Về vùng đất biên cương xem hội Ná Nhèm
Lạng Sơn là mảnh đất biên cương của Tổ quốc còn in đậm dấu ấn văn hóa truyền thống của các dân tộc ở Việt Nam, với nhiều dân tộc sinh sống như Nùng, Tày, Kinh, Dao..., cùng với đó là những nét phong tục tập quán và lễ hội rất độc đáo, trong đó có Lễ hội Ná Nhèm của người Tày tại đình làng Mỏ, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn. Đây là lễ hội có nhiều nét độc đáo, mới lạ và duy nhất ở Việt Nam với tục hóa trang, bôi mặt nhọ để diễn trò; sử dụng mô hình sinh thực khí nam (tiếng Tày gọi là tàng thinh) và sinh thực khí nữ (mặt nguyệt)...

Lễ hội Ná Nhèm được tổ chức vào ngày 15 tháng Giêng hàng năm tại đình làng Mỏ. Ảnh: Quốc Phong
Đặc sắc lễ hội
Lễ hội Ná Nhèm là lễ hội truyền thống được tổ chức vào ngày 15 tháng Giêng hàng năm. Lễ hội là nghi lễ thờ cúng Thành hoàng, Đức thánh Cao Sơn - Quý Minh, thờ Đức vua Miêu Tĩnh, Đức vua Cao Quyết gắn liền với sự tích đánh giặc giữ làng và các hoạt động văn hóa, các trò chơi, trò diễn của người Tày, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn.
Theo truyền thuyết của người Tày, lễ hội này chứa đựng câu chuyện lịch sử bi thương, có nhiều thông điệp ẩn về con cháu nhà Mạc và khát vọng về sự khôi phục Vương triều thời kỳ hậu Cao Bằng (1677). Sinh thực khí nam (tàng thinh) và sinh thực khí nữ (mặt nguyệt) trong lễ hội được đem đi cung tiến cho Đức vua Tổ (Mạc Thái Tổ), mong đức vua che chở cho hai dòng họ Hoàng và họ Bế (vốn gốc Mạc)... không gặp phải họa tru di tam tộc, cửu tộc để từ đó, dòng họ được sinh sôi, nảy nở, trường tồn.
Lễ hội Ná Nhèm chỉ diễn ra vào ngày 15 tháng Giêng (âm lịch), nhưng các công việc chuẩn bị đã được tiến hành triển khai thực hiện từ trước đó khoảng 2 tuần. Từ mùng 1 Tết ở đình diễn ra lễ cúng Thành hoàng. Các cụ cao niên trong xã đã tổ chức họp và bàn giao khóa lềnh, khóa mo, khóa hội giữa năm cũ và năm mới. Sau đó bàn và chuẩn bị các công việc liên quan đến lễ hội như: thành lập Ban tổ chức, chuẩn bị kinh phí, nguồn nhân lực; phân công người đóng và luyện tập các vai diễn, chuẩn bị trang phục, đạo cụ, chuẩn bị lễ vật... và các điều kiện khác để phục vụ cho lễ hội. Tất cả mọi công việc phải chuẩn bị xong trước ngày rằm, trong đó, mỗi nhóm người tham gia đều quy định rõ số lượng và nội dung công việc khác nhau. Điều quan trọng nhất ở lễ hội này nằm là phần “lễ” với những nghi thức truyền thống thiêng liêng, còn phần “hội”, “rước” chỉ là phần minh họa.
Lễ hội Ná Nhèm có 3 điểm khác biệt so với các lễ hội khác: thứ nhất, đây là lễ hội dân gian duy nhất con cháu nhà Mạc được hô "vạn tuế" với vua tổ của mình. Thứ 2, đây là lễ hội duy nhất sử dụng mô hình khí giới như thật để diễn trò. Thứ 3, đây cũng là lễ hội duy nhất đem sinh thực khí nam nữ đi cúng vua.
Độc, lạ màn rước sinh thực khí
Theo tiếng Tày, "Ná Nhèm" được hiểu là mặt nhọ. Trong lễ hội, các thành viên bôi nhọ lên mặt, thể hiện khuôn mặt giặc “Sấc Tài Ngàn” khi còn sống. Đó cũng là quan niệm của đồng bào về linh hồn, thế giới tâm linh. Người tham dự lễ hội phải bôi nhọ mặt, bởi họ tin rằng, làm như thế sẽ đánh lạc hướng những linh hồn ma giặc, qua lễ hội sẽ không còn ma nào biết ai đã diễn lại hình dạng và sự thất bại của chúng trước dân làng mà bắt về gây tai họa, dịch bệnh cho họ cùng gia đình, người thân của họ. Lễ hội không chỉ thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc Việt Nam, mà còn thấm đượm tinh thần dân chủ và mang tính nhân văn sâu sắc.

Các chàng trai mặt bôi nhọ mô phỏng lại cảnh luyện binh, đánh giặc, đấu gươm của các binh sĩ thời xưa. Ảnh: Quốc Phong
Điểm đặc sắc của Lễ hội Ná Nhèm là màn rước sinh thực khí của người nam (tàng thinh) và sinh thực khí của người nữ (mặt nguyệt). Ý nghĩa của việc này là ước mong sinh sôi nảy nở, “con đàn cháu đống”, “đông cửa đông nhà”. "Tàng thinh" là thân gỗ lớn đẽo gọt tạo hình tượng trưng cho sinh thực khí nam, "mặt nguyệt" là biểu tượng cho bộ phận sinh nở của người phụ nữ. Khi "tàng thinh" và "mặt nguyệt" gặp gỡ nhau, giao hòa tạo nên sự bình an, ấm no, sinh sôi nảy nở.
Đi đầu các đoàn rước là hai viên chánh tướng và phó tướng, theo sau là các quân lính và hai bên là các lễ vật cung tiến bao gồm: Cây thiên tuế, tàng thinh, mặt nguyệt, nước và các loại cây giống. Phó tướng đi trước, tay cầm chổi vừa đi, vừa làm các động tác xua chổi dọn đường, chánh tướng và phó tướng phải kết hợp các động tác và bước chân đi sao cho thật uyển chuyển và nhịp nhàng. Hàng chục trai tráng khỏe mạnh trong làng được lựa chọn để đưa "tàng thinh" và "mặt nguyệt" đưa tới miếu Xa Vùn cách đình làng Mỏ khoảng 500m để làm lễ. Trên đường rước lễ, một số trai tráng sẽ mô phỏng lại cảnh luyện binh, đánh giặc, đấu gươm của các binh sĩ thời xưa.
Lễ hội Ná Nhèm là lễ hội với hình thức sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa cộng đồng, thể hiện quá trình giao lưu văn hóa lâu dài giữa người Tày và người Kinh, văn hóa Tày và văn hóa Trung Hoa. Hiện nay, sau hơn 50 năm gián đoạn, Lễ hội Ná Nhèm đã được khôi phục và tổ chức lại hàng năm để đáp ứng nhu cầu giao lưu, hưởng thụ văn hóa của nhân dân địa phương.
Năm 2015, Lễ hội Ná Nhèm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Trong khuôn khổ lễ hội diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian như: đánh đu, đánh cờ, tung còn, trò diễn sĩ - nông - công - thương, ngư - tiều - canh - mục và các trò chơi, trò diễn đặc sắc khác, tạo không khí vui tươi, phấn khởi những ngày đầu xuân mới.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/ve-vung-dat-bien-cuong-xem-hoi-na-nhem-post486745.html