạc hướng quân địch. Đoàn còn lại gồm đội quân tinh nhuệ nhất được bí mật hành quân để tiến đánh Đức Lập.

Ông Thí nhớ lại: “Chúng gọi điện trao đổi tình hình cho nhau liên tục. Tôi cùng một lúc nghe hai máy. Tai nghe, bộ não xử lý thông tin, tay thì phác họa nội dung bằng ký hiệu. Địch cũng tinh quái lắm, chúng liên tục đổi tần số, lúc nói tiếng Việt, khi thì nói tiếng Anh, có lúc lại sử dụng tiếng lái. Ví dụ, “bà già”-tức máy bay, “đi chợ”-ý nói di chuyển để tiếp viện... Trong trận đánh Đức Lập, tôi nghe được tin báo của chúng rằng quân ta bắn pháo nhưng chưa trúng căn cứ. Khoảng cách từ điểm pháo nổ đến bộ não quân sự của chúng khoảng 200m. Ngay lập tức tôi thông tin cho Trung đoàn trưởng. Từ thông tin của tôi cùng với kết quả đo đạc tọa độ, đội pháo binh của ta đã điều chỉnh hướng bắn trúng mục tiêu”.

Hồi sinh từ hoang tàn

Bôn ba nhiều nơi, cách đây hơn 10 năm, CCB Nguyễn Văn Thí quay trở lại huyện Đắk Mil sinh sống. Trong ông không chỉ có những ký ức về một thời chiến đấu hào hùng cùng đồng đội mà còn đầy tự hào, hạnh phúc khi thấy cảnh hoang tàn nơi chiến trường năm xưa dần được đổi thay từng ngày.

Cảm nhận này cũng là suy nghĩ chung của những người gắn bó với huyện Đắk Mil. Vùng đất chìm trong khói lửa năm xưa giờ đây khoác lên mình chiếc áo mới, rực rỡ sắc màu của sự phát triển và đổi mới. Những con đường đất đỏ đã được trải nhựa phẳng phiu, nhà cửa khang trang mọc lên san sát, xen giữa là những cánh đồng xanh mướt tạo nên một diện mạo hoàn toàn khác cho nơi đây.

Đồng chí Y Kê Mlô, Phó bí thư Chi bộ bon Đắk R'la, nguyên Chủ tịch HĐND xã Đắk N'Drót, tự hào: “Khi đất nước giải phóng, tôi mới 7 tuổi. Những ký ức chiến tranh thường được ông bà, bố mẹ tôi kể lại. Được đi học, tôi càng hiểu và trân quý hơn những hy sinh của thế hệ đi trước như CCB Nguyễn Văn Thí. Trong bon có 370 hộ dân với phần lớn là người Mơ Nông, còn lại là người Tày, Kinh. Bà con luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Bon không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm, đời sống bà con đã ổn định”.

Đồng chí Phạm Thanh, Bí thư Huyện ủy Đắk Mil cho biết thêm: “Sau 50 năm, từ huyện biên giới nghèo, Đắk Mil đang phát triển hướng tới đô thị loại 3 và trở thành trung tâm tăng trưởng phía Tây Bắc tỉnh Đắk Nông. Đảng bộ và nhân dân huyện Đắk Mil luôn khắc ghi công ơn của các anh hùng liệt sĩ và những người đã hy sinh vì quê hương, đất nước”.

Đồng chí thông tin thêm, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện đạt trên 8% mỗi năm, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 76 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, hình thành vùng chuyên canh nông nghiệp công nghệ cao với các sản phẩm xuất khẩu như cà phê, sầu riêng và xoài. Huyện có 14 sản phẩm OCOP được công nhận, tỷ lệ lấp đầy cụm công nghiệp đạt trên 96%, diện mạo nông thôn, đô thị khởi sắc. Công tác an sinh xã hội được chú trọng, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn hơn 1%; tất cả các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới...

Bài và ảnh: PHƯƠNG KHÁNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/ve-noi-mo-man-chien-dich-tay-nguyen-826272