Vị giáo sư nói lên tiếng lòng của giới trẻ thời nay khi mãi loay hoay giữa công việc và ý nghĩa cuộc sống

An phận nhưng vẫn sống tích cực, chứ không phải chỉ biết nằm không ở nhà. Trải nghiệm nhiều cũng chính là kinh nghiệm cho sự nghiệp to lớn sau này.

Lương Vĩnh An, giáo sư tại Đại học Phúc Đán, cũng là một blogger trên mạng xã hội.

Năm ngoái, ông bắt đầu chia sẻ video về những quan sát và hiểu biết sâu sắc đối với công việc của giới trẻ thời nay, thu hút đông đảo sự quan tâm của bộ phận người trẻ mới bước chân vào xã hội.

Ông được yêu thích vì nói lên được tiếng lòng của giới trẻ: Ngày nay chúng ta làm việc dưới bối cảnh thế nào? Người trẻ ngày nay đang gặp phải những khó khăn gì trong công việc? Đối mặt với tình hình hiện tại, đâu là giải pháp?

Về những vấn đề này, giáo sư Lương Vĩnh An nói:

"Tôi ủng hộ những người trẻ tuổi ăn bám bố mẹ vài năm sau khi tốt nghiệp".

"Người trẻ phải biết cách thay đổi sếp".

"Bạn có thể ‘an phận’ một cách tích cực".

"Người đáng được trân quý là người biết cho thế giới thứ gì đó mới mẻ".

Giới trẻ thời nay phải đối mặt với khó khăn gì trong công việc?

Tháng 8 ở Thượng Hải cực kỳ nóng. Ở quận Phố Đông, trên tầng 19 của một tòa cao ốc, Lương Vĩnh An bắt đầu làm việc: Viết giáo án cho tiết học Ngữ văn.

Xung quanh ông có rất nhiều người trẻ tuổi. Ông thảo luận về những nỗi khổ của giới trẻ trong công việc. Nhiều bạn trẻ cảm thán: “Thầy Lương nói rất hay, rất hiểu chúng em”.

Xét về tuổi tác, Lương Vĩnh An cách giới trẻ ngày nay cả vài thế hệ, nhưng ông có sợi dây liên kết chặt chẽ với họ. Bởi lẽ ông vừa là một nhà giáo vừa là nhà văn.

Đứng trên giảng đường, ông đối diện với lớp sinh viên tuổi 20. “Tôi viết văn cả một đời. Ý nghĩa của văn học là nhìn ra toàn thế giới và quan sát những cuộc đời khác nhau”.

Ông tập trung quan sát cách thời đại ảnh hưởng đến giới trẻ, đẩy họ lên đầu sóng ngọn gió cùng những mỏi mệt triền thân.

Tại sao công việc lại khiến người trẻ cảm thấy chán nản và phiền muộn?

Lương Vĩnh An cảm thấy kiếm tiền không phải chuyện đơn giản.

Khổ không phải vì kiếm tiền quá ít, mà là sống quá hời hợt.

Giáo sư Lương Vĩnh An

Khổ ở việc: Ngày nay, người trẻ có thể nhìn thấy những cái hay ho của cuộc sống, nhưng vì mắc vào guồng quay công việc, họ không thể trải nghiệm và sống theo cách mình thích.

"Tôi muốn thoát khỏi mỏi mệt, nhưng bị hiện tại đè nặng. Tôi chỉ còn cách cuộc sống mà mình khao khát chỉ một bước nữa, nhưng không đủ dũng khí để nắm lấy, vì vậy tôi bị bí bách đến ngạt thở".

Hậu dịch bệnh, tìm việc càng trở nên khó khăn, người trẻ, sinh viên phải làm sao?

Khoảng 5 năm trước, sinh viên tốt nghiệp của tôi đến cung văn hóa ở một quận của Thượng Hải xin việc thì bị từ chối thẳng thừng: Chúng tôi không nhận thạc sĩ. Chúng tôi chỉ cần tuyển sinh viên có bằng cử nhân đại học hoặc cao đẳng.

Giáo sư Lương Vĩnh An

Lương Vĩnh An cho biết, hiện nay, nhiều đơn vị chỉ tuyển sinh viên ra trường, nên sự cạnh tranh trở nên gay gắt hơn, nhất là trong thời kỳ dịch bệnh.

