Vị cứu tinh bất ngờ của ngành nghỉ dưỡng suối nước nóng Nhật Bản
Trong lúc các khu nghỉ dưỡng suối nước nóng của Nhật Bản gặp phải nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19, dòng vốn đầu tư Trung Quốc đang đổ vào đây.
Một điểm nóng cho kỳ trăng mật một thời của Nhật Bản đang có sức sống mới một phần nhờ vào đầu tư của Trung Quốc. Những người trong ngành dự đoán rằng nhiều khách sạn suối nước nóng sẽ hưởng lợi từ dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc, Bloomberg nhận định.
Tsuruya Ryokan, một nhà trọ sang trọng một thời và nằm ở vị trí đắc địa tại thành phố Atami, từng là thỏi nam châm thu hút khách du lịch nhờ sở hữu tầm nhìn ra đại dương và suối nước nóng.
Khi nền kinh tế Nhật Bản sa sút và các cặp đôi đi hưởng tuần trăng mật chọn những địa điểm khác như Hawaii, khách sạn này trở thành biểu tượng cho nền kinh tế đang lụi tàn của Atami. Nhà trọ suối nước nóng này đã bị bỏ hoang sau đó.
Mọi thứ thay đổi vào năm 2017, khi một công ty có trụ sở tại Hong Kong mua lại cơ sở đổ nát này và chi 25 tỷ yen (186 triệu USD) để biến nó thành khách sạn có 87 phòng.
Mỗi phòng đều có bồn tắm nước suối nóng ngoài trời và dịch vụ quản gia riêng. Sau khi được Glory Champion Enterprises rót tiền, khách sạn Atami Pearl Star đã khai trương vào tháng 9 năm ngoái.
Kênh đầu tư hấp dẫn
Tsuruya là một trong những cơ sở nhận vốn đầu tư từ Trung Quốc được biết đến nhiều nhất. Nhiều nhà trọ và khách sạn khác cũng có thể sẽ được bán cho khách nước ngoài, giữa lúc những cơ sở này phải vật lộn để vượt qua ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Nhiều người mua có thể là đến từ Trung Quốc - những vị khách thường sẵn sàng trả gấp đôi giá thị trường, Bloomberg dẫn nguồn tin thân cận.
“Trong 10 năm nữa, khoảng 40% số nhà trọ sẽ thuộc sở hữu của người nước ngoài”, ông Yuji Tsuji, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khách sạn và Nhà trọ, dự báo.
Ông cho biết bản thân đang chứng kiến xu hướng gia tăng những lời rao bán cho khách nước ngoài từ những chủ nhà trọ truyền thống (ryokan). Bên cạnh đó, ông nhận thấy yêu cầu mua từ khách Trung Quốc cũng gia tăng nhanh chóng.
Theo MSCI Real Assets, khách nước ngoài chiếm gần một nửa số giao dịch khách sạn Nhật Bản đã chốt trong năm tính đến tháng 3. Các khách sạn nổi tiếng như Rihga Royal Hotel ở Osaka và Tokyo Hyatt Regency là một trong những bất động sản đã đổi chủ gần đây.
Ngành du lịch của Nhật Bản phát triển ổn định từ năm 2012 cho đến khi đại dịch bùng phát, khi chính phủ tìm cách thu hút khách du lịch trong nước và đồng yen suy yếu.
Tuy nhiên, nhiều ryokan truyền thống đã gặp khó trong việc thu hút đủ du khách nước ngoài để duy trì hoạt động, do họ tụt hậu so với các khách sạn hiện đại hơn liên quan đến những dịch vụ như đặt phòng trực tuyến, trong khi vẫn giữ nhiều truyền thống khác.
Chẳng hạn, nhiều ryokan cung cấp gói dịch vụ cứng nhắc như phục vụ các bữa ăn theo thực đơn cố định trong phòng của khách. Nhiều cơ sở, bao gồm cả Atami Pearl Star, đang bắt đầu suy nghĩ lại điều này.
