Vì đâu nên nỗi trường cao đẳng chật vật trong tuyển sinh?
Theo lãnh đạo các trường cao đẳng, những năm gần đây tình hình tuyển sinh tương đối khó khăn, khó cạnh tranh với các trường đại học cả công lập và tư thục.
Hiện nay, các trường cao đẳng thuộc khối giáo dục nghề nghiệp đang đối mặt với thách thức lớn khi phải gấp rút đẩy mạnh công tác tuyển sinh để hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, nhiều trường vẫn loay hoay tìm cách thu hút sinh viên khi số lượng hồ sơ đăng ký chưa đạt mức mong muốn.
Trường cao đẳng gấp rút tuyển sinh vẫn không đạt chỉ tiêu
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trịnh Thị Thu Hà - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội cho biết, công tác tuyển sinh của nhà trường được thực hiện từ đầu năm 2024 theo kế hoạch. Tuy nhiên, tại thời điểm này công tác tuyển sinh đang ở trong giai đoạn cao điểm, nhất là từ sau khi có điểm thi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2024.
“Các thí sinh bắt đầu xác định được điểm thi của mình, xác định nhu cầu học tập, ngành nghề phù hợp cần theo đuổi. Bên cạnh các trường đại học thì trường cao đẳng cũng cần tư vấn hỗ trợ về ngành nghề phù hợp để thí sinh có đa dạng sự lựa chọn. Do vậy, công tác tuyển sinh của chúng tôi đang trong giai đoạn gấp rút để tư vấn các thí sinh chọn đúng ngành nghề phù hợp”, Tiến sĩ Trịnh Thị Thu Hà chia sẻ.
Năm 2024 chỉ tiêu tuyển sinh của Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội là hơn 1500 chỉ tiêu cho 11 ngành cao đẳng và 7 ngành trung cấp (cao đẳng 1.210 chỉ tiêu, trung cấp 265 chỉ tiêu, sơ cấp 1.560 chỉ tiêu).
Theo Tiến sĩ Trịnh Thị Thu Hà, trong đợt xét tuyển sớm vào tháng 7 vừa qua, trường có khoảng hơn 3000 thí sinh đăng ký xét tuyển, các ngành có số lượng thí sinh đăng ký nhiều là những ngành trọng điểm bao gồm: Kỹ thuật chế biến món ăn, Quản trị khách sạn, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Hướng dẫn du lịch, Thương mại điện tử và quản trị kinh doanh và ngành mới là Truyền thông đa phương tiện. Sau đợt xét tuyển sớm nhà trường đã tuyển sinh được 450 thí sinh, đạt gần 30% trên tổng số chỉ tiêu tuyển sinh 1500.
Cô Hà cũng cho biết, trong những năm gần đây Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội mở thêm một số ngành mới phù hợp với năng lực đào tạo của nhà trường và phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động. Trong đó, hệ cao đẳng trường mở thêm các ngành: Thương mại điện tử, Truyền thông đa phương tiện, Quản trị dịch vụ nhà hàng và ăn uống, Hướng dẫn viên. Đối với hệ trung cấp nhà trường mở thêm các ngành ngôn ngữ như: Ngôn ngữ Nhật, Hàn, Trung, Đức.
“Các trường cao đẳng hiện nay hầu như mức độ đáp ứng chỉ tiêu tuyển sinh chưa đạt được so với chỉ tiêu được cấp. Tuy nhiên một số trường với những ngành trọng điểm, chất lượng đào tạo tốt, có thương hiệu thì vẫn đạt chỉ tiêu tuyển sinh. Số lượng các trường đạt từ 80 - 100% chỉ tiêu đào tạo cũng không nhiều”, Tiến sĩ Thu Hà nhận định.
Trong khi đó, thầy Lê Xuân Nguyên - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn cho biết, công tác tuyển sinh được Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường đưa vào nhiệm vụ trọng tâm.
Hiện nay, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn được phép tuyển sinh hàng năm 2.645 chỉ tiêu, trong đó: cao đẳng: 1.165 chỉ tiêu (với 20 nghề đào tạo); trung cấp: 905 chỉ tiêu (21 nghề đào tạo) và 15 nghề hệ sơ cấp với 575 chỉ tiêu. Nhà trường tuyển sinh trong cả nước, nhưng chủ yếu vẫn là học sinh tỉnh Bình Định, và một vài tỉnh lân cận như Phú Yên, Gia Lai.... Ngành nghề tuyển sinh của trường bám sát vào nhu cầu, định hướng phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
“Việc tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh của trường được thực hiện ngay từ đầu năm và kéo dài đến ngày 30/11 hằng năm, trên rất nhiều nền tảng nhưng kết quả tuyển sinh của trường chưa đạt được chỉ tiêu đề ra”, thầy Lê Xuân Nguyên chia sẻ.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu chỉ tiêu
Theo các thầy cô nhận định, một trong những nguyên nhân chính khiến các trường cao đẳng gặp khó khăn trong việc tuyển sinh là do xu hướng của thí sinh và phụ huynh hiện nay thường ưu tiên lựa chọn các trường đại học, dù là trường đại học công lập hay tư thục. Sự phát triển của các chương trình liên kết đào tạo quốc tế, các khóa học ngắn hạn, hoặc các chứng chỉ nghề nghiệp chuyên sâu cũng tạo nên sự cạnh tranh khốc liệt đối với các trường cao đẳng.
