Lễ hội Tràng An 2025 - Di sản ngàn năm hồn thiêng sông núi
Với chủ đề 'Tràng An - Di sản ngàn năm hồn thiêng sông núi', Lễ hội Tràng An năm 2025 diễn ra ngày 13/4 tôn vinh những giá trị văn hóa lâu đời gắn liền với vùng đất linh thiêng, 'bảo tàng địa chất ngoài trời' và 'kinh đô linh thiêng của người Việt xưa'.
Lễ hội Tràng An 2025 là sự kiện văn hóa - tâm linh có ý nghĩa đặc biệt, được tổ chức thường niên tại Ninh Bình mang ý nghĩa tri ân Đức Thánh Quý Minh Đại Vương - một trong 3 vị tướng thời Hùng Vương có công trấn giữ vùng Sơn Nam, đồng thời khơi dậy tinh thần “uống nước nhớ nguồn” trong cộng đồng, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc.

Hơn 700 nghệ sĩ, diễn viên biểu diễn trong Lễ hội Tràng An 2025.
Đây cũng là dịp để tiếp tục tôn vinh Quần thể danh thắng Tràng An - Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới đã được UNESCO ghi danh năm 2014. Sau hơn một thập kỷ, Tràng An không chỉ là biểu tượng cảnh quan đặc sắc, mà còn là minh chứng cho cam kết của Việt Nam trong việc thực thi Công ước UNESCO về bảo vệ di sản.
Mới đây, kết quả lượng giá của các tổ chức nghiên cứu quốc tế và trong nước cho thấy giá trị kinh tế - văn hóa tổng thể của Tràng An lên tới 213 tỷ USD. Đây là con số có ý nghĩa chiến lược, khẳng định vị thế của Tràng An trong quy hoạch phát triển bền vững vùng Đồng bằng Bắc Bộ.

Ban tổ chức huy động hơn 100 chiếc xe điện để phục vụ đoàn rước Rồng.
Lễ hội năm nay được tổ chức với quy mô lớn, gồm nhiều nghi lễ truyền thống như rước nước, rước Rồng, dâng hương tại đền Suối Tiên, kết hợp với các chương trình nghệ thuật quy mô do hơn 700 nghệ sĩ, diễn viên biểu diễn tại gần 20 sân khấu thực cảnh.
Các loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc từ khắp các vùng miền như Quan họ, Nhã nhạc cung đình Huế, cồng chiêng Tây Nguyên, múa trống Kim Sơn, hát chèo, hát xẩm… được giới thiệu, qua đó khẳng định chiều sâu văn hóa đa dạng của dân tộc Việt Nam và khả năng kết nối di sản với hoạt động du lịch hiện đại.

Rước thuyền rồng trong Lễ hội Tràng An 2025. Các đại biểu thực hiện nghi thức rước nước tại Lễ hội Tràng An.
Tỉnh Ninh Bình tiếp tục khẳng định định hướng xây dựng Hoa Lư trở thành Đô thị Di sản thiên niên kỷ - một trung tâm sáng tạo, công nghiệp văn hóa và du lịch tầm khu vực và quốc tế. Với vai trò là hạt nhân của chiến lược này, Tràng An đang được quy hoạch phát triển không chỉ là điểm đến du lịch trọng điểm mà còn là cực tăng trưởng mới về kinh tế - văn hóa, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh và vùng Đồng bằng Bắc Bộ.
Quần thể danh thắng Tràng An là sự kết hợp hoàn hảo giữa thiên nhiên kỳ vĩ và di sản lịch sử. Với hệ thống thung lũng, hang động xuyên thủy, rừng nhiệt đới nguyên sinh, Tràng An còn là cái nôi của nền văn hóa nhân loại, nơi đã ghi dấu sự hiện diện của con người từ hơn 30.000 năm trước.

Các đại biểu thực hiện nghi thức dâng hương tại Đền Suối Tiên.
Từ thời kỳ Nhà nước Đại Cồ Việt, Tràng An đã là trung tâm của lịch sử, chứng kiến những sự kiện trọng đại trong công cuộc bảo vệ nền độc lập dân tộc: từ thời vua Đinh Tiên Hoàng, vua Lê kháng Tống, vua Trần Thái Tông xây dựng Hành Cung Vũ Lâm trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, đến những chiến công vang dội của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ trong chiến thắng quân Thanh.
Ngày nay, Tràng An tiếp tục lưu giữ những giá trị văn hóa và tự nhiên nổi bật, không chỉ với Việt Nam mà với toàn thể nhân loại. Đây là nơi gắn liền với tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường và lòng tự tôn dân tộc. Những giá trị ấy đã được truyền từ quá khứ tới hiện tại, trở thành nguồn cảm hứng và động lực để định hướng tương lai. Tràng An không chỉ là một di sản, mà còn là một biểu tượng sống động của sự kết hợp giữa thiên nhiên, lịch sử và con người, là nơi những giá trị bền vững mãi được tôn vinh và gìn giữ.