Vesak 2025: Tự do tôn giáo và hình ảnh một Việt Nam hội nhập, nhân văn

Từ Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025, thế giới nhìn nhận Việt Nam là quốc gia bảo đảm tự do tôn giáo, thúc đẩy đối thoại và lan tỏa giá trị hòa bình, nhân đạo.

Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 - sự kiện Phật giáo quốc tế lớn nhất thế giới - được tổ chức trọng thể tại TPHCM và tỉnh Bình Dương là cơ hội để Việt Nam khẳng định mạnh mẽ chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời, qua sự kiện này, Việt Nam thể hiện vai trò chủ động trong thúc đẩy đối thoại tôn giáo - văn hóa vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.

Với sự tham dự của nhiều đoàn đại biểu Phật giáo từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, Vesak 2025 không chỉ là ngày hội tâm linh toàn cầu mà còn là sự kiện chính trị - đối ngoại mang tầm vóc quốc tế, góp phần củng cố hình ảnh một Việt Nam hội nhập, nhân văn và năng động.

Biểu tượng của đối thoại liên tôn và hòa hợp toàn cầu

Với chủ đề "Giáo lý từ bi và hòa hợp của Đức Phật trong xây dựng thế giới nhân văn, hòa bình và bền vững", Vesak 2025 đã truyền tải thông điệp mạnh mẽ về đoàn kết nhân loại vượt qua khác biệt tín ngưỡng, sắc tộc.

Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 có sự tham dự của 1.300 đại biểu quốc tế đến từ 85 quốc gia, vùng lãnh thổ. Ảnh: Nguyễn Huế

Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 có sự tham dự của 1.300 đại biểu quốc tế đến từ 85 quốc gia, vùng lãnh thổ. Ảnh: Nguyễn Huế

Hàng nghìn đại biểu Phật giáo trong nước và quốc tế - trong đó có nhiều nguyên thủ, lãnh đạo các quốc gia, đại diện Liên Hợp Quốc đến từ 85 quốc gia, vùng lãnh thổ - và rất nhiều học giả, lãnh đạo tinh thần đã tham dự các hội thảo, nghi lễ và chương trình văn hóa đặc sắc tại TPHCM và tỉnh Bình Dương.

Điểm nhấn của Vesak 2025 không chỉ ở quy mô tổ chức mà còn nằm ở giá trị đối thoại sự kiện mang lại. Vesak trở thành diễn đàn uy tín để các tôn giáo, nền văn hóa và các quốc gia cùng chia sẻ quan điểm về đạo đức, môi trường, giáo dục, phát triển bền vững. Trong không khí trang nghiêm và hữu nghị, các đại biểu quốc tế đánh giá cao thiện chí và nỗ lực của Việt Nam trong tạo dựng môi trường tôn giáo tự do, gắn kết, đóng góp tích cực vào sự ổn định khu vực và thế giới.

Sức mạnh mềm trong chiến lược đối ngoại văn hóa và tôn giáo của Việt Nam

Là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á đăng cai Vesak tới 4 lần (2008, 2014, 2019, 2025), Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế và uy tín trong các diễn đàn tôn giáo quốc tế.

Sự kiện năm 2025 được tổ chức bài bản, quy mô lớn, có chiều sâu học thuật và giá trị ngoại giao rõ rệt, cho thấy sự phát triển đồng bộ giữa chính sách dân tộc, tôn giáo và đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta.

Việt Nam không chỉ tiếp đón trọng thị các đoàn đại biểu quốc tế mà còn chủ động tổ chức các diễn đàn chuyên đề bên lề như vai trò tôn giáo trong chuyển đổi số, gìn giữ bản sắc văn hóa, bảo vệ môi trường và giáo dục thế hệ trẻ. Qua đó, một điều được khẳng định: tôn giáo nếu được tạo điều kiện đúng đắn sẽ trở thành nguồn lực phát triển xã hội, thúc đẩy đối thoại quốc tế và tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc.

Thực tiễn tự do tôn giáo tại Việt Nam được minh chứng sinh động

Vesak 2025 là phản hồi rõ ràng và thực tiễn nhất đối với các luận điệu sai lệch về tình hình tôn giáo tại Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam có hơn 27 triệu tín đồ thuộc 43 tổ chức tôn giáo được công nhận, với hàng vạn cơ sở thờ tự hoạt động ổn định và công khai. Các tôn giáo lớn như Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Hòa Hảo, Cao Đài, Hồi giáo… đều có hệ thống giáo hội, lễ hội, trường lớp đào tạo hoạt động đúng pháp luật.

Phát biểu của các trưởng lão tăng đoàn châu Á, đại diện Phật giáo châu Âu và Mỹ ca ngợi môi trường tôn giáo tại Việt Nam trên các phương tiện truyền thông quốc tế chính là minh chứng sống động cho sự đúng đắn, khách quan của chính sách tôn giáo Việt Nam.

Sự hiện diện tích cực của truyền thông toàn cầu tại Vesak 2025 cũng góp phần lan tỏa thông tin xác thực, tạo dựng niềm tin quốc tế vào cam kết nhân quyền, tự do tín ngưỡng của Nhà nước Việt Nam.

Cánh cửa nhìn vào một Việt Nam tự do, nhân văn và hội nhập

Vesak 2025 không chỉ là một lễ hội tôn giáo quốc tế mà còn là một không gian đối thoại nhân văn, nơi thế giới có thể nhìn rõ hơn về chính sách tôn giáo của Việt Nam. Trong bối cảnh toàn cầu đối mặt nhiều xung đột sắc tộc - tôn giáo, hình ảnh một Việt Nam khoan dung, hòa hợp, chủ động kiến tạo hòa bình có ý nghĩa rất lớn.

Từ Vesak 2025, Việt Nam khẳng định: tự do tôn giáo không chỉ là khẩu hiệu mà là thực tiễn sống động được đảm bảo bằng hệ thống pháp luật, được tôn trọng bởi xã hội và được minh chứng qua lòng tin của cộng đồng tôn giáo trong và ngoài nước. Đây là một thành tố quan trọng trong chiến lược xây dựng đất nước phồn vinh và hạnh phúc, đồng thời đóng góp cho cộng đồng quốc tế một hình mẫu phát triển nhân văn, hài hòa và bền vững.

Minh Dực

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vesak-2025-tu-do-ton-giao-va-hinh-anh-mot-viet-nam-hoi-nhap-nhan-van-2399429.html