Về Thủy Ba, nghe kể chuyện bắt cọp…

(QT Xuân) - “Ngày ấy cọp về rón rén lá rơi/Gió Thủy Ba vờn qua giấc ngủ...”. Câu ca gợi nhắc đến vùng đất Thủy Ba xưa với rừng sâu, núi thẳm và nỗi ám ảnh của người dân khi luôn phải đối mặt với thú dữ. Giờ đây, những cánh rừng của làng Thủy Ba đã lùi xa về phía Tây, dấu vết của cọp cũng không còn hiện hữu nhưng câu chuyện bắt cọp vẫn được các bậc cao niên trong làng tái hiện lại bằng ký ức sinh động và tự hào.

 Câu "Thủy Ba nổi tiếng làng bắt cọp" được khắc trên cổng chào xã Vĩnh Thủy - Ảnh: H.N

Câu "Thủy Ba nổi tiếng làng bắt cọp" được khắc trên cổng chào xã Vĩnh Thủy - Ảnh: H.N

Quê tôi ở Vĩnh Thủy. Hồi nhỏ, tôi sống với bà nội ở quê. Mỗi lần khóc nhè, bà thường dọa: “Nín không cọp lôi vô rú”. Chỉ nghe vậy thôi là tôi im bặt. Không hẳn vì sợ hãi, mà lúc đó, trí tưởng tượng non nớt của một đứa trẻ lên 5 cứ hướng đến hình ảnh con cọp có bộ lông vằn vện, lững thững từ bìa rừng đi ra, nên quên cả hờn dỗi. Tôi còn nhớ, mỗi lần nghe vậy đều hỏi bà ông cọp ở đâu, bà chỉ về phía bên kia chân đồi 74, nói gọn: Ở bên nớ.

Bên nớ cũng là quê ngoại tôi, thôn Thủy Ba Tây. Tôi quen với kiểu phân chia ranh giới quê nội, quê ngoại như vậy. Mãi sau này lớn lên, tôi mới hiểu tại sao ngày đó, người lớn thường đưa cọp ra dọa trẻ con như vậy. Bởi lẽ, làng Thủy Ba xưa (gồm các thôn Thủy Ba Hạ, Thủy Ba Tây và Thủy Ba Đông) vốn nổi tiếng với “nghề” bắt cọp. Chuyện bắt cọp là chuyện của cha ông ngày xưa nhưng được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, cho tới bây giờ.

Ông Trần Đức Thọ (90 tuổi), ở thôn Thủy Ba Tây, là một trong những người hay kể lại chuyện bắt cọp của người Thủy Ba cho con cháu nghe. Tuy không trực tiếp tham gia trong đội quân bắt cọp của làng Thủy Ba ngày đó nhưng ông đã từng chứng kiến không khí ra quân bắt cọp của người dân nơi đây cũng như 3 lần thấy cọp bị người dân Thủy Ba bắt. Lần đầu tiên, ông mới chỉ là cậu bé 8 - 9 tuổi. Vốn tính nghịch ngợm, hiếu kỳ nên tuy nhỏ nhưng khi hay tin dân làng bắt được một con cọp đem về bãi cát Cây Sỏi (thuộc thôn Thủy Ba Tây ngày nay), ông trốn ba mẹ đi xem cho bằng được. Đó là một con cọp có bộ lông màu vàng, nặng trên 2 tạ và vẫn còn sống. Sau đó, nhà vua có lệnh đưa con cọp này vào Kinh thành Huế. Dân làng đóng cũi và gánh đi nhưng khi đến Chan An (tên một vũng nước trong vùng) dừng lại cho cọp uống nước thì nó bị chết.

Lần thứ 2, ông tận mắt chứng kiến con cọp vằn bị dân làng vây bắt, cũng nặng trên 2 tạ. Con cọp này sau đó bị quan phủ cho lính tập lên bắn, rồi xẻ thịt chia cho dân làng. Còn con cọp thứ 3 (chỉ có 3 chân) thì bị sập hầm của người dân sau nhiều lần vây bắt bất thành. Đây là một con cọp tinh ranh nổi tiếng khắp vùng. Khoảng giữa mùa thu năm 1945, tầm 1 năm sau khi bị bắn mất một chân, con cọp trở lại vùng rừng già Thủy Ba để tìm người trả thù. Ba lần đội quân bắt cọp Thủy Ba lần tìm dấu vết, tổ chức vây bắt nhưng đều không thành.