Cung cấp đồ ăn và chỗ ở riêng biệt giúp khách tự do hơn, trong khi người dân khu vực hoặc khách du lịch trong ngày có thể thưởng thức bữa ăn mà không cần nghỉ qua đêm.
Dự đoán dòng vốn đầu tư của Trung Quốc vào Nhật Bản cũng được đưa ra giữa lúc nhiều người giàu có coi Nhật Bản như một nơi để đầu tư hoặc thậm chí sinh sống. Nổi bật trong số đó là tỷ phú Jack Ma, người sáng lập tập đoàn Alibaba. Ông đã lưu trú tại nước này trong nhiều tháng.
Bên cạnh đó, theo các nhà môi giới bất động sản, ngày càng có nhiều người Trung Quốc giàu có quan tâm đến việc chuyển đến sống tại Nhật Bản, Wall Street Journal đưa tin.
Đồng yen suy yếu và sự ổn định của thị trường đã khiến bất động sản Nhật Bản trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư quốc tế.
Theo ông Tom Sawayanagi, giáo sư Đại học Rikkyo, giảng dạy về quản lý và đầu tư khách sạn, vị trí gần Trung Quốc của Nhật Bản cũng là một lý do khiến nhà đầu tư dành sự quan tâm lớn hơn.
Bên cạnh đó, Mariko Watanabe, giáo sư kinh tế tại Đại học Gakushuin ở Tokyo, nhận định một số người Trung Quốc cũng đang tìm kiếm cơ hội đầu tư để giúp họ có được quyền cư trú tại Nhật Bản và môi trường học tập tốt hơn cho con cái.
Rào cản
Theo Cơ quan Dịch vụ Nhập cư Nhật Bản, số lượng người Trung Quốc tìm hiểu và nộp đơn xin thị thực quản lý doanh nghiệp và chuyên gia tay nghề cao đang tăng lên. Một trong những điều kiện để nộp đơn là đang hoạt động kinh doanh ổn định, nên một số người đã mua và tự kinh doanh nhà trọ.
Tuy nhiên, giáo sư Sawayanagi cảnh báo rằng những người mua tiềm năng khó có thể có được bức tranh rõ ràng về tình hình tài chính của ryokan, vì nhiều cơ sở không lưu giữ các báo cáo tài chính theo tiêu chuẩn của ngành lưu trú.
Một rào cản khác đối với đầu tư có thể là sự cảnh giác đối với người nước ngoài, đặc biệt là người Trung Quốc. Các nhà lập pháp bảo thủ Nhật Bản đã phàn nàn về việc nước này không thể dùng quy định pháp luật để hạn chế việc mua đất của những người nước ngoài.
Chủ sở hữu 78 tuổi của một ryokan sang trọng nằm ở vùng hẻo lánh tại Kansai cho biết ông bắt đầu tìm cách bán cơ sở của mình cách đây 3 năm.
Trong khi vẫn đang đàm phán, ông cho biết đã nhận được một số lời đề nghị từ các công dân Trung Quốc với mức gấp đôi so với các doanh nghiệp Nhật Bản đề xuất.
Tại khu nghỉ dưỡng trên núi Hakone, một chủ nhà khách giấu tên khác cho biết ông rất muốn bán cho một nhà đầu tư Trung Quốc, nhưng lo ngại bản thân có thể bị cộng đồng địa phương xa lánh.
Theo chia sẻ, ông đã nói chuyện với những người mua tiềm năng từ Trung Quốc. Họ ca ngợi môi trường tự nhiên xung quanh, trong khi các doanh nhân Nhật Bản không muốn trả mức giá mà ông yêu cầu đối với cơ sở cũ kỹ này.
Tuy nhiên, thành phố Atami có mức độ mở cửa lớn hơn đối với các doanh nghiệp so với nhiều khu vực khác của Nhật Bản, ông Shuji Tatsumi, quan chức thuộc bộ phận phát triển du lịch của chính quyền thành phố, cho biết.
Bên cạnh đó, sự phản đối trước dòng vốn đầu tư của Trung Quốc vào ryokan cũng đang suy yếu, ông Tatsumi cho biết thêm.