Về Vị Xuyên - Hà Giang để nối liền mạch kể

Một sáng tháng Tư, dưới cơn mưa phùn, những người làm báo Lâm Đồng đến viếng Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên. Chúng tôi lặng lẽ cúi đầu trước hàng hàng bia mộ chưa có tên người, hàng nghìn linh hồn chiến sỹ chưa xác định tên tuổi vẫn nằm lại, hóa thân vào đất mẹ.

“Nơi mà cái chết luôn cận kề”

Trận chiến Vị Xuyên diễn ra từ năm 1984 đến 1989, là một trong những cuộc chiến khốc liệt và kéo dài nhất sau năm 1979. Những địa danh, những mỏm đồi mang tên Cối Xay Thịt, Lò Vôi Thế Kỷ, Thác Gọi Hồn, Ngã Ba Cửa Tử đã nói lên sự ác liệt kinh hoàng của cuộc chiến này ...

Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên. Ảnh: CTV

Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên. Ảnh: CTV

Địa bàn chủ yếu là các điểm cao chiến lược như 1509, 1100, 772, 685, Đồi Đài, Cô Ích… nằm ở khu vực xã Thanh Thủy và xã Thanh Đức (huyện Vị Xuyên). Trong suốt nhiều năm, từng mét đất, từng khe suối, từng đỉnh núi nơi đây là nơi các chiến sỹ của ta phải giành giật, giữ từng tấc biên cương của Tổ quốc. Theo số liệu từ Bộ Quốc phòng, đã có hơn 4.000 chiến sỹ hy sinh, hàng nghìn người bị thương, nhiều người đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt. Tại Nghĩa trang Liệt sỹ Vị Xuyên hiện có một ngôi mộ tập thể và gần 2.000 ngôi mộ, trong đó phần lớn là mộ chưa xác định danh tính. Chỉ biết rằng: Họ là những Anh hùng - những Anh hùng xả thân vì đất nước!.

Chiến tranh lùi xa, nhưng những ký ức từ những trang báo hừng hực về những năm tháng bi hùng đó thì vẫn còn nguyên vẹn. Vị Xuyên vì thế không chỉ là địa danh, mà là biểu tượng của lòng quả cảm, của sự hy sinh và của hồn thiêng sông núi.

Những mùa hoa trên mộ đá

Đoàn chúng tôi đến Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên vào một sáng tháng Tư, không gian mờ ảo bởi những cơn mưa phùn. Đây là nơi yên nghỉ của gần 2.000 liệt sỹ và một mộ tập thể các liệt sỹ đã hy sinh trong cuộc chiến đấu can trường “Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá thành bất tử” để bảo vệ biên giới phía Bắc..

Một mộ Liệt sỹ chưa xác định được thông tin tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên. Ảnh: CTV

Một mộ Liệt sỹ chưa xác định được thông tin tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên. Ảnh: CTV

Ở giữa khu nghĩa trang là đài tưởng niệm. Từ đây nhìn ra xa, những hàng mộ liệt sỹ xếp thẳng tắp như đội hình ra trận. Mỗi ngôi mộ là một câu chuyện. Có mộ chỉ khắc dòng chữ “Liệt sỹ chưa xác định danh tính”, có mộ khắc quê hương tận Hà Tĩnh, Quảng Trị, Nghệ An, Thanh Hóa - những nơi đã tiễn con mình lên biên giới và không bao giờ thấy trở về.

Hôm đoàn tôi đến, vô tình gặp một người phụ nữ mà tôi chưa kịp hỏi tên, chỉ biết rằng chị ấy đến từ Thanh Hóa, chị đặt bó hoa lên mộ liệt sỹ rồi nói với tôi: “người thân của chị đã hy sinh ở đây, nhưng đến giờ vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Gia đình coi đây là nơi an nghỉ của cháu”.