“Con cọp này rất tinh quái, nhưng sau đó sập hầm và bị dân Thủy Ba bắt. Đây là con cọp cuối cùng bị bắt bởi người Thủy Ba. Đến những năm 1972 - 1975, người trong xã đi rừng vẫn còn thấy dấu vết của cọp nhưng càng về sau này thì càng mất dấu”, ông Thọ kể lại.

 Ông Trần Đức Thọ (bên trái) kể lại chuyện bắt cọp của dân làng Thủy Ba -Ảnh: H.N

Ông Trần Đức Thọ (bên trái) kể lại chuyện bắt cọp của dân làng Thủy Ba -Ảnh: H.N

Nói về “nghề” bắt cọp của làng Thủy Ba, các bậc cao niên trong làng đều giải thích rằng vào những năm 1930, vùng đất Thủy Ba ngút ngàn rừng già với lắm thú dữ, nhiều nhất là cọp. Cọp rình rập quanh làng, bắt người và trâu, bò. Theo lời kể của ông Thọ, có thời gian do chiến tranh ác liệt, người dân làng ông phải dời lên chiến khu Thủy Ba. Để đề phòng thú dữ, nhà nào cũng rào tường cao 4 m; bố trí thời gian sinh hoạt, sản xuất hợp lý như 9 giờ sáng mới ra đồng, 14 giờ phải về nhà; đi làm nương hay đi vệ sinh đều có người gác. Vậy nhưng, cọp vẫn rình rập mọi nơi, mọi lúc. Có người đang đi vệ sinh trong khuôn viên nhà vẫn bị cọp vồ mất một chân. Người thân của ông Thọ đang bưng đồ ăn dọn lên nhà cũng bị cọp xông vào chụp hụt, may dân làng phát hiện kịp thời nên thoát chết.

“Nơi đây rừng rậm thâm u, nên việc xuất hiện các loài thú dữ, trong đó có cọp không có gì khó hiểu. Tuy nhiên, để bắt được cọp, ngoài sức khỏe đòi hỏi phải có sự thông minh, sáng tạo và người Thủy Ba hội tụ được những yếu tố đó”, ông Thọ tự hào nói.

Không khí những lần “ra quân” bắt cọp của người Thủy Ba rất sôi nổi. Cứ nghe 3 hồi chiêng thì dù đang làm gì, những người trong đội bắt cọp cũng phải bỏ dở để về tập trung theo từng xâu (cả làng Thủy Ba có khoảng 20 xâu, một xâu từ 12 - 16 người, do trưởng xâu chỉ huy). Trước khi bắt cọp, người dân làm lễ cúng tế trời đất để cầu may, gọi là lễ Thượng vong. Sau khi bắt được cọp, làng làm lễ Hạ vong, tạ ơn trời đất đã phù hộ dân làng diệt trừ ác thú.

Ông Lê Trọng Hề (85 tuổi) ở thôn Thủy Ba Tây có cha làm lý trưởng thời đó. Ông thường nghe cha mình kể lại, lý trưởng là người cầm lệnh để chỉ huy bắt cọp. Lý trưởng cầm đồng la đánh thúc giục: “Reo!Reo!Reo/Nghe tiếng ta reo/Ba làng đứng dậy cho đều”. Lập tức phèng la, trống nổi lên ba phía lưới, cùng với tiếng hò reo dậy trời. Cuộc chiến với chúa sơn lâm không hề dễ dàng, có khi kéo dài cả mấy ngày liền. Khi cửa rọ sập xuống, tiếng hò reo dậy lên thì tiếng gầm thét của con cọp sa lưới cũng dậy cả một khoảng rừng. Các tráng đinh Thủy Ba khiêng cọp bị trói về làng, theo sau là các xâu thợ săn mặt mày rạng rỡ, chiêng trống tưng bừng.

