Về trong lòng dân

Bài 2: Sắc áo xanh Công an nơi biên cương GariXã biên giới Gari nằm ở độ cao 1.300 m so với mực nước biển, là địa bàn hiểm trở, khó khăn nhất của huyện miền núi Tây Giang (Quảng Nam). Trước khi được điều động về Công an xã Gari nhận nhiệm vụ, Đại úy Tống Văn Ân từng là cán bộ Cục Xuất nhập cảnh, Bộ Công an. Kể từ khi về Gari, Ân đã khắc phục khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ, được bà con cơ sở yêu mến, đùm bọc. Hình ảnh cán bộ Công an sâu sát, tận tụy phục vụ người dân đã để lại thiện cảm lớn trong lòng bà con.

Công an xã Gari về tận nhà dân hỗ trợ làm các thủ tục.

Công an xã Gari về tận nhà dân hỗ trợ làm các thủ tục.

Khi lính Bộ về thôn

Cho đến giờ, Ân vẫn không quên được cảm giác “ớn lạnh” khi lần đầu đến Gari cuối năm 2021, trên con đường đất bùn trơn trượt, nhiều điểm sạt lở, bên núi cao bên vực sâu, quanh co, khúc khuỷu. Là xã biên giới dân số thưa thớt, địa bàn rộng, bà con lại ở không tập trung, công tác quản lý địa bàn gặp nhiều khó khăn. Với chuyên môn của một cán bộ xuất nhập cảnh, Ân nhanh chóng nắm bắt tình hình vùng biên, hỗ trợ người dân trong việc giải quyết các thủ tục hành chính; tham mưu các giải pháp về quản lý con người, ngăn ngừa tình trạng xuất nhập cảnh trái phép. Đặc điểm ở xã biên giới Gari có một số người Lào đến buôn bán, làm ăn, lâu dần đã định cư tại địa phương… chưa thực hiện các thủ tục nhập tịch. Nắm được tình hình, Ân đã tận tình tư vấn, hỗ trợ bà con giải quyết những thủ tục, giấy tờ để thuận lợi trong quá trình sinh hoạt, lao động, đồng thời cũng nắm bắt thông tin về cộng đồng người Lào làm ăn, sinh sống tại đây. Đơn cử như trường hợp anh Nui Chăn từ Lào tới, kết hôn với chị Tangôn Thị Nhin, người đồng bào Cơ Tu đã được hỗ trợ nhập quốc tịch Việt Nam để thuận lợi an cư.

Ân cho biết, thời tiết ở Gari mưa gió thất thường, cứ chiều xuống là giông tố, sấm sét lại cúp điện, vì vậy Công an xã phải tranh thủ đêm hôm, cứ có điện là làm công văn, báo cáo, nhập dữ liệu dân cư, còn ban ngày về cơ sở, nắm bắt tình hình địa bàn. Cũng do địa bàn rộng, dân cư ở rải rác, do vậy để có thể đưa chủ trương, chính sách tiếp cận bà con nhanh nhất, Ân đã đề xuất tạo lập và quản lý trang facebook “Công an xã Gari”. Ân bảo, hiện các bạn trẻ Cơ Tu đang sử dụng điện thoại thông minh và mạng xã hội ngày càng nhiều, thông qua đó truyền đạt thông tin đến các hộ dân sẽ nhanh và hiệu quả, nhất là tình hình ANTT địa phương, nhất là các giải pháp phòng chống tội phạm, các thủ đoạn lừa đảo mới.

Bản thân Ân tâm huyết, dành nhiều thời gian sau giờ làm việc để cập nhật thông tin, tuyên truyền trên trang facebook của Công an xã phục vụ người dân. “Gần đây, trên mạng xuất hiện nhiều thủ đoạn lừa đảo mới rất tinh vi. Các bạn trẻ ở đây tiếp xúc với xã hội bên ngoài còn hạn chế, rất dễ mắc bẫy lừa đảo trên mạng. Vì thế, chúng tôi đã tập hợp các thủ đoạn lừa đảo, thiết kế thành những bài viết, hình ảnh minh họa dễ hiểu để tuyên truyền, giúp bà con cảnh giác”, Ân tâm sự. Cũng theo Ân, trang facebook của đơn vị có sự tương tác, thu hút sự quan tâm rất lớn của người dân trong xã. Có nhiều trang mạng xã hội không chính thống, đăng tải thông tin không được kiểm chứng, bà con không hiểu lại lên trang của Công an xã hỏi, Công an xã lại thu thập thông tin, giải đáp tận tình. Ân đơn cử, khi có nhóm người ngoài phía Bắc vào khai thác dược liệu trái phép, bà con hỏi thông tin rất nhiều và đã được Công an xã giải đáp, từ đó bà con hiểu, không tiếp tay cho nhóm người này. Tương tự, bà con rất quan tâm đến những thông tin về làm căn cước, do thời gian, phương tiện đi lại ở miền núi rất khó khăn.

