Vệ tinh Hàn Quốc lần đầu tham gia sứ mệnh của NASA trên mặt Trăng
Theo phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc, một vệ tinh nhỏ (CubeSat) của Hàn Quốc sẽ ra mắt trên tàu Artemis II trong sứ mệnh thám hiểm Mặt Trăng có người lái của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA).

KASA đã ký một thỏa thuận triển khai với NASA để đưa CubeSat của Hàn Quốc, có tên là "K-RadCube", lên tàu Artemis II. Ảnh: Yonhap
Theo đó, đây sẽ là lần đầu tiên một vệ tinh của Hàn Quốc tham gia chương trình Artemis. Cục Hàng không Vũ trụ Hàn Quốc (KASA) ngày 9/5 cho biết KASA đã ký một thỏa thuận triển khai với NASA để đưa CubeSat của Hàn Quốc, có tên là "K-RadCube", lên tàu Artemis II. Theo thỏa thuận, NASA sẽ hỗ trợ tích hợp vệ tinh vào Artemis II. KASA có kế hoạch hoàn tất quá trình phát triển và chứng nhận bay của vệ tinh vào tháng 7 tới và chuyển giao cho NASA để tích hợp.
KASA, đang phát triển tàu đổ bộ lên Mặt Trăng với mục tiêu phóng vào năm 2033, hy vọng việc triển khai vệ tinh sẽ dẫn đến sự hợp tác chặt chẽ hơn với NASA, bao gồm cả khả năng phát triển chung các công nghệ tàu đổ bộ lên Mặt Trăng và hệ thống ứng dụng cho các tàu sứ mệnh thám hiểm có người lái.
Artemis II có mục tiêu đưa 4 phi hành gia bay quanh Mặt Trăng và trở về Trái Đất. K-RadCube sẽ bay trên tàu và theo dõi môi trường bức xạ không gian.
Artemis là chương trình thám hiểm Mặt Trăng có người lái đầu tiên của Mỹ sau hơn 50 năm kể từ các tàu sứ mệnh thám hiểm Apollo. Được đặt theo tên của nữ thần Mặt Trăng của Hy Lạp và là “chị em sinh đôi” của Apollo, chương trình thám hiểm này ngày càng phức tạp hơn qua từng giai đoạn. Artemis I, được phóng vào năm 2022, đã mang theo các ma-nơ-canh được trang bị cảm biến vào quỹ đạo Mặt Trăng và trở về an toàn. Artemis III, dự kiến sau năm 2027, sẽ tìm cách đưa con người lần đầu tiên xuống cực Nam của Mặt Trăng.
K-RadCube là một vệ tinh hình khối 19 kg (41 pound) sẽ quay quanh Trái Đất theo quỹ đạo hình elip cao, từ 100 - 200 km ở điểm gần nhất và lên đến 70.000 km ở điểm cao nhất. Nhiệm vụ này được thiết kế để theo dõi bức xạ trong vành đai Van Allen của Trái Đất và đánh giá tác động đối với các phi hành gia, cũng như hiệu suất của chip nhớ bán dẫn trong không gian.
Vệ tinh sẽ được lắp đặt trong Bộ chuyển đổi giai đoạn Orion — một thành phần liên kết Hệ thống phóng không gian (SLS) của NASA với tàu vũ trụ có người lái Orion. Vệ tinh sẽ được triển khai ở độ cao khoảng 36.000 km, bắt đầu triển khai các tấm pin Mặt Trời 2 giờ sau khi phóng và bắt đầu kiểm soát tư thế thiết bị trong không gian. Sau khi ổn định, K-RadCube sẽ thực hiện các phép đo bức xạ trong khoảng 28 giờ, với khả năng kéo dài nhiệm vụ lên đến hai tuần tùy thuộc vào điều kiện của vệ tinh.
Kang Kyung In, người đứng đầu bộ phận thám hiểm khoa học không gian của KASA cho biết: "Dữ liệu khoa học do vệ tinh thu thập sẽ được chia sẻ với các nhà nghiên cứu và dự kiến sẽ đóng vai trò quan trọng trong hoạt động thám hiểm không gian sâu quốc tế trong tương lai".
NASA ban đầu đề xuất vào tháng 10/2023 để đưa CubeSat từ các đối tác chương trình lên tàu Artemis II. Hàn Quốc đã bày tỏ ý định tham gia và Bộ Khoa học và Công nghệ Thông tin - Truyền thông (MSIT) đã bắt đầu chuẩn bị cho nhiệm vụ. Tuy nhiên, ngân sách khoảng 7 tỷ won (5 triệu USD) đã không được Quốc hội thông qua, buộc Hàn Quốc phải rút lui và gây ra sự chỉ trích của công chúng vì đã bỏ lỡ cơ hội đưa vệ tinh đến gần Mặt Trăng.
Dự án đã được hồi sinh sau khi vụ phóng Artemis II bị hoãn lại, tạo cho Hàn Quốc một cơ hội khác để tham gia vào chương trình không gian này.