VGMF 2025: Góp phần định hình tương lai sản xuất thông minh
Trong 2 ngày 26-27/3/2025, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội diễn ra Diễn đàn sản xuất thông minh toàn cầu Việt Nam 2025 (VGMF 2025). Sự kiện quy tụ gần 800 doanh nghiệp trong và ngoài nước, cùng các chuyên gia hàng đầu nhằm thảo luận về tương lai của ngành sản xuất thông minh, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang vươn lên trở thành trung tâm sản xuất mới của châu Á.

Lễ khai mạc VGMF 2025
Việt Nam – Trung tâm sản xuất thông minh mới nổi tại châu Á
Trong bối cảnh tái cấu trúc ngành sản xuất toàn cầu, Việt Nam đã trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư và phát triển sản xuất thông minh. Theo số liệu từ Bộ Tài chính, trong hai tháng đầu năm 2025, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt gần 6,9 tỷ USD, tăng 35,5% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất nhập khẩu cũng đạt 127,07 tỷ USD, khẳng định vai trò quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngành sản xuất trong nước đang dịch chuyển nhanh chóng sang tự động hóa và số hóa, đặc biệt với sự phát triển của các ngành công nghệ cao như điện tử, ô tô, năng lượng tái tạo và bán dẫn. Tại miền Bắc, vùng Đồng bằng sông Hồng đã hình thành chuỗi sản xuất điện tử tiêu dùng, quang học và bán dẫn với sự hiện diện của các tập đoàn lớn như Samsung, Foxconn, Luxshare Precision. Trong khi đó, miền Nam tập trung vào các ngành điện gia dụng, dệt may, giày dép với sự tham gia của những tên tuổi như Haier (AQUA), TCL, Midea, Adidas.
Dù đạt được nhiều thành tựu, ngành sản xuất Việt Nam vẫn đối mặt với một số thách thức lớn, đặc biệt là mức độ nội địa hóa chuỗi cung ứng còn thấp và năng lực sản xuất thông minh cần được nâng cao. Đây cũng là những vấn đề trọng tâm được bàn thảo tại VGMF 2025.
Diễn đàn VGMF 2025 có chủ đề “Hợp tác sản xuất thông minh, cùng nhau tạo dựng tương lai ngành công nghiệp”, nhằm xây dựng một nền tảng quốc tế cho giao lưu và hợp tác, thúc đẩy đổi mới công nghệ và nâng cấp ngành công nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp tiến sâu hơn vào thị trường Việt Nam. Đồng thời, nắm bắt cơ hội lịch sử do sự chuyển dịch của ngành sản xuất toàn cầu mang lại.
Cơ hội lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài
Theo GS.TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư Nước ngoài (VAFIE), nền kinh tế Việt Nam đang có những bước tiến vững chắc. GDP năm 2024 tăng 7,09%, với 15/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt mức đề ra. Định hướng phát triển năm 2025 là duy trì tốc độ tăng trưởng từ 8% trở lên, hướng tới mức hai con số từ năm 2026.

GS.TSKH. Nguyễn Mại phát biểu tại Diễn đàn
Việt Nam đang đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng với trọng tâm là công nghệ, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và sản xuất xanh, đồng thời cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ đã và đang hoàn thiện các thể chế, luật pháp, chính sách theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời tinh giản bộ máy hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Về hội nhập quốc tế, Việt Nam đã ký kết 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, mang lại nhiều ưu đãi về thuế quan, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất nhập khẩu. Năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 405,53 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm trước. Đặc biệt, ngành điện tử đang trở thành trụ cột xuất khẩu với nhóm hàng máy tính, linh kiện đạt 72,6 tỷ USD (tăng 26,6%), điện thoại và linh kiện đạt 53,9 tỷ USD (tăng 2,9%), máy móc thiết bị đạt 52,3 tỷ USD (tăng 21%).
“Những con số như vậy cho thấy sự chuyển dịch mạnh mẽ của Việt Nam từ các ngành truyền thống như dệt may, da giày sang công nghệ cao và sản xuất thông minh”, ông Ngô Lĩnh Vân, Giám đốc điều hành Sunrise Big Data, nhận định.
Chery Automobile, một trong những tập đoàn sản xuất ô tô hàng đầu Trung Quốc, cũng xác định Việt Nam là mắt xích quan trọng trong chiến lược toàn cầu. Theo ông Trình Huy, Phó Tổng Giám đốc Chery Việt Nam, sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu đang tạo ra cơ hội lớn để các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường hợp tác và nâng cấp năng lực sản xuất.
Thách thức và giải pháp nâng cấp chuỗi sản xuất
Vùng Đồng bằng sông Hồng (miền Bắc) đã hình thành chuỗi ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng, quang học, bán dẫn hoàn chỉnh, bao gồm các tập đoàn lớn như Samsung, Foxconn, Luxshare Precision… Trong khi đó, Đồng bằng sông Cửu Long (miền Nam) chủ yếu phát triển ngành điện gia dụng, dệt may, giày dép, với sự hiện diện sâu rộng của các doanh nghiệp như Haier (AQUA), TCL, Midea, Adidas…
Mặc dù ngành sản xuất của Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, nhưng vẫn còn nhiều thách thức. Một trong những vấn đề lớn nhất là sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, khiến chi phí sản xuất tăng cao và ảnh hưởng đến tính linh hoạt của chuỗi cung ứng.
“Việt Nam cần tập trung phát triển chuỗi cung ứng nội địa, đầu tư vào nghiên cứu vật liệu mới và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao để tăng tính cạnh tranh”, ông Ngô Linh Vân nhấn mạnh, đồng thời khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng hợp tác với các đối tác đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… nhằm nâng cấp chuỗi sản xuất thông minh, đặc biệt là trong lĩnh vực chất bán dẫn và AI.
VGMF 2025 quy tụ các chuyên gia hàng đầu, lãnh đạo các doanh nghiệp và đại diện chính phủ trong ngành sản xuất thông minh toàn cầu, cùng nhau thảo luận sâu về các vấn đề cốt lõi như sản xuất thông minh, chuyển đổi số, hợp tác chuỗi ngành và an ninh chuỗi cung ứng.
Chia sẻ tại diễn đàn, các chuyên gia, đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp đều bày tỏ tin tưởng, với sự hỗ trợ từ chính sách của Chính phủ, nền kinh tế mở cửa và dòng vốn FDI mạnh mẽ, Việt Nam đang có cơ hội lớn để nâng cấp sản xuất, phát triển công nghệ cao và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa lợi thế này, cần có chiến lược dài hạn trong việc phát triển chuỗi cung ứng nội địa, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và tăng cường hợp tác quốc tế.
Nhìn về tương lai, ngành sản xuất Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa của một kỷ nguyên mới - nơi công nghệ, số hóa và sản xuất thông minh sẽ định hình lại vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghiệp toàn cầu.

Triển lãm quy tụ nhiều gian hàng trưng bày các sản phẩm, giải pháp công nghệ tiên tiến trong sản xuất
Diễn ra trong 2 ngày 26-27/3, VGMF 2025 còn bao gồm Triển lãm chuỗi cung ứng sản xuất thông minh với sự tham gia của các doanh nghiệp hàng đầu trong ngành điện tử, năng lượng mới, xe điện...; các tọa đàm bàn tròn và kết nối mua sắm 1:1 giữa các nhà cung cấp và nhà mua hàng lớn như Foxconn, Goertek, Linxens, AAC Technologies...