Về Pa Thơm vui hội 'Khăm bản' truyền thống của người Lào

Lễ Khăm bản (hội té nước) là một trong những lễ hội quan trọng nhất trong năm của dân tộc Lào xã Pa Thơm, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên với mục đích cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, bản làng ấm no, hạnh phúc.

Lễ hội góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Điện Biên

Lễ hội góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Điện Biên

Lễ Khăm bản cũng là dịp để con cháu, bản làng tỏ lòng thành kính đối với những người lập ra bản mường, với ông, bà, tổ tiên, thần sông, thần suối, thần rừng, thần nương rẫy đã che chở, phù hộ độ trì cho dân bản luôn mạnh khỏe, bình an, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Năm 2024, Lễ Khăm bản đã được chính quyền và cộng đồng dân tộc Lào tổ chức phục dựng nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Điện Biên.

Năm nay, Lễ Khăm bản tiếp tục được tổ chức tại bản Pa Xa Lào với các nghi thức của phần lễ như báo cáo thần linh, người khai phá vùng đất, tổ tiên của người Lào nơi đây.

Thầy mo, già làng thực hiện nghi thức cúng thần linh

Thầy mo, già làng thực hiện nghi thức cúng thần linh

Phần lễ diễn ra nghi lễ báo cáo thần linh, người khai phá vùng đất, dâng cũng tổ tiên do thầy cúng và những người giúp việc thực hiện tại “Thiêng lông” là gian thờ linh thiêng, thường sẽ là khu rừng hoặc gốc cây to. Khi làm lễ tại “Thiêng lông” thầy mo sẽ mời ông bà tổ tiên của cả bản về bản, về nhà ăn tết cùng con cháu.

Nghi thức buộc chỉ cổ tay truyền thống của người Làothể hiện mắn, bình an

Nghi thức buộc chỉ cổ tay truyền thống của người Làothể hiện mắn, bình an

Sau phần lễ, các hoạt động phần hội thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia như nghi thức buộc chỉ cổ tay, một nghi lễ quan trọng trong văn hóa người Lào. Nghi lễ thường do người lớn tuổi, già làng hoặc thầy mo thực hiện mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, thể hiện sự cầu chúc may mắn, bình an và hạnh phúc cho người được buộc chỉ.

Tiếp theo nghi thức buộc chỉ cổ tay, người dân trong bản sẽ mang lễ vật ra khu vực suối để dâng tế, cúng mời thần suối hưởng lễ.

Người Lào tin rằng sông, suối là nơi trú ngụ của các vị thần linh thiêng, ban phước lành và nguồn nước dồi dào cho mùa màng, cuộc sống. Nghi thức này được người dân tổ chức nhằm bày tỏ lòng biết ơn với thiên nhiên, thần sông, thần suối vì đã ban nguồn nước quý giá. Lễ vật dâng lên thần sông, suối là một phần quan trọng trong đời sống tâm linh của người Lào, thể hiện sự tôn kính với thiên nhiên, cầu mong cuộc sống thuận hòa, hạnh phúc, bình an, không bị thiên tai, lũ lụt.

Phần vui nhất của hội té nước là chủ lễ và người cao tuổi trong bản sẽ dẫn tất cả mọi người ra bên dòng suối để té nước lên người nhau với mong muốn người được té nước sẽ gặp may mắn, bình an.

Người Lào quan niệm rằng, người nào càng bị té nhiều nước thì càng nhiều may mắn. Khi người đã ướt sũng, mọi người cùng nhau hòa mình vào điệu múa lăm vông truyền thống.

Người Lào quan niệm rằng, người nào càng bị té nhiều nước thì càng nhiều may mắn

Người Lào quan niệm rằng, người nào càng bị té nhiều nước thì càng nhiều may mắn

Các hoạt động tại lễ hội giúp nhân dân địa phương, cộng đồng dân tộc Lào xã Pa Thơm hiểu được tầm quan trọng và mục đích, ý nghĩa của việc giữ gìn văn hóa truyền thống dân tộc mình. Đồng thời, là dịp để tăng cường đoàn kết toàn dân tộc, tích cực quảng bá, tôn vinh bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp dân tộc Lào gắn với phát triển du lịch, thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Điện Biên.

MỘC TRÀ, ảnh: NGUYỄN NAM

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/dan-toc-ton-giao/ve-pa-thom-vui-hoi-kham-ban-truyen-thong-cua-nguoi-lao-127525.html