Vì đâu HABECO lao đao trên thị trường đồ uống hiện nay?
Tình hình kinh doanh của HABECO đang lao đao do doanh thu bán hàng sụt giảm; sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường bia.
Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (HABECO, Hose: BHN) công bố BCTC năm 2023, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 7.900 tỷ đồng giảm gần 8% so với cùng kỳ năm ngoái với mức doanh thu 8.528 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế năm 2023 trên Báo cáo tài chính riêng được kiểm toán của HABECO đạt 334,03 tỷ đồng; giảm 87,9 tỷ đồng (tỷ lệ giảm 20,85%) so với lợi nhuận sau thuế năm 2022.
Lợi nhuận sau thuế năm 2023 trên Báo cáo tài chính hợp nhất được kiểm toán của HABECO đạt 354,68 tỷ đồng; giảm 151,51 tỷ đồng (tỷ lệ giảm 29,93% ) so với lợi nhuận sau thuế năm 2022. Hàng tồn kho đạt ngưỡng 719,4 tỷ đồng, trong đó dự phòng giảm giá hàng tồn kho chiếm 19,2 tỷ đồng.
Đáng chú ý, nợ phải trả đến thời điểm kỳ cuối năm 2023 hiện đang đạt ngưỡng 1.824,4 tỷ đồng trong đó nợ ngắn hạn chiếm đến 1.726,3 tỷ đồng, nợ vay tài chính ngắn tăng 15% lên 110 tỷ đồng cho thấy áp lực trả nợ của HABECO cũng đang khá căng thẳng.
Theo Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (HABECO) giải trình về biến động lợi nhuận sau thuế tại Báo cáo tài chính năm 2023 đã kiểm toán như sau: Lợi nhuận sau thuế năm 2023 trên báo cáo tài chính riêng và báo cáo tài chính hợp nhất giảm so với cùng kỳ chủ yếu do doanh thu bán hàng sụt giảm; sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường bia; nhu cầu tiêu dùng suy giảm trong bối cảnh trong nước và thế giới có nhiều biến động cùng với việc thực hiện chặt chẽ Nghị định 100 xử phạt về vi phạm nồng độ cồn.
Habeco hiện là 1 trong 4 thương hiệu nắm phần lớn thị phần thị trường bia tại Việt Nam, cùng với Heineken, Sabeco và Carlsberg. Trong đó, Sabeco và Habeco là hai thương hiệu lâu đời trên thị trường bia Việt Nam và đang niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán.
Trong những năm qua để giành thị phần, các hãng bia này đều không tiếc tiền chi cho quảng cáo, khuyến mãi. Tuy nhiên, trong năm 2023, do tình hình kinh doanh khó khăn, Habeco đã cắt giảm 17% khoản chi phí quảng cáo, khuyến mại, chỉ còn gần 580 tỷ đồng.
Về tình hình tài chính, tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội đạt gần 7.140 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm.
Trong đó, chiếm tới hơn một nửa tài sản là tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng (chiếm 3.889 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm 2023).
Đáng chú ý, khoản tiền này giúp Habeco thu về 228 tỷ đồng lãi tiền gửi trong năm 2023.
Động thái siết chặt việc sử phạt vi phạm quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông thời gian qua đang đảnh hưởng rõ rệt đến văn hóa bia rượu. Không chỉ ở Việt Nam, giảm tiêu thụ bia rượu cũng đang là xu hướng chung trên thế giới. Theo tờ Forbes, quan điểm hạn chế bia rượu trong giới trẻ ngày càng gia tăng đã khiến nhu cầu tiêu thụ đồ uống có cồn giảm mạnh.
Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco) có trụ sở chính tại 183 Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội được thành lập ngày 16/5/2003 theo Quyết định số 75/2003/QĐ – BCN của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) trên cơ sở sắp xếp lại Công ty Bia Hà Nội và các đơn vị thành viên; chính thức chuyển sang tổ chức và hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con tại Quyết định số 36/2004/QĐ-BCN ngày 11/05/2004 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp. Ngành nghề chủ yếu gồm: Sản xuất, kinh doanh Bia, Rượu, Nước giải khát và Bao bì; XNK nguyên liệu, vật tư, thiết bị, phụ tùng, phụ liệu, hóa chất; Dịch vụ khoa học công nghệ, tư vấn đầu tư, tạo nguồn vốn đầu tư, tổ chức vùng nguyên liệu, kinh doanh BĐS, các dịch vụ và ngành nghề khác theo luật định.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 1/4/2024 cổ phiếu BHN đang giữ ở mức 38.700 VNĐ/cp. Khối lượng cổ phiếu đang lưu hành: 231,800,000 cp. Vốn hóa thị trường: 8,970.66 tỷ đồng.