Vì bầu trời không khói, bụi
Cấm xe máy chạy xăng tại khu vực Vành đai 1 từ tháng 7-2026 sẽ tác động mạnh đến thói quen di chuyển lâu nay của người dân Hà Nội, bởi xe máy suốt nhiều thập niên là phương tiện gắn liền với cuộc sống đô thị.

Trong quý II-2025, người Việt đã tiêu thụ 611.236 xe máy, tăng 1,34% so với cùng kỳ năm 2024. Ảnh: Hoàng Linh
Cơ hội tái định hình đô thị xanh và bền vững
Chỉ thị số 20/CT-TTg được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành vào ngày 12-7-2025 yêu cầu Thủ đô Hà Nội từ ngày 1-7-2026 cấm xe máy sử dụng động cơ đốt trong lưu thông trong khu vực Vành đai 1. Việc cấm xe máy động cơ đốt trong lưu thông tiếp tục mở rộng sang Vành đai 2 vào năm 2028, bao gồm cả việc hạn chế ô tô sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Tới năm 2030, chính sách này sẽ áp dụng đến Vành đai 3.
Quyết định này mang tính bước ngoặt, đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ của Thủ đô trong nỗ lực cải thiện chất lượng không khí, hướng tới phát triển bền vững và xây dựng đô thị phát thải thấp. Đặc biệt là các khí thải độc hại, như CO, NOx và bụi mịn PM2.5 - vốn, đang làm chất lượng không khí Hà Nội nhiều lần rơi vào mức xấu.
Đây cũng là cơ hội để Hà Nội tái định hình đô thị theo hướng xanh - thông minh - bền vững. Trong dài hạn, việc giảm phụ thuộc vào xe máy cá nhân còn giúp thành phố tiến gần hơn đến các tiêu chuẩn môi trường và giao thông hiện đại mà những đô thị hàng đầu thế giới như Tokyo, Seoul hay Singapore đang áp dụng thành công.
Các doanh nghiệp sản xuất xe điện sẽ có cơ hội mở rộng thị trường. Nhu cầu về công nghệ lưu trữ năng lượng, giải pháp giao thông chia sẻ, dữ liệu số về hành vi giao thông cũng sẽ tăng mạnh, tạo ra một chuỗi giá trị mới. Hiện nay, VinFast, Yadea... là những cái tên thường được nhắc tới khi nói về xe điện hai bánh, trong khi Honda hay Yamaha cũng đã đặt chân vào lĩnh vực này, thậm chí thiết lập xong dây chuyền sản xuất trong nước.
Bên cạnh yếu tố môi trường và kinh tế, chính sách mới còn mang ý nghĩa sâu sắc trong việc xây dựng hình ảnh quốc gia. Là Thủ đô và trung tâm chính trị – văn hóa của Việt Nam, Hà Nội chính là nơi phần lớn du khách quốc tế đặt chân tới đầu tiên khi đến Việt Nam. Một không gian đô thị sạch sẽ, trật tự, ít tiếng ồn và ô nhiễm không khí sẽ tạo ấn tượng tích cực ban đầu, góp phần nâng cao vị thế và thương hiệu quốc gia trong mắt bạn bè quốc tế.
Nói cách khác, Thủ đô Hà Nội sẽ trở thành biểu tượng chuyển đổi xanh của cả đất nước.
Cái giá cho bầu không khí trong lành
Nhận được thông tin về chính sách mới, anh Đoàn Kiên (phường Hai Bà Trưng, Hà Nội) hồ hởi: "Nhà tôi đã sử dụng hoàn toàn xe điện, nên giờ việc hạn chế xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch cơ bản không ảnh hưởng gì tới sinh hoạt gia đình, lại giúp không gian thành phố trong lành hơn". Tuy nhiên anh Kiên tỏ ra lo lắng về những tác động tới đời sống xã hội, nếu như áp đặt một cách cứng nhắc.