Đại úy Tống Văn Ân đến tận nhà dân hướng dẫn kích hoạt mã định danh điện tử.

Đại úy Tống Văn Ân đến tận nhà dân hướng dẫn kích hoạt mã định danh điện tử.

Đi dân nhớ, ở dân thương

Gari là địa bàn xa xôi, hiểm trở nhất của huyện biên giới Tây Giang, nơi có 95% là người đồng bào dân tộc Cơ Tu sinh sống. Những năm trước, để làm được các giấy tờ tùy thân, bà con nơi đây phải trải qua chặng đường cực nhọc mới về được đến trung tâm huyện. Chị Pơloong Thị Nga xã Gari cho biết, trước đây xuống huyện làm giấy tờ rất tốn kém, riêng tiền thuê xe máy cũng hết 4-5 trăm ngàn đồng, chưa kể tiếng phổ thông hạn chế, thủ tục phức tạp, rất khó khăn. Tuy vậy, từ khi Công an chính quy về xã, đặc biệt lại được tăng cường cán bộ có chuyên môn như Tống Văn Ân trong lĩnh vực này từ cơ quan của Bộ Công an về, việc làm giấy tờ tùy thân, căn cước… với bà con ở đây đã thuận lợi rất nhiều.

Qua thời gian “ba cùng” tại xã biên giới, thấu hiểu được những vất vả của bà con, đồng thời thấy rõ tầm quan trọng, tính cấp thiết của việc triển khai làm căn cước công dân và đăng ký tài khoản định danh điện tử, Ân cùng cán bộ Công an xã đã tận tình, đến tận nhà bà con để hỗ trợ. Già làng BRiu Pênh tâm sự, bây giờ Công an chính quy đã về tận xã, những thủ tục với người dân được giải quyết tại chỗ, bà con đỡ vất vả hơn nhiều. Có những người già, không có con cái, Công an xã xuống tận nhà chở lên trung tâm xã để hỗ trợ làm các thủ tục. Nhiều bà con còn khó khăn, chỉ lúc bán nông sản được mới có kinh phí, nhưng Công an xã đã hỗ trợ, bỏ tiền túi ra giúp. Sự gần gũi, tận tâm của lực lượng Công an xã khiến bà con Cơ Tu ở đây có cảm giác thân quen như người nhà.

Xây dựng được mối liên hệ mật thiết với già làng và bà con địa phương, trong 2 năm điều động về xã biên giới Gari, Tống Văn Ân đã phát huy được năng lực, sở trường của mình, góp phần tạo nên những thay đổi cho vùng đất còn nhiều khó khăn này. Phó trưởng Công an xã Gari Hôíh Đưu chia sẻ, từ khi về đây, Ân đã tham mưu nhiều giải pháp trong quản lý cư dân, nắm địa bàn, tuyên truyền vận động nhân dân. Nhờ đó, thời gian qua địa bàn Gari không xảy ra điểm nóng về ANTT, là 1 trong những xã về đích đầu tiên trong thực hiện Đề án 06 của huyện.

Giờ đây, những ngày mưa gió, mất điện, mạng internet bị cắt, đường sá sạt lở, ăn vội gói mì tôm… để kịp xuống các thôn làng xa xôi đã trở thành nếp sinh hoạt quen thuộc với Tống Văn Ân và cũng thành những kỷ niệm đẹp không thể nào quên với người chiến sĩ Công an này.

HẢI QUỲNH (còn nữa)

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/ve-trong-long-dan-post283594.html