Hang Tám Cô, nơi câu chuyện bi tráng được viết nên với sự hi sinh anh dũng của 8 thanh niên xung phong bị vùi lấp dưới hang núi sau loạt bom của quân thù.
Di tích lịch sử Hang Tám Cô, hay còn gọi là Hang 8 Thanh niên Xung phong (TNXP) tại km 16, đường 20 – Quyết Thắng, nằm xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) là một trong những “tọa độ lửa” những năm 1971-1972. Đây là nơi 8 TNXP (4 nam, 4 nữ) quê Hoằng Hóa, Thanh Hóa, đã hy sinh trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước.
Nơi đây, vào năm 1972, khi phát hiện đường 20 Quyết Thắng là một trong những tuyến giao thông huyết mạch thuộc hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh chi viện cho chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ điên cuồng bắn phá nhằm hủy diệt con đường. Chiều 14/11/1972, máy bay B.52 ném bom rải thảm dọc tuyến đường 20 Quyết Thắng. Tiểu đội TNXP 163 của Ban 67 đang bám trụ đường chạy vào một hang đá bên đường (nay gọi là hang Tám Cô) trú ẩn. Sau loạt bom, 5 chiến sĩ pháo binh hy sinh trước cửa hang. Cùng lúc đó một tảng đá nặng hàng trăm tấn trên cao đổ ập xuống bịt kín miệng hang.
Tiếng máy bay, tiếng bom nổ vừa dứt, đồng đội lao đến dùng cuốc, xẻng, xà beng… đào bới, nhưng không thể lay chuyển được khối đá khổng lồ án ngữ trước miệng hang. Nghe rõ tiếng kêu cứu của các đồng chí TNXP vọng ra từ khối đá, nhưng tất cả đều bất lực. Những chiếc ống được luồn qua qua kẽ nứt để đổ cháo loãng, những viên thuốc B1, những bánh lương khô được nghiền nát nhằm kéo dài sự sống cho đồng đội. Nhưng tiếng kêu cứu yếu dần, đến ngày thứ 7, đồng đội chỉ thoáng nghe một giọng nữ gọi yếu ớt “Bầm ơi cứu con…”!, rồi tất cả rơi vào im lặng vĩnh viễn
Tên gọi hang Tám Cô có từ trước năm 1972, vốn dĩ đây là một hang đá lớn, sâu và rộng, rất thuận lợi cho bộ đội và TNXP tránh máy bay địch. Là nơi trú ẩn, sinh hoạt của 8 cô gái TNXP, vì cách hang khoảng 30m có một trạm giao liên nên hang đá này đã trở thành nơi ăn ở sinh hoạt của các TNXP. Mỗi đợt có 8 người thay nhau tiếp quản trạm giao liên. Có thời gian dài một tiểu đội nữ TNXP gồm 8 cô gái vẫn thường vào tránh máy bay địch. Mọi người quen gọi là hang “Tám Cô”.
Sau buổi chiều định mệnh 14/11/1972, khi 8 TNXP mất (gồm 4 nữ, 4 nam) cũng chính tại hang đá này, đồng đội không muốn đổi tên. Về 8 TNXP hy sinh ở Hang Tám Cô, vào tháng 9/1995, tại Hội nghị TNXP tiêu biểu của tỉnh Quảng Bình, vấn đề tìm hài cốt 8 liệt sĩ hy sinh lần đầu được đặt ra. Sau khi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đồng ý, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tiến hành thực hiện.
Ngày 22/3/1996, lực lượng tìm kiếm sử dụng mìn để phá hòn đá chắn cửa hang, lực lượng tìm kiếm đã thu thập được toàn bộ hài cốt 8 liệt sĩ TNXP, tất cả đều quê ở huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa). Ngày 4/6/1996, tỉnh Quảng Bình đã làm lễ bàn giao, đưa tiễn 8 liệt sĩ về an táng tại quê nhà. 8 thanh niên xung phong gồm 4 nam, 4 nữ hy sinh đều ở huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, gồm: Nguyễn Văn Huệ (SN 1952), Nguyễn Văn Phương (SN 1954), Trần Thị Tơ (SN 1954, cùng ngụ xã Hoằng Trường); Nguyễn Mậu Kỹ (SN 1953, ngụ xã Hoằng Đạt); Hoàng Văn Vụ (SN 1953, ngụ xã Hoằng Hà); Lê Thị Mai (SN 1952), Lê Thị Lương (SN 1953, cùng ngụ xã Hoằng Thịnh) và Đỗ Thị Loan (SN 1952, ngụ xã Hoằng Ngọc).
Theo lãnh đạo Sở Văn hóa và Thế thao Quảng Bình, công tác bảo quản, phát huy giá trị lịch sử ở di tích luôn được địa phương quan tâm đặc biệt, là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ mai sau. Nhờ vậy di tích luôn đón đông đảo du khách gần xa về thăm viếng, dâng hương. Hang Tám Cô– nơi các AHLS ngã xuống đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt; đường 20-Quyết Thắng được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia.
Mời độc giả xem thêm video Triển lãm 75 năm đền ơn đáp nghĩa nhân ngày Thương binh liệt sĩ: