Vết thương vô hình

Chiến tranh đã lùi xa nửa thế kỷ, song hậu quả vẫn hiện hữu trong không ít gia đình của người trở về từ cuộc chiến bởi di chứng chất độc hóa học do Mỹ rải xuống lãnh thổ Việt Nam. 62 năm sau thảm họa chất độc da cam ở Việt Nam (10-8-1961 - 10-8-2023), hệ lụy đau lòng đến sức khỏe con người vẫn còn đó.

Nỗi đau xuyên thế hệ

Bất cứ ai dẫu không tận mắt chứng kiến cuộc chiến, nhưng giờ đây khi đến nhà các cựu chiến binh, nạn nhân chất độc da cam/dioxin đều có thể cảm nhận được sự tàn khốc của cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ gây ra. Người ta vẫn nói: “Nạn nhân chất độc da cam là những người khổ nhất trong những người khổ nhất, nghèo nhất trong những người nghèo nhất”. Những người vợ, người mẹ vẫn âm thầm gánh vác, là điểm tựa cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

Đại diện Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP. Đồng Xoài và phường Tân Phú thăm cha con ông Lê Trọng Tý (bìa phải) nạn nhân chất độc da cam/dioxin

Đại diện Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP. Đồng Xoài và phường Tân Phú thăm cha con ông Lê Trọng Tý (bìa phải) nạn nhân chất độc da cam/dioxin

Ở tuổi 75 đáng lẽ phải được hưởng sự an nhàn bên con cháu, nhưng với vợ chồng ông Lê Trọng Tý ở khu phố Phú Thanh, phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài thì suốt 32 năm qua không mấy khi ngủ ngon giấc, bởi 1 trong 2 người con của ông bà bị thiểu năng trí tuệ, động kinh, liệt 2 chân do di chứng của chất độc da cam. Ông Tý chia sẻ, là nạn nhân da cam nên ông mắc nhiều bệnh, rồi nhiễm sang con nên ông rất đau xót. “Vợ chồng tôi nay đã già yếu nên rất mong được hỗ trợ một chiếc xe lắc để con tự di chuyển, bớt đi sự chăm sóc của người già. Chúng tôi cũng mong tỉnh Bình Phước có trung tâm chăm sóc những đối tượng bị nhiễm chất độc da cam/dioxin như con tôi, mai này vợ chồng tôi mất thì con có nơi nương nhờ” - ông Tý mong muốn.

Xếp hình là trò chơi yêu thích của anh Lê Trọng Nghĩa con trai ông Lê Trọng Tý

Xếp hình là trò chơi yêu thích của anh Lê Trọng Nghĩa con trai ông Lê Trọng Tý

Ông Lê Trọng Tý, rất mong được các nhà hảo tâm hỗ trợ cho gia đình một cái xe lắc để giúp con trai ông tự di chuyển, bớt đi sự chăm sóc của người già

Ông Lê Trọng Tý, rất mong được các nhà hảo tâm hỗ trợ cho gia đình một cái xe lắc để giúp con trai ông tự di chuyển, bớt đi sự chăm sóc của người già

Ông Tý quê tỉnh Bắc Giang, nhập ngũ năm 1966, sau đó đi B và trực tiếp tham gia tại chiến trường Đông Nam Bộ. Tết Mậu Thân năm 1968, ông cùng đồng đội trực tiếp tham gia trong trận đánh tại sân bay Biên Hòa. Tiểu đoàn của ông có 270 chiến sĩ, sau trận đánh đã hy sinh gần hết. Còn ông bị lạc trong rừng thuộc Chiến khu D. May mắn, sau 2 tháng ở rừng, ông được bộ đội địa phương phát hiện, đưa về Tỉnh đội Biên Hòa và được giao làm công tác hậu cần…

“Ngoài lành lặn đấy, trong đâu có lành”

“Đã im tiếng súng từ lâu/ Ngoài lành lặn đấy, trong đâu có lành/ Đường đi qua cuộc chiến tranh/ Biến người đang sống cũng thành đá bia!” (bài thơ Nỗi đau da cam, tác giả Phạm Khắc Hy). Với những người lính bị nhiễm chất độc da cam, vượt lên nỗi đau, họ tìm cho mình niềm lạc quan, niềm vui sống để quên đi “vết thương” chiến tranh. Thế nhưng càng lớn tuổi thì lại càng mắc nhiều bệnh. Là thương binh, bị nhiễm chất độc da cam, lại mắc bệnh tiểu đường khiến cụ ông Nguyễn Thế Sửu (80 tuổi), ngụ khu phố 3, phường Tân Đồng, thành phố Đồng Xoài phải ngồi xe lăn và nhận sự chăm sóc hoàn toàn từ các con.

Cụ ông Nguyễn Thế Sửu, nạn nhân chất độc da cam/dioxin phải ngồi xe lăn và nhận sự chăm sóc hoàn toàn từ các con

Cụ ông Nguyễn Thế Sửu, nạn nhân chất độc da cam/dioxin phải ngồi xe lăn và nhận sự chăm sóc hoàn toàn từ các con

Anh Nguyễn Tế Tuyền, con trai ông Sửu cho biết, ba anh trước đây công tác trong quân đội, năm 1984 về hưu và năm 1986 thì đưa cả gia đình đến Đồng Xoài lập nghiệp. Mấy năm trở lại đây sức khỏe ông không tốt, lại bị bệnh tiểu đường nên không đi lại được phải ngồi xe lăn. “Ba tôi dáng người cao to nên việc đỡ đần, chăm sóc có phần khó khăn. Đặc biệt, những lúc ba bệnh, gia đình phải thuê bác sĩ về nhà chăm sóc cho ba” - anh Tuyền chia sẻ.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Chủ tịch Hội nạn nhân da cam/dioxin thành phố Đồng Xoài (đầu tiên từ phải qua) thăm cụ ông Nguyễn Thế Sửu, nạn nhân dacam/dioxin

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Chủ tịch Hội nạn nhân da cam/dioxin thành phố Đồng Xoài (đầu tiên từ phải qua) thăm cụ ông Nguyễn Thế Sửu, nạn nhân dacam/dioxin

Ông Sửu quê tỉnh Thái Bình, từng tham gia chiến đấu tại chiến trường từ Quảng Bình đến Bình Định. Nỗi đau di chứng da cam trên thân thể cùng tuổi cao khiến sức khỏe ông ngày càng yếu. Để những nạn nhân da cam như ông Sửu có cuộc sống tốt hơn vẫn luôn cần sự hỗ trợ, quan tâm và chia sẻ từ cộng đồng nhằm tiếp thêm cho họ động lực, niềm tin vào cuộc sống.

Thành phố Đồng Xoài hiện có 156 nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin. Các nạn nhân da cam đã lớn tuổi, không làm kinh tế được nên chủ yếu sống dựa vào tiền lương và trợ cấp của Nhà nước, cuộc sống của nhiều người rất khó khăn. Để giúp đỡ họ, các cấp hội đã tổ chức những đợt thăm, khám bệnh, tặng quà… tuy nhiên cũng chỉ được phần nào. Vì vậy, rất mong cộng đồng chung tay giúp đỡ để các nạn nhân da cam có thêm điều kiện vươn lên trong cuộc sống.

Ông Nguyễn Mạnh Cường
Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP. Đồng Xoài

Chung tay xoa dịu nỗi đau với những gia đình nạn nhân da cam, nhiều năm qua, hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp trong tỉnh thường xuyên hỗ trợ, tư vấn các đối tượng từng tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đề nghị các cấp có thẩm quyền xét giám định đủ điều kiện được hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước. Cùng với đó, vận động hội viên đóng góp và kêu gọi ủng hộ từ các nguồn để có kinh phí thăm hỏi, động viên gia đình hội viên khi ốm đau, không may gặp hoạn nạn...

Hiền Lương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/32/147303/vet-thuong-vo-hinh