Vệ tinh của Elon Musk bị tố 'chặn' việc quan sát vũ trụ của kính thiên văn

Theo các nhà nghiên cứu ở Hà Lan, sóng vô tuyến từ mạng lưới vệ tinh Starlink ngày càng phát triển của tỷ phú Elon Musk đang cản trở khả năng quan sát vũ trụ của các nhà khoa học.

Họ cho biết, thế hệ vệ tinh Starlink mới cung cấp Internet tốc độ cao trên toàn thế giới đang gây nhiễu các kính thiên văn vô tuyến nhiều hơn so với các phiên bản trước đó.

Theo Viện Thiên văn vô tuyến Hà Lan (ASTRON), hàng nghìn vệ tinh quay quanh đang làm kính viễn vọng vô tuyến “chói mắt” và có thể cản trở việc nghiên cứu thiên văn.

SpaceX, công ty sở hữu Starlink chưa đưa ra phản hồi trước nghiên cứu này. Các vệ tinh của công ty cung cấp Internet băng thông rộng trên khắp thế giới, thường phủ đến những nơi xa xôi, bao gồm cả những môi trường đầy thách thức như Ukraine và Yemen.

Chúng cũng được sử dụng để kết nối các vùng xa xôi của Vương quốc Anh với Internet tốc độ cao. Theo Bộ Kỹ thuật số, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao Anh vào năm 2022, các thử nghiệm cho thấy Starlink có thể cung cấp tốc độ Internet nhanh hơn gấp 4 lần so với mức trung bình. Nhưng các nhà thiên văn học nói rằng điều này phải trả giá.

Giáo sư Jessica Dempsey - Giám đốc ASTRON nhấn mạnh với BBC: “Thiết bị (vệ tinh) này được phóng với mức nhiều như vậy, ảnh hưởng đến việc quan sát bầu trời của các kính thiên văn”.

"Chúng tôi đang cố gắng quan sát những thứ như dòng tia phát ra từ các lỗ đen ở trung tâm các thiên hà. Chúng tôi cũng đang quan sát một số thiên hà sớm nhất, cách xa hàng triệu triệu năm ánh sáng, cũng như các ngoại hành tinh" – bà cho hay, đồng thời chỉ rõ các khu vực mà bức xạ vệ tinh đang ảnh hưởng.

Các vệ tinh trong hệ thống Starlink trên bầu trời đêm - Ảnh: Getty

Các vệ tinh trong hệ thống Starlink trên bầu trời đêm - Ảnh: Getty

Sự can thiệp từ các vệ tinh thế hệ thứ hai, hay V2, được ASTRON nhận thấy mạnh hơn 32 lần so với thế hệ đầu tiên.

Giáo sư Dempsey thông tin, lượng bức xạ phát ra vượt quá quy định do Liên minh Viễn thông quốc tế đặt ra.

Một ước tính cho thấy có 6.402 vệ tinh Starlink hiện đang ở trên quỹ đạo cách Trái đất khoảng 342 dặm (550 km), khiến Starlink trở thành nhà cung cấp lớn nhất cho đến nay.

Các vệ tinh tương đối lớn - với các tấm phẳng dài 3m và tấm năng lượng mặt trời dài 8m để cung cấp năng lượng.

Đối thủ chính của SpaceX, OneWeb, có ít hơn 1000 vệ tinh. Nhưng đó là một lĩnh vực kinh doanh đang phát triển. Amazon đang phát triển mạng lưới riêng của mình và hy vọng sẽ ra mắt ít nhất 3.000 vệ tinh trong mạng lưới trong vài năm tới.

Đến năm 2030, số lượng vệ tinh trên quỹ đạo dự kiến sẽ vượt quá 100.000.

Nghiên cứu được thực hiện bằng kính viễn vọng vô tuyến LOFAR ở Hà Lan vào một ngày duy nhất vào tháng 7 đầu năm nay.

Nhiều vật thể trong không gian, bao gồm các thiên hà và hành tinh xa xôi, phát ra ánh sáng trên phổ điện từ.

Bức xạ này truyền đi như sóng và kính viễn vọng vô tuyến có thể thu được những sóng đó, cho phép chúng ta chụp được hình ảnh của những thứ mà mắt chúng ta không thể nhìn thấy.

Nhưng những sóng đó đang bị vệ tinh làm phiền. Các nhà khoa học đã tìm thấy bức xạ điện từ ngoài ý muốn từ hầu hết các vệ tinh V2 Starlink được quan sát.

Mô phỏng hệ thống vệ tinh trên quỹ đạo tầm thấp của Trái đất - Ảnh: Getty

Mô phỏng hệ thống vệ tinh trên quỹ đạo tầm thấp của Trái đất - Ảnh: Getty

Họ nói rằng nó sáng hơn khoảng 10 triệu lần so với những nguồn ánh sáng yếu nhất được xác định.

Các nhà khoa học cũng lo lắng về tình trạng ô nhiễm ánh sáng từ các vệ tinh và lo ngại nó cũng ảnh hưởng đến kính thiên văn quang học.

Các nhà thiên văn học cho biết họ đã nói chuyện với SpaceX về bức xạ từ thế hệ vệ tinh đầu tiên và công ty đã lắng nghe những lo ngại của họ.

Anh Duy

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/quoc-te/chuyen-bon-phuong/ve-tinh-cua-ty-phu-elon-musk-dang-chan-tam-nhin-vu-tru_167476.html