Tâm lý âu lo là có căn cứ và là một trong những thách thức lớn. Đối mặt với lộ trình trên, người dân sinh sống trong Vành đai 1 đương nhiên phải tìm phương án thích nghi. Lối đi dễ dàng nhất là chuyển đổi sang xe máy điện - vốn đã có nhiều lựa chọn trên thị trường với nhiều phân khúc giá cả. Nếu có sự hỗ trợ từ chính quyền, người dân có thể nhận ưu đãi vay mua, đổi xe cũ lấy xe mới, miễn giảm phí đăng ký…
Thứ đến, người dân có thể lựa chọn phương tiện công cộng. Việc chuyển từ xe cá nhân sang xe buýt điện, tàu điện Cát Linh – Hà Đông hay tuyến metro Nhổn – ga Hà Nội sắp hoàn thiện có thể giúp tiết kiệm chi phí và góp phần giảm ùn tắc.

Nhiều nhà sản xuất trong và ngoài nước đều đã sẵn sàng cho việc xuất xưởng hàng loạt xe điện hai bánh tại Việt Nam. Ảnh: Hoàng Linh
Thứ ba, với những người vẫn muốn sử dụng xe cá nhân nhưng tránh bị phạt, có thể chuyển nơi ở hoặc nơi làm việc ra ngoài khu vực Vành đai 1. Tuy nhiên, giải pháp này không phổ biến và chỉ phù hợp với một bộ phận nhỏ có điều kiện. Một số khác có thể lựa chọn gửi xe ở vành đai ngoài, sau đó di chuyển vào nội đô bằng xe buýt điện hoặc xe đạp công cộng.
Bên ngoài Vành đai 1, đời sống của người dân trước mắt chưa chịu tác động trực tiếp, và vẫn có thể sử dụng xe máy xăng cho sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên, việc cấm xe máy xăng trong Vành đai 1 có thể kéo theo sự điều chỉnh về giao thông công cộng, giá cả phương tiện, thói quen tiêu dùng và hành trình di chuyển của người ngoại ô khi vào nội thành.
Đồng thời, xu hướng chuyển dịch sang xe điện, yêu cầu đăng kiểm khắt khe hơn với xe cũ, hay chính sách thuế phí phân vùng… cũng sẽ dần lan tỏa. Vì vậy, dù chưa chịu ảnh hưởng ngay, khu vực ngoài Vành đai 1 cũng cần sớm chuẩn bị tâm thế thay đổi để không bị động trong tương lai gần.
Một vấn đề nữa còn nằm ở sự phân hóa thu nhập: Người thu nhập thấp khó có điều kiện đổi xe hoặc thích nghi nhanh với các yêu cầu mới. Cuối cùng, là nguy cơ chuyển dịch xe cũ sang các tỉnh lân cận, tạo áp lực môi trường mới ở nơi khác nếu không có chính sách kiểm soát đi kèm.
Đó là chưa kể tới việc xe điện hiện vẫn còn một số lo ngại về quãng đường di chuyển, thời gian sạc và tuổi thọ pin – đòi hỏi người dùng phải thay đổi thói quen sử dụng. Hạ tầng sạc chưa đồng bộ, đặc biệt ở các khu dân cư cũ, có thể làm giảm khả năng thay thế hoàn toàn xe xăng.
Nên có lộ trình triển khai sát với nhu cầu thực tế
Trong bối cảnh còn nhiều thách thức, nhiều ý kiến cho rằng nỗ lực triển khai chính sách mới nên bám sát nhu cầu đi lại thực tế của người dân. Nhà báo Nguyễn Việt Hưng - chuyên gia trong lĩnh vực ô tô và xe máy - cho rằng, nút thắt nằm ở việc làm thế nào thuyết phục người dân về những ích lợi mà chính sách mới mang lại.
