Vẹn tình, trọn nghĩa với quê hương

Nhìn lại chặng đường 5 năm (2019-2024), phong trào thi đua 'Cựu chiến binh gương mẫu' huyện Trần Văn Thời đạt nhiều thành quả nổi bật. Những 'người lính năm xưa - cựu chiến binh hôm nay' tiếp tục cống hiến sức lực, đoàn kết, góp phần xây dựng quê hương phát triển.

Ghé thăm ngôi nhà rộng hơn 230 m2 đang xây dựng sắp hoàn thành, trị giá 3 tỷ đồng của ông Tám Lộ (Huỳnh Văn Lộ, 66 tuổi), ấp Ông Bích, xã Khánh Bình, nhiều người trầm trồ trước cơ ngơi đồ sộ, khang trang. Ðây là thành quả lao động cả đời của người cựu chiến binh (CCB).

Ngôi nhà khang trang đang trong quá trình hoàn thiện của CCB Huỳnh Văn Lộ.

Ngôi nhà khang trang đang trong quá trình hoàn thiện của CCB Huỳnh Văn Lộ.

Sinh ra trong gia đình đông anh chị em, ông Tám Lộ chọn con đường quân ngũ. Năm 1972, trong kháng chiến chống Mỹ, khi mới 14 tuổi, ông vào Trường Thiếu sinh quân (Quân khu 9) để học tập và được đào tạo cán bộ nguồn lâu dài cho cuộc kháng chiến, trở thành người lính quân giới.

Khi đất nước thống nhất, ông trở về gia đình lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Ông Lộ bộc bạch: “Khi lập gia đình, ra riêng, từ 3 công đất ruộng được cha mẹ cho, vợ chồng tôi vừa sản xuất lúa 2 vụ, nuôi mấy ao cá đồng, gà vườn, máy tuốt lúa, vừa dành dụm, tiết kiệm nên dần mua thêm được 12 công đất tầm lớn, hằng năm thu nhập trên 150 triệu đồng. Hai đứa con lớn lên học hành, lập gia đình ở riêng, làm ăn cũng khấm khá nên góp thêm để xây ngôi nhà cho cha mẹ khang trang, có nơi thờ cúng tổ tiên, ông bà”.

Ông Lộ tận dụng đất trống trồng cây ăn trái, hăng say lao động sản xuất.

Ông Lộ tận dụng đất trống trồng cây ăn trái, hăng say lao động sản xuất.

Cần cù lao động, ham học hỏi, nhiệt huyết, ông Lộ là đảng viên gương mẫu, là Chi hội trưởng Chi hội CCB ấp Ông Bích. Hơn 2 nhiệm kỳ qua, ông Lộ luôn sống, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, là tấm gương CCB sản xuất giỏi, tiêu biểu trong phát triển kinh tế gia đình, luôn nỗ lực khắc phục khó khăn, đi đầu trong các phong trào, hoạt động của Hội và địa phương, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Ông Lộ có nhiều đóng góp tích cực: hỗ trợ 10 triệu đồng sửa chữa Nhà Văn hóa ấp; tham gia tuyên truyền, vận động và trực chốt phòng, chống dịch Covid-19; cùng người thân đóng góp, hỗ trợ Bệnh viện Sản - Nhi mua máy nóng lạnh, máy điều hòa, trị giá 150 triệu đồng; vận động người dân cùng nâng cấp, xây dựng mở rộng lộ từ 1,5 m lên 2,5 m, do trên tuyến có những hộ khó khăn, ông Lộ hỗ trợ chung 200 triệu đồng để cùng hoàn thành con lộ, đáp ứng nhu cầu đi lại. Ông còn dũng cảm cùng người dân tham gia truy bắt 1 đối tượng cướp giật...

Ông Lộ chia sẻ: “Từng tham gia chiến đấu, chứng kiến những đau thương, mất mát, hy sinh của đồng đội; có được như ngày nay, mình phải ra sức gìn giữ, cống hiến, dù là điều nhỏ nhất. Tôi nhận thức cần phải cố gắng, nỗ lực và quyết tâm nhiều hơn nữa, góp phần xây dựng chi hội ngày càng vững mạnh. Tuyên truyền, vận động hội viên, Nhân dân tham gia, đóng góp cùng địa phương phát triển kinh tế - xã hội. Có gì góp nấy, góp công, góp của trong khả năng. Biết ơn, tự hào, nối tiếp truyền thống của thế hệ cha ông, đến thế hệ mình, giáo dục con cháu khắc ghi, gìn giữ và cố gắng phát huy, ra sức phấn đấu học tập, rèn luyện, lao động tốt để góp phần xây dựng quê hương ngày thêm phát triển”.

Ngoài ông Lộ, CCB Nguyễn Hoàng Triển (60 tuổi), Chi hội trưởng Chi hội CCB ấp Ðường Cuốc, xã Lợi An, cũng là tấm gương về tinh thần tuổi cao gương sáng, tự lực tự cường.