Ông Hề nhớ lại: Thời đó, thôn nào phát hiện có cọp về rình rập vồ người, bắt súc vật thì ngay lập tức báo cho các chức sắc trong làng. Muốn bắt được cọp phải hiểu tính nết, đặc điểm của từng con cọp như căn cứ vào dấu cọp để đoán được cọp đực hay cọp cái, to hay nhỏ; căn cứ vào hướng gió, quy luật sinh hoạt của cọp là ăn xong phải đi tìm nước uống, uống xong đi tìm chỗ ngủ để từ đó lần theo dấu vết, rồi khoanh vùng, bố trí “trận địa” vây bắt. Vùng bủa vây được gọi là ải. Một cuộc giăng ải, vây ráp để bắt cọp rất quy mô và náo nhiệt. Làng trên xóm dưới ai nấy đều biết vì lực lượng tham gia là tráng đinh của cả 3 làng Thủy Ba Hạ, Thủy Ba Đông và Thủy Ba Tây.

 Lưới bắt cọp được trưng bày tại Phòng truyền thống xã Vĩnh Thủy - Ảnh: H.N

Lưới bắt cọp được trưng bày tại Phòng truyền thống xã Vĩnh Thủy - Ảnh: H.N

Vũ khí được trang bị cho các cuộc bắt cọp gồm lưới, mác và nạng sắt có cán dài nhưng hiện chỉ còn tấm lưới được trưng bày tại Phòng truyền thống xã Vĩnh Thủy. Trải qua năm tháng, tấm lưới như vẫn vẹn nguyên, nằm lặng lẽ ở góc phòng nhưng bên trong đó lại chứa những chiến tích tự hào của người dân Thủy Ba trong cuộc chiến với thú dữ. Tấm lưới bắt cọp được bện bằng thân cây sót, một loại dây leo có quả to bằng đốt ngón tay. Để dệt nên tấm lưới chắc chắn, có thể chịu đựng được sự vẫy vùng của con cọp khi sa lưới, người Thủy Ba chặt cây sót về, đập cho dập nát, đem ngâm vào hồ nước vôi cho đến khi chỉ còn lại một loại dây gai rất dai. Người dân se sợi sót này thành dây thừng to bằng ngón tay rồi đan thành lưới. Mắt lưới rộng 20 phân, triêng lưới luồn song mây mỗi tay dài khoảng 8 - 10 mét, cao 3,5 mét, nặng đến hai đòn khiêng.

Ông Hề từng có thời gian làm công tác văn hóa ở địa phương nên thuộc rất nhiều thơ ca, hò, vè liên quan đến câu chuyện bắt cọp của người Thủy Ba. Lúc chia tay chúng tôi, ông trăn trở: Lâu lâu, có người tìm về nghe kể chuyện người Thủy Ba bắt cọp mà thấy vui trong bụng. Không biết mai này chuyện bắt cọp có còn ai kể lại cho con cháu cùng nghe…

Đây không chỉ là trăn trở của riêng ông. Vì những người già rồi cũng sẽ về trời. Bụi thời gian rồi cũng phủ mờ năm tháng. Để “nghề” bắt cọp nổi tiếng một thời của người dân Thủy Ba không bị lãng quên theo thời gian, thiết nghĩ nên chép lại những câu chuyện được truyền miệng từ lớp người đi trước như ông Hề, ông Thọ… để lưu giữ lại như một “truyền thuyết” của làng. Hoặc tái hiện bằng hình ảnh trong phòng truyền thống, bên cạnh tấm lưới bắt cọp để nhắc lớp trẻ nhớ về một “nghề” độc đáo của người dân Thủy Ba xưa, cũng như sự thông minh, sáng tạo của cha ông đi trước trong cuộc chiến với thú dữ để bảo vệ cuộc sống bình yên cho người dân.

Hoài Nam

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=74&modid=421&itemid=164666&title=ve-thuy-ba-nghe-ke-chuyen-bat-cop%E2%80%A6