"Đây là yếu tố mấu chốt bởi nếu không có được sự đồng thuận từ người dân, chính quyền thành phố khó đạt được mục tiêu đặt ra. Bài toán là làm thế nào để đảm bảo người dân vẫn có thể di chuyển thuận tiện mà không phụ thuộc vào xe cá nhân" - ông Hưng cho biết, đồng thời nhấn mạnh nếu không kịp thời tăng tần suất, chất lượng phục vụ và tính kết nối liên vùng, giao thông công cộng rất có thể sẽ bị quá tải.

Người tiêu dùng tìm hiểu về xe máy điện tại một đại lý Honda ở phường Hoàn Kiếm (Hà Nội). Ảnh: Hoàng Linh
Một số ý kiến cũng cho rằng, không nên cấm "xe máy" một cách chung chung, vì khái niệm này khá rộng. Anh Thanh Phúc - người chơi mô tô tại Hà Nội - chỉ ra một ví dụ: Xe phân khối lớn chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số phương tiện di chuyển tại các thành phố lớn, thường không được dùng để đi làm hằng ngày, không phục vụ nhu cầu di chuyển đại chúng, do đó khả năng gây tắc đường, ô nhiễm hay mất an toàn là rất thấp.
Các ý kiến từ giới chuyên môn cũng cho rằng, để kế hoạch được triển khai hiệu quả, Hà Nội cần tiếp cận vấn đề đa chiều. Trước hết, thành phố cần tăng tốc xây dựng và hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị, mở rộng xe buýt điện và phát triển mạng lưới trạm sạc phục vụ xe máy và ô tô điện. Đầu tư vào các điểm đỗ, trạm trung chuyển, bãi gửi xe ngoại ô sẽ giúp giảm áp lực trong khu vực cấm.
Thứ đến là chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện. Việc người dân chấp nhận bỏ xe máy xăng, vốn gắn bó lâu dài và chi phí thấp, để đổi sang xe điện sẽ tốn kém, do đó cần đi kèm ưu đãi cụ thể, từ hỗ trợ vay mua xe, giảm thuế trước bạ, đến khuyến mãi khi đổi xe cũ lấy xe sạch. Đây cũng là cách nhiều nước trên thế giới đã áp dụng hiệu quả.
Cuối cùng là công tác truyền thông và minh bạch hóa lộ trình. Sự chuẩn bị tâm lý và hiểu biết của người dân sẽ quyết định mức độ chấp hành và đồng thuận với chính sách.
Các ý kiến cũng nhận định, có thể cân nhắc thêm một số biện pháp linh hoạt trong hạn chế xe máy, như hạn chế phương tiện theo khung giờ cao điểm, phân vùng theo mức độ ùn tắc, kiểm soát tiêu chuẩn khí thải; khuyến khích đăng kiểm định kỳ, nâng cấp và bảo dưỡng xe...
Về phần mình, người tiêu dùng được khuyến nghị cần chuẩn bị tâm lý cho việc thay đổi hành vi sử dụng, từ việc nạp nhiên liệu sang sạc điện, từ bảo dưỡng định kỳ sang chăm sóc pin, từ tính linh hoạt cao của xe xăng sang việc tính toán lộ trình hợp lý để tiết kiệm điện. Những thay đổi này không chỉ là kỹ thuật, mà còn là sự chuyển dịch thói quen sống, văn hóa tiêu dùng và thậm chí là hình ảnh xã hội gắn với phương tiện giao thông cá nhân.

Các loại xe máy sử dụng động cơ đốt trong sẽ cần tìm lối đi mới. Ảnh: Hoàng Linh
Có thể nói, ngày 1-7-2026 sẽ là dấu mốc mang tính bản lề, đặt Hà Nội vào một quỹ đạo phát triển mới, đề cao giá trị môi trường, sức khỏe cộng đồng và tính bền vững. Thành công hay thất bại không nằm ở việc cấm hay không, mà ở chỗ chúng ta chuẩn bị cho sự thay đổi đó kỹ lưỡng đến đâu.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/vi-bau-troi-khong-khoi-bui-708964.html