Vết nứt đang lớn dần
Vấn đề năng lượng gây tranh cãi, quan điểm về các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga hay chính sách kinh tế trong nước của các nước thành viên đang khiến sự rạn nứt trong lòng châu Âu ngày càng sâu sắc, đồng thời làm xói mòn sự đoàn kết trong toàn khối.
Về vấn đề năng lượng, Đức, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha không có cùng quan điểm với Pháp về việc hoàn thành đường ống MidCat, có thể giảm nhẹ sức ép nguồn cung khí đốt của Trung Âu bằng cách kết nối với Bán đảo Iberian. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phản đối dự án này, cho rằng đường ống là không cần thiết và đi ngược với các mục tiêu chuyển đổi năng lượng của Liên minh châu Âu (EU).
Tuy nhiên, một số nước EU cho rằng sự phản đối trên xuất phát từ việc Pháp muốn ngăn chặn sự cạnh tranh với ngành xuất khẩu năng lượng của nước này. Đây được coi là một tín hiệu không mấy triển vọng cho sự đoàn kết của EU. Trong khi đã có nhiều cuộc tranh luận ở Brussels về việc làm giảm tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng thì hiện vẫn chưa có sự nhất trí nào trong EU.
15 nước thành viên EU gần đây đã thực hiện áp giá trần nhập khẩu khí đốt nhưng lại thiếu các hợp đồng mua bù từ các nước thành viên khác và Ủy ban châu Âu. Một đề xuất thay thế đã được đưa ra mà theo đó các nước thành viên EU nhất trí sẽ mua chung năng lượng nhưng trong cả 2 trường hợp, các nước thành viên đều cần nhất trí về cách thức phân chia việc mua bán năng lượng. Nếu EU không hành động sớm, căng thẳng sẽ chỉ tồi tệ hơn khi mùa đông tới gần.
Bên cạnh đó, trong khi Ủy ban châu Âu (EC) và hầu hết các thành viên EU muốn áp thêm các biện pháp hạn chế lên Nga thì Thủ tướng Hungary Viktor Orban kêu gọi dỡ bỏ trừng phạt và đổ lỗi rằng các lệnh trừng phạt chính là nguyên nhân gây ra khủng hoảng năng lượng.
Những cuộc biểu tình phản đối gần đây ở Cộng hòa Czech và các cuộc thăm dò dư luận ở Italy cho thấy ngày càng nhiều nước EU đối mặt với sức ép từ công chúng liên quan đến các lệnh trừng phạt. Điều này đã phủ bóng lên sự thống nhất trong chính sách trừng phạt tương lai của EU.
Cuối cùng, giữa bối cảnh chính phủ kế nhiệm của Italy - quốc gia phụ thuộc lớn vào năng lượng Nga, cam kết sẽ cắt giảm thuế và tăng ngân sách xã hội, một số chuyên gia lo ngại chính sách tài khóa lỏng lẻo này sẽ đặt ra câu hỏi về nợ công của Italy, làm tăng sự chia rẽ về lợi suất trái phiếu chính phủ khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone).
Những nỗ lực của Ngân hàng Trung ương châu Âu nhằm ứng phó với rủi ro này qua việc tăng cường mua trái phiếu Italy có thể làm dấy lên sự phản đối từ các nước thành viên đang thắt lưng buộc bụng và thậm chí đặt câu hỏi về tương lai của khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Để vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng, châu Âu đang cố gắng để hành động cùng nhau. Trong những tháng qua, nhiều ý kiến cho rằng châu Âu đang “tự bắn vào chân mình” khi chịu tác động từ các lệnh trừng phạt Nga. Liệu các nhà lãnh đạo EU sẽ gia tăng lo ngại về việc thiếu hụt nguồn cung nhiên liệu từ Nga hay coi đây là cơ hội để chuyển sang nền kinh tế thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng này?
Trên thực tế, châu Âu đang tăng cường sử dụng than đá và nhập khẩu dầu thô Nga trước khi lệnh cấm hoàn toàn dầu mỏ có hiệu lực. Họ cũng đang ký các thỏa thuận dài hạn mua khí đốt hóa lỏng (LNG) không chỉ với Mỹ mà còn với Algeria, Azerbaijan, Qatar và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Nhưng với châu Âu, chiến lược năng lượng hiện tại đang làm tê liệt các nhà sản xuất của họ. Các nhà máy thép đang phải đóng cửa. Không có thép thì sẽ không có ôtô, bao gồm cả ôtô điện. Không có thép thì cũng không có dụng cụ máy móc cho các trung tâm công nghiệp lớn của Đức. Tất cả những điều này đã dẫn đến nhiều hệ quả chính trị.
