Về với Ðông Bắc...

Có những chuyến đi không chỉ là dịch chuyển giữa những địa danh, mà là hành trình đánh thức mọi giác quan, khiến trái tim bồi hồi và để lại dư âm rất lâu trong tâm trí. Với tôi, một người con từ vùng đất cuối trời Tổ quốc, chuyến hành trình được tham gia cùng đoàn tham quan, đặt chân đến Ðông Bắc vừa qua chính là một trải nghiệm quý giá như thế.

Từ Cà Mau, chúng tôi di chuyển lên Cần Thơ tập hợp đoàn, đón chuyến bay tới Nội Bài (Hà Nội), từ đó đi Hà Giang, di chuyển qua Cao Bằng, rồi về lại Lạng Sơn. Mỗi điểm dừng chân là một nốt nhạc trong bản hòa tấu mang tên "Ðông Bắc". Chuyến đi lần này không phải là lần đầu tôi ra Bắc, nhưng là lần đầu tôi thực sự chạm đến Ðông Bắc, bằng cả đôi chân, ánh mắt và trái tim.

Tôi vẫn nhớ cảm giác lần đầu tiên đặt chân đến Hà Giang, nơi mây lững lờ trên những dãy núi trùng điệp. Càng đi sâu, càng lên cao, tôi càng thấy mình nhỏ bé giữa thiên nhiên vĩ đại, nhưng lại lớn dần về tâm tưởng, bởi từng cảnh vật, từng không gian đều gợi lên niềm tự hào sâu sắc về dải non sông hùng vĩ của đất nước mình.

Ðèo Mã Pì Lèng, nơi hội tụ giữa độ cao, sự hiểm trở và vẻ đẹp hùng vĩ, được ví như “nóc nhà” của con đường Hạnh Phúc.

Ðèo Mã Pì Lèng, nơi hội tụ giữa độ cao, sự hiểm trở và vẻ đẹp hùng vĩ, được ví như “nóc nhà” của con đường Hạnh Phúc.

Chúng tôi bắt đầu hành trình từ TP Hà Giang, băng qua Quản Bạ. Dừng chân ở cổng trời Quản Bạ, ngắm toàn cảnh thung lũng trải dài bên dưới, tôi thấy lòng mình dịu lại, bao bận bịu, lo toan dường như tan biến cùng làn gió núi mát lành. Ðiểm đến tiếp theo là Yên Minh, Mèo Vạc, Ðồng Văn... mỗi nơi một vẻ, nhưng đều làm tôi thổn thức. Ðồng Văn như một cổ trấn giữa lòng núi rừng, với những ngôi nhà trình tường màu đất đỏ, những khung cửa sổ xanh bạc thời gian, và đặc biệt là chợ phiên, nơi người Mông, người Dao, người Tày... tụ họp, rộn ràng trong tiếng nói cười.

Nhưng có lẽ, đọng lại cảm xúc mạnh trong tôi chính là lúc đặt chân lên đỉnh Mã Pì Lèng, một trong “Tứ đại đỉnh đèo” của Việt Nam. Khi đứng trên con đường Hạnh Phúc nhìn xuống dòng Nho Quế, thời khắc này cảm nhận thật rõ ràng ý nghĩa thiêng liêng của một hành trình xây dựng con đường không chỉ có mồ hôi, công sức, mà còn cả máu, nước mắt và cả sự hy sinh của bao thanh niên xung phong thế hệ cha anh đã vật lộn với biển đá xám để mở đường. Ðó không chỉ là một kỳ tích kỹ thuật, mà là biểu tượng của ý chí con người chinh phục thiên nhiên khắc nghiệt.

Em bé dân tộc H'Mông tại đèo Mã Pì Lèng với nụ cười tươi sáng và trang phục truyền thống.

Em bé dân tộc H'Mông tại đèo Mã Pì Lèng với nụ cười tươi sáng và trang phục truyền thống.

Rồi chúng tôi đến Lũng Cú, nơi đặt cột cờ thiêng liêng của Tổ quốc. Ðứng nơi điểm cực Bắc, nhìn Quốc kỳ bay phấp phới trên đỉnh cột cờ, tôi bỗng thấy đôi mắt cay cay. Là người con cực Nam, nay đứng ở điểm đầu đất nước, tôi cảm nhận được trọn vẹn dáng hình đất nước - dáng hình chữ S kiên cường, vững chãi.

Rời Hà Giang trong làn mây bảng lảng sớm mai, chúng tôi tiếp tục men theo những cung đường ngoằn ngoèo giữa đại ngàn để đến với Cao Bằng, vùng đất không chỉ nổi danh với phong cảnh nên thơ, mà còn là nơi lưu giữ bao dấu tích hào hùng của lịch sử cách mạng.