Không ai bị lãng quên

Nhiều năm qua, tỉnh Hà Giang và Bộ Tư lệnh Quân khu 2 đã phối hợp tổ chức nhiều đợt quy tập hài cốt liệt sỹ. Đội tìm kiếm thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh vẫn ngày ngày lội rừng, đào đất để lần tìm dấu tích. Việc quy tập rất gian nan vì địa hình hiểm trở và đã đổi khác đi nhiều.

Tôi đã nghe Cựu chiến binh Nguyễn Văn Tráng (quê Nam Định), từng chiến đấu tại cao điểm 685, kể lại trên báo chí rằng: “Chúng tôi ngày ấy không nghĩ mình sẽ sống. Ăn ngủ trong hầm đá, bom pháo nổ suốt ngày đêm, nhiều đồng đội ngã xuống mà không mang về được. Có người giờ vẫn nằm đâu đó trong rừng”.

Đài tưởng niệm cac Anh hùng trên điểm cao 468. Ảnh: CTV

Đài tưởng niệm cac Anh hùng trên điểm cao 468. Ảnh: CTV

Năm 2017, một công trình tưởng niệm mang tên “Thánh đường liệt sỹ Vị Xuyên” đã được khởi công tại khu vực Cửa khẩu Thanh Thủy. Đây là điểm đến tâm linh để người dân, du khách và thân nhân liệt sỹ tưởng niệm những người đã hy sinh. Công trình như một lời khẳng định: Những anh hùng không bị lãng quên.

Địa chỉ đỏ của lòng yêu nước

Nhiều trường học, đoàn thể, thanh niên khắp nơi trong cả nước đã chọn Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên là điểm đến trong các Chương trình “về nguồn”. Những buổi lễ dâng hương, thắp nến tri ân được tổ chức hằng năm vào dịp 27/7 và các ngày lễ lớn của đất nước. Hôm đoàn nhà báo Lâm Đồng chúng tôi đến, trước đó có đoàn học sinh phổ thông cũng đến dâng hương tưởng niệm và tri ân.

Cô giáo, phụ trách đoàn học sinh nói vội với chúng tôi rằng: “Chúng tôi muốn các em học lịch sử phải đến tận nơi, đứng trước những nấm mộ này, các em mới hiểu thế nào là chiến tranh, mới hiểu thế nào là hy sinh mất mát và đau thương, từ đó các em mới biết trân quý hòa bình”. Cháu Bình, học sinh lớp 7 trả lời nhanh câu hỏi của tôi. Cháu thắp hương hương chưa? Dạ rồi ạ; cháu có hứa gì không? Có ạ, cháu thương các cô, các chú ấy, cháu ghét chiến tranh, cháu hứa học tập thật tốt ạ.

Những ngôi sao trên bầu trời miền biên viễn

Ngày nay, Vị Xuyên không chỉ là điểm du lịch lịch sử, mà còn là biểu tượng cho tinh thần kiên cường của quân dân đất Việt. Hơn 4.000 người con đã nằm lại vùng đất này - đất nước luôn ghi nhớ, dân tộc luôn ghi nhớ; họ là những Anh hùng - “những ngôi sao lặng lẽ” trên bầu trời biên giới từ hôm qua, hôm nay và mãi mãi.

Về Vị Xuyên - Hà Giang hôm nay không chỉ là về với quá khứ hào hùng mà với chúng tôi - những người làm báo tỉnh Lâm Đồng về còn để nối liền mạch kể về câu chuyện của những con người Anh hùng ở vùng đất Anh hùng; những con người ngã xuống để Việt Nam trường tồn, xốc tới hôm qua, vươn lên hôm nay và ngày mai.

Xin kính cẩn, cúi đầu trước anh linh những anh hùng miền cực Bắc của Tổ quốc: Vị Xuyên - Hà Giang.

Văn Tòa

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202504/ve-vi-xuyen-ha-giang-de-noi-lien-mach-ke-7587d52/