Về Tây Đô ngắm nhà cổ
Trong 14 di tích quốc gia về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật của thành phố Cần Thơ có di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà cổ Bình Thủy - top 100 'Điểm đến ấn tượng Việt Nam' năm 2013, do Liên hiệp Các hội UNESCO Việt Nam tặng bằng vàng.
Nhà cổ Bình Thủy là Nhà thờ gia tộc họ Dương, do ông Dương Văn Vị (thế hệ thứ 3) xây dựng lần đầu tiên bằng gỗ, lợp ngói vào năm 1870 để thờ tổ tiên. Ngôi nhà hiện nay vẫn nằm trên thửa đất rộng khoảng 6.000 m2 gần vàm rạch Bình Thủy, sau hơn 30 năm sử dụng, ông Vị thiết kế xây dựng lại. Năm 1904, sau khi ông Vị mất, con trai út Dương Chấn Kỷ là điền chủ giàu có tiếp tục xây cất đến khoảng năm 1911 mới hoàn thiện. Công trình gồm nhà trước, nhà giữa và nhà sau với tổng diện tích 352 m2, có nhiều cửa dẫn vào nội thất và vẫn chỉ dùng làm cơ sở thờ tự của gia tộc và tiếp khách. Đây là hình khối kiến trúc giao thoa phong cách văn hóa phương Đông và phương Tây, cổ kính, trang nghiêm và phóng khoáng, trang nhã. Mẫu nhà cổ hiếm hoi còn lại khá nguyên vẹn ở Bình Thủy này là niềm tự hào của người dân trong vùng khi họ gọi là Nhà cổ Bình Thủy. Tháng 1/2009, Nhà thờ họ Dương được xếp hạng Di tích Quốc gia lĩnh vực kiến trúc nghệ thuật.
Nhà cổ Bình Thủy nằm bên trục đường Bùi Hữu Nghĩa, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy. Ông Dương Đăng Khoa, 60 tuổi, thế hệ thứ 7 của họ Dương, được giao trọng trách trông coi và hương đèn nơi thờ tự. Từ sân cốt nền nâng cao 1 m. Ngôi nhà chính có 4 lối bậc thang hình cánh cung lưu thông từ ngoài vào bằng nhiều cửa gỗ có vòm hình vòng cung. Hai bên cửa là những cột gạch vuông, xung quanh cửa đều gắn phù điêu và đắp nổi hoa văn dây lá nho, con sắt bằng xi măng…
Ông Dương Đăng Khoa làm người giới thiệu cho du khách tham quan. Nhẹ nhàng trong âm sắc, chân chất trong diễn đạt, nơi ông toát lên lòng tôn kính và niềm tự hào của dòng tộc nói riêng, người dân miền Tây Đô nói chung. Nhà trước có 5 gian, với 24 cột gỗ lim, đòn tay là gỗ căm xe, mái ngói âm dương từ thời tạo lập nay vẫn còn được gìn giữ. Nhiều vật liệu xây dựng gia chủ nhập về từ Pháp như trần là vật liệu nhẹ có các hoa văn hội họa trang nhã và hiện đại hay các khuôn hoa sắt cửa sổ được ghép lại bằng đinh tán không phải hàn; đó còn là đèn trần treo, gạch bông lát nền, phù điêu hay hàng rào sắt… Ở các bộ phận bằng chất liệu gỗ, rất nhiều hoa văn đục lộng tinh xảo với các chủ đề “tùng, mai, cúc, trúc”, “phước, lộc, thọ”, “ngũ phúc an khang”, “tứ thời xuân, hạ, thu, đông”. Tất cả đều do nghệ nhân người Việt tạo tác và không có hoa văn về con rồng vì gia chủ không phải là người làm quan.
Nơi gian giữa, vị trí trang trọng, đối diện với 3 gian thờ là bức ảnh tráng men chân dung ông Dương Chấn Kỷ. Nếu nhìn bên ngoài nghệ thuật kiến trúc sang trọng theo phong cách phương Tây thì bên trong là sự bài trí đều toát phong cách văn hóa người Việt, bao gồm hương án, khánh thờ, liễn đối bằng gỗ khảm xà cừ. Một số vật dụng quý với tuổi thọ trên 100 năm cũng được trưng bày như bộ sa lông gỗ trắc, mô phỏng bộ sa lông của Vua Louis 15 của Pháp hay máy hát đĩa than sử dụng nguồn điện bằng quay tay, lavabo, tranh gốm sứ… Với cách bài trí này, ngôi nhà hiện hữu không gian riêng, sang trọng mà bình dị và gần gũi thân thuộc với thôn quê yên ả và lắng sâu… Còn nhà sau được thiết kế bằng vách gỗ kéo dài, gồm nhiều ô hộc, con tiện, tranh gốm sứ, trưng bày nhiều đồ gốm sứ quý như lộc bình, ấm nước, chuyền trà, nậm rượu, đèn dầu... Đây là nơi tiếp khách nữ mỗi khi họ đến nhà thờ. Qua khoảnh sân rộng, ông Khoa cất căn nhà nhỏ để gia đình ở, cũng là nhằm gìn giữ nếp văn hóa gia phong của các bậc tiền bối để lại như xưa ông Dương Văn Vị, ông Dương Chấn Kỷ ở căn nhà riêng bên cạnh…
Nhà cổ Bình Thủy là dấu ấn kiến trúc đặc sắc của vùng kênh rạch miền Tây Nam Bộ. Bởi vậy, nơi này trở thành địa chỉ thu hút du khách trong nước và quốc tế tham quan chiêm ngưỡng và tìm hiểu văn hóa Đông - Tây cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Đây cũng trở thành phim trường của nhiều đoàn làm phim Việt Nam và Pháp và là sân khấu nhỏ của cảnh diễn nghệ thuật Nam Bộ. Phương thức này góp phần vừa bảo tồn, vừa phát huy di tích, đưa di tích vượt qua hình thái của cổ vật để vươn đến tầm của giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc. Song song với bảo tồn, trùng tu, nâng cấp di tích là quảng bá, tuyên truyền, nhất là giúp lớp trẻ hiểu sâu về giá trị và ý nghĩa của di tích. Cùng với đó là gắn với việc phát triển kinh tế, xã hội thông qua con đường du lịch.
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/dulich/202210/ve-tay-do-ngam-nha-co-3139388/