Khác với Hà Giang hùng vĩ, Cao Bằng mang một vẻ đẹp mềm mại, trầm lặng và sâu lắng với những cung đường vòng vèo xuyên qua các thung lũng xanh mướt, những dòng suối trong veo uốn lượn giữa núi rừng. Chúng tôi đến với Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, nơi Bác Hồ đã từng sống, làm việc sau ngày trở về từ nước ngoài. Ðứng trước suối Lê Nin, ngắm núi Các Mác in bóng xuống mặt nước xanh ngắt, tôi xúc động nghẹn ngào. Mọi thứ ở đây giản dị đến bất ngờ: Chiếc lán nhỏ giữa rừng, bàn làm việc ghép bằng tre, những bậc đá Bác từng đi qua... Không cần lời thuyết minh dài dòng, chính không gian thanh tịnh và khí thiêng của núi rừng như kể cho tôi nghe câu chuyện về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác kính yêu - một người cộng sản vĩ đại của dân tộc.

Một ấn tượng đặc biệt nữa: Giữa biên giới Việt - Trung, thác Bản Giốc đổ xuống từng tầng trắng xóa như dải lụa trời, âm thanh vang vọng khắp núi rừng như khúc hát của đất trời. Ðứng giữa biên giới không ranh giới, tôi thấy lòng mình lặng đi. Bản Giốc không chỉ là món quà vô giá của thiên nhiên ban tặng cho mảnh đất này, mà là biểu tượng của sự hòa bình, của tình hữu nghị giữa hai đất nước.

Cao Bằng, với tôi, là bản hòa ca của thiên nhiên, lịch sử và con người, một nơi mà mỗi tấc đất đều thấm đẫm tinh thần dân tộc, nơi mỗi ngọn cây, mỗi giọt nước đều như muốn thì thầm với bạn một điều gì đó về lòng yêu nước, về cội nguồn và niềm tự hào Việt Nam.

Về lại Lạng Sơn, phố núi vùng biên đón chúng tôi bằng những làn sương mỏng manh phủ khắp núi đồi, bằng tiết trời se lạnh dịu dàng. Dạo bước men theo núi Tam Thanh, động Nhị Thanh, tôi không khỏi trầm trồ trước vẻ đẹp vừa thiên nhiên, vừa tâm linh của nơi này. Những bậc đá cổ rêu phong, những khối thạch nhũ óng ánh trong lòng hang động như kể lại bao câu chuyện lịch sử về một vùng đất từng là “lá chắn” phương Bắc của Tổ quốc.

Giữa không gian rực nắng ở Lũng Cú, hình ảnh những người phụ nữ dân tộc Mông, Lô Lô bên những chiếc khăn thổ cẩm, nải chuối rừng hay bát thắng cố... tạo nên nét đặc trưng riêng của miền biên cương.

Giữa không gian rực nắng ở Lũng Cú, hình ảnh những người phụ nữ dân tộc Mông, Lô Lô bên những chiếc khăn thổ cẩm, nải chuối rừng hay bát thắng cố... tạo nên nét đặc trưng riêng của miền biên cương.

Lạng Sơn cũng là miền đất của giao thương và hội tụ văn hóa. Trong buổi tối se lạnh, bên ly cà phê ấm, chúng tôi ngồi quây quần bên quán cà phê nhỏ ven đường nghe những câu chuyện về những mùa hoa hồi, hoa mận, về phiên chợ Kỳ Lừa, về tình người vùng biên... Tôi thấy nơi đây không chỉ là biên giới, mà còn là ngôi nhà lớn, nơi mỗi người đều có phần trong đó bằng văn hóa, bằng ký ức, bằng sự hòa hợp dân tộc bền bỉ qua bao thế hệ. Lạng Sơn, vùng đất như một chiếc cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa núi rừng và phố thị, giữa tình người và tình quê.

Chuyến đi đã khép lại, không chỉ có kỷ niệm đẹp với đoàn đi suốt hành trình, mà tôi còn mang về cho riêng mình một hành trang đầy cảm xúc của ký ức in dấu những tầng mây nơi Mã Pì Lèng, thanh âm ngân nga của thác Bản Giốc, cả ánh mắt ấm áp của người Lạng Sơn hôm tiễn khách rời đi... Hãy một lần đến Ðông Bắc để thấy thêm yêu đất nước mình bao la, rộng lớn!

Hoàng Vũ

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/ve-voi-dong-bac--a38889.html