Sau giải phóng, theo tiếng gọi quân ngũ, ông Triển tham gia chiến đấu ở chiến trường biên giới Tây Nam, giúp nước bạn Campuchia từ năm 1983-1988. Có những thành tích nổi bật, ông được kết nạp Ðảng và là Ðại úy, Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn Lực lượng vũ trang huyện Trần Văn Thời. Năm 2000, ông được tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội CCB ấp Ðường Cuốc đến nay.

Ông may mắn hơn nhiều đồng đội khác là đến khi xuất ngũ vẫn còn lành lặn và còn sức khỏe, ông ra sức lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, tự vươn lên, không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Với 2 ha đất sản xuất, ông Triển nuôi quảng canh cải tiến 3 vụ tôm, 2 vụ cua, trong đó có 1 ha kết hợp trồng 1 vụ lúa; mỗi năm tổng thu nhập từ 250-300 triệu đồng. Nhờ đó, kinh tế gia đình ngày một khấm khá.

Ông Nguyễn Hoàng Triển duy trì mô hình chăn nuôi để tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.

Ông Nguyễn Hoàng Triển duy trì mô hình chăn nuôi để tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.

Ông Triển phấn khởi: “Mấy năm nay, từ khi chuyển dịch, được khoanh tiểu vùng, đường đê đắp cao, xây cống ngăn mặn giữ ngọt, nên vụ lúa đạt hiệu quả cao, năng suất 5,5 tấn/ha, tôi làm đường cho máy gặt đập liên hợp vào ruộng thu hoạch, giá lúa vụ vừa rồi được 9.200 đồng/kg, mang về trên 50 triệu đồng. Tôm, cua thì tôi học hỏi kinh nghiệm, nuôi theo 2 giai đoạn, mua con giống về dèo 15-20 ngày mới thả ra vuông nuôi, nên đạt đầu con, lớn nhanh, từ 3 tháng là đạt 20-25 con/kg”.

24 năm, với vai trò, trách nhiệm là Chi hội trưởng Chi hội CCB ấp, ông luôn sâu sát, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của hội viên, người dân. Chi hội CCB ấp Ðường Cuốc có 28 hội viên, hơn 10 năm nay đã xóa trắng hội viên nghèo, cận nghèo.

Tấm gương của Chi hội trưởng Chi hội CCB Nguyễn Hoàng Triển được con cháu trong gia đình và người thân noi theo. “Cuộc sống gia đình đã ổn định, nên nhiều năm, nhân dịp 27/7 và những ngày lễ, tôi và người thân trong gia đình thông qua UBND xã, trao tặng quà nhu yếu phẩm cho những hội viên CCB và người dân có hoàn cảnh khó khăn. Tổng trị giá các phần quà hơn 60 triệu đồng, lan tỏa tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết, san sẻ nhau. Tôi lập bàn thờ Bác trong nhà, thể hiện tấm lòng thành kính, “uống nước nhớ nguồn”, tri ân, ghi nhớ công lao của Bác đối với đất nước, quê hương, giáo dục con cháu học tập và noi theo”.

 Bên cạnh phát triển kinh tế gia đình, ông Triển chăm sóc cây cảnh, tuyến đường hoa nông thôn, làm đẹp đường làng ngõ xóm.

Bên cạnh phát triển kinh tế gia đình, ông Triển chăm sóc cây cảnh, tuyến đường hoa nông thôn, làm đẹp đường làng ngõ xóm.

Phát huy truyền thống, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, với tư duy đổi mới, năng động, dám nghĩ, dám làm, những thành quả, đóng góp tích cực của từng hội viên nói riêng, Hội CCB huyện Trần Văn Thời nói chung, luôn phát huy truyền thống “Trung thành - Ðoàn kết - Gương mẫu - Ðổi mới”. Trong đó, vai trò của Ban Chấp hành Hội CCB huyện, những chi hội trưởng luôn là “đầu tàu” thúc đẩy phong trào của Hội ngày càng đi lên mạnh mẽ.

Ông Phan Minh Hoàng, Chủ tịch Hội CCB huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Trong nhiệm kỳ này, Hội đã xóa 162 hộ hội viên nghèo, 77 hộ hội viên cận nghèo. Vận động quỹ Nhà đồng đội gần 1,1 tỷ đồng, quỹ Nấm mồ đồng đội hơn 1,9 tỷ đồng, xây 1.104 nấm mồ đồng đội. Hội chỉ đạo khởi công xây dựng 5 căn nhà Ðồng đội cho hội viên, mỗi căn trị giá 50 triệu đồng. Vận động nhà hảo tâm và gia đình hội viên xây dựng và bàn giao 113 căn nhà Ðồng đội, tổng trị giá hơn 9,3 tỷ đồng. Quỹ Ðền ơn đáp nghĩa 806 triệu đồng, quỹ Vì người nghèo 643 triệu đồng, quỹ Hỗ trợ thiên tai 377 triệu đồng. Ban Chấp hành Hội CCB huyện vận động cán bộ, hội viên đóng góp 102 triệu đồng hỗ trợ, tiếp sức đồng bào và hội viên CCB vượt qua đại dịch Covid-19”./.

Thảo Mơ

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/ven-tinh-tron-nghia-voi-que-huong-a32809.html