Theo giới chuyên gia, trên thực tế, suy thoái ở châu Âu là điều khó tránh khỏi. Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass cho rằng khả năng lạm phát đình đốn ở châu Âu đang gia tăng và nguy cơ suy thoái cũng vậy. Lãi suất cao, lạm phát cao và tăng trưởng chậm là các thành phần của một “cơn bão hoàn hảo” sắp nhấn chìm lục địa và hầu hết thế giới.
Trong khi đó, theo nhận định của nhà kinh tế học Mohamed El-Erian, Chủ tịch Trường Queens College, suy thoái gần như chắc chắn xảy ra với EU vì thiếu kế hoạch rõ ràng để đối phó với cuộc khủng hoảng nguồn cung.
Các khảo sát đầu tháng 9 cho thấy Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) gần như chắc chắn sẽ rơi vào suy thoái. Lạm phát khu vực này cao kỷ lục 9,1% trong tháng 8 và triển vọng kinh tế ảm đạm. Hầu hết các nhà bình luận, các chuyên gia dường như đồng ý rằng cuộc khủng hoảng sẽ kéo dài một vài năm. Các dữ liệu thị trường cũng cho thấy như vậy. Ví dụ, Rystad Energy, gần đây đã dự báo châu Âu có thể thiếu nguồn cung trong 3 năm từ 2023-2025 do EU tham vọng thay thế hoàn toàn nguồn cung cấp khí đốt của Nga bằng LNG của Mỹ.
Tuy nhiên, nguồn cung LNG của Mỹ lại dễ bị tổn thương do một số nguyên nhân. Phần lớn các cơ sở xuất khẩu LNG ở Mỹ được đặt dọc theo bờ Đông và phần lớn khí cung cấp cho các cơ sở đó đến từ các khu dự trữ nội địa gần đó, từ New Mexico và Texas đến Louisiana, và xa hơn nữa. Đây là khu vực dễ xảy ra bão lũ, có nghĩa là khi các cơn bão ập đến, mọi thứ từ hóa lỏng đến vận chuyển và khai thác, chế biến đều có nguy cơ bị gián đoạn.
Các nhà khoa học cho biết, những cơn bão ở bờ biển vùng Vịnh Mexico đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, gây ra lũ lụt kỷ lục và khiến cơ sở hạ tầng quan trọng gặp nguy hiểm. Trong khi Mỹ có hàng loạt các dự án LNG mới lớn nhất thế giới đang được triển khai, thì cũng có những giới hạn về việc gia tăng sản lượng nếu không có thêm công suất đường ống để đáp ứng phân khúc năng lượng đang phát triển mạnh mẽ này.
Tại lưu vực Appalachian, khu vực sản xuất khí đốt lớn nhất của Mỹ, các nhóm môi trường đã liên tục khiến các dự án đường ống bị tạm dừng hoặc làm chậm lại. Điều này khiến lưu vực Permian và Haynesville Shale phải gánh vác phần lớn dự báo tăng trưởng xuất khẩu LNG. Thật vậy, Giám đốc điều hành Toby Rice của EQT Corp gần đây đã thừa nhận rằng công suất đường ống Appalachian đã “gần như kịch trần”.
Trong ngắn hạn, châu Âu đang vượt tiến độ trong tích đầy kho lưu trữ khí đốt của mình, ngay cả khi họ đã phải trả giá đắt. Theo dữ liệu từ Cơ sở hạ tầng khí châu Âu (GIE), mức dự trữ khí đốt của EU ở mức trên 70% và thậm chí đã vượt qua mức trung bình trong 5 năm. Đến ngày 1/11, EU có thể sẽ đạt 80% công suất lưu trữ khí đốt tự nhiên - đúng lúc nhu cầu cao điểm vào mùa Đông. Đức thậm chí đang đặt mục tiêu đạt 95% công suất và đã ở mức 85%.
Tuy nhiên, điều này đặt ra hai vấn đề khác nhau. Đầu tiên, châu Âu sẽ phải trả một cái giá đắt: chi phí bổ sung dự trữ khí đốt tự nhiên ước tính lên tới hơn 50 tỷ euro, gấp 10 lần so với mức trung bình lịch sử để tích đầy các kho chứa trước mùa đông. Thứ hai, khối này không thể tồn tại chỉ bằng cách bổ sung lượng lưu trữ trừ khi họ giảm lượng tiêu thụ đáng kể trong mùa Đông. Châu Âu, như hiện tại, dễ bị tổn thương trên mọi mặt về năng lượng và nếu đó không phải là lý do địa chính trị và xung đột, thì là vấn đề thời tiết khắc nghiệt.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-gioi-24h/vet-nut-dang-lon-dan-i670192/