Tiến sĩ Lê Ngọc Quý - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Phương Đông Đà Nẵng cho biết, những năm qua kết quả tuyển sinh của trường chỉ đạt hơn 60% chỉ tiêu. Theo thầy Quý, hiện nay tâm lý của đa số thí sinh vẫn muốn vào học đại học.
“Trong công tác tuyển sinh, nhà trường cũng nhận được sự quan tâm tạo điều kiện của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở, sự hỗ trợ của các cơ quan báo chí, truyền thông. Tuy nhiên, địa bàn miền Trung, Tây Nguyên trải dài, việc tư vấn trực tiếp có những khó khăn nhất định. Vì vậy trường đã tăng cường kết nối, tư vấn, quảng bá thông qua khai thác tiện ích của các nền tảng mạng xã hội”, Tiến sĩ Lê Ngọc Quý thông tin thêm.
Chia sẻ về nguyên nhân Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn chưa tuyển sinh đạt chỉ tiêu đề ra, thầy Lê Xuân Nguyên cho rằng: Một phần là do tính chất tự chủ trong tuyển sinh, dẫn đến sự cạnh tranh giữa các trường trong địa bàn ngày càng tăng. Đặc biệt là các trường có cùng nhóm ngành/nghề tuyển sinh, giữa trường tự chủ tài chính với trường chưa tự chủ về tài chính, học phí có sự chênh lệch từ 1 đến 2 lần. Bên cạnh đó còn có sự cạnh tranh giữa các trường cao đẳng với trường đại học địa phương.
“Xu hướng trọng bằng cấp hiện nay vẫn còn cao, nghĩa là ưu tiên phải học đại học trước. Trong khi đó nhu cầu xã hội, thị trường rất cần những kỹ sư thực hành, cần sinh viên có kỹ năng nghề, nhưng các em không vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp”, thầy Nguyên nhận định.
Theo thầy Nguyên, công tác phân luồng sau trung học cơ sở chưa được triển khai quyết liệt, việc học liên thông từ trung cấp lên cao đẳng hoặc liên thông từ trung cấp lên đại học bị “tắc” ở bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.
Ngoài ra, các trường nghề khó khăn trong việc đào tạo văn hóa cho đối tượng học sinh trung cấp (học văn hóa trung học phổ thông để thi tốt nghiệp). Điều này gây nên tâm lý lo ngại của phụ huynh và học sinh. Phụ huynh cho rằng nếu để con em vào học trung cấp sau trung học cơ sở, các em chỉ tập trung học nghề, sau này không có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông thì con đường học tiếp sẽ khó khăn.
Trên thực tế, các trường cao đẳng thiếu nguồn tuyển cũng là do các trường đại học tăng chỉ tiêu, xét học bạ,… nên hầu hết học sinh sau tốt nghiệp trung học phổ thông đều có thể dễ dàng vào đại học.
Chia sẻ thêm về khó khăn trong quá trình tuyển sinh, thầy Nguyên cho biết nhà trường gặp khó khăn trong quá trình triển khai Nghị định 116/2020/NĐ-CP Quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Hiện nay, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn rất muốn được đào tạo sinh viên sư phạm. Tuy nhiên Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định không đặt hàng để nhà trường đào tạo cao đẳng sư phạm mầm non. Còn nếu tham gia đấu thầu thì trường không thể cạnh tranh với các trường đại học có mở ngành đào tạo sinh viên mầm non.
Bên cạnh sự nỗ lực, giải pháp của các trường trong công tác tuyển sinh, Tiến sĩ Lê Ngọc Quý cho rằng cần có sự hỗ trợ, tác động về cơ chế, chính sách của cơ quan quản lý nhà nước.
“Trước mắt, tôi đề nghị sử dụng điểm sàn xét tuyển vào đại học như trước đây hoặc phân luồng dựa trên kết quả học tập trung học phổ thông. Như vậy mới có thể tạo thêm nguồn tuyển cho các trường cao đẳng.
Về lâu dài, cần nghiên cứu, dự báo khách quan về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu ngành nghề, yêu cầu về trình độ lao động,... để phân bố chỉ tiêu đào tạo giữa các trình độ một cách phù hợp, khắc phục tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”, Tiến sĩ Lê Ngọc Quý đề xuất.