Vì sao giới trẻ cảm thấy công việc nhàm chán và vô giá trị?

Thanh niên trẻ cảm thấy công việc không có giá trị là chuyện đáng mừng, vì họ không cam tâm với thực tại.

Giáo sư Lương Vĩnh An

Nhóm người nào có thể tìm được công việc tốt?

Suy nghĩ của nhiều người bây giờ là như vậy. Tức là phải làm việc chăm chỉ, siêng năng từ nh. Sau khi tốt nghiệp tiểu học, trung học cơ sở, đại học và thậm chí cao học, bạn phải tìm được một công việc tốt. Trong quá trình này, bạn liên tục được khuyến khích bằng nhiều cơ chế thưởng phạt khác nhau, nếu bạn làm tốt sẽ được tặng một bông hoa đỏ, còn bạn sẽ được tặng "ba tốt". Đi làm cũng vậy, lạc lối trong guồng quay, từ đó không còn sống theo ý mình.

Giáo sư Lương Vĩnh An

Người đáng được trân quý là biết cho thế giới thứ gì đó mới mẻ, chứ không phải giành quán quân trong một quy trình đã được sắp đặt sẵn có.

Chúng ta có phải đang làm việc chỉ vì trách nhiệm?

Người trẻ ở các thành phố lớn đang làm việc dưới bối cảnh thế nào?

Đại học Phúc Đán chúng tôi từng có một tiến sĩ khoa Triết học, cậu ta chăm chỉ viết luận án thâu đêm suốt sáng. Thế mà cậu đã qua đời ngay trong lúc đang thức khuya hoàn thành luận án.

Giáo sư Lương Vĩnh An

Ngày nay, những người trẻ đang phải chịu áp lực rất lớn. Trong toàn xã hội này, người ưu tú mới là nhân tố quyết định, sự quan tâm của xã hội bên ngoài luôn không đủ để giúp một người sống mãi.

Thực sự quá mệt mỏi! Nhà, xe, gia đình, cuộc sống của bản thân… Nhiều thứ cần phải chi trả. Đó là còn chưa kể đến những tranh đua trong xã hội. Mệt mỏi tinh thần lẫn thể xác. Vì thế nhiều người luôn khát khao cuộc sống nhàn hạ, vô lo vô nghĩ, chỉ cần trồng cây nuôi cá, an ổn qua ngày.

Trong vài năm qua, ngày càng có nhiều người trẻ chọn trở về quê và sống ở các thành phố nhỏ. Thế nhưng vì sao ông từng cho rằng “về quê” là một mối nguy hiểm rất lớn?

Những người trẻ thực sự phải chịu quá nhiều áp lực ở các thành phố lớn, và dường như không thể tiếp tục được nữa. Tôi quen một cậu sinh viên mới tốt nghiệp năm ngoái, làm việc ở quận Hoàng Phố, trung tâm Thượng Hải, tiền thuê một căn phòng nhỏ hàng tháng là 6.000 NDT (hơn 20 triệu đồng). Thế thì tại sao những người trẻ lại phải về quê? Tôi cho rằng nhiều người không muốn về là vì không muốn tiếp tục làm khổ bố mẹ.

Giáo sư Lương Vĩnh An

Cuộc sống thị trấn nhỏ nhìn rất thanh bình, tìm việc không khó, thời gian đi làm nhàn hạ, buổi trưa có thể về nhà chợp mắt. Ở thành phố hiện đại, bạn nghĩ có thể làm được không?

Song, thành phố giúp người trẻ luôn không ngừng đổi mới và sáng tạo. Sống ở quê dễ khiến người ta nằm trong vùng an toàn quá lâu.

Nếu bạn về quê, bạn phải chấp nhận với những ánh mắt gièm pha, sự so sánh của hàng xóm láng giềng. Đương nhiên, ở quê vẫn phải làm việc, đến khi đồng lương không đủ chi trả hoặc thấp hơn rất nhiều với thành thị thì một sự so sánh khác lại xảy ra. Đó là lý do khiến nhiều người phải quay lại thành phố lớn sau một thời gian ẩn mình ở quê nhà.

Giới trẻ cần phải làm gì?

Tại sao ông lại ủng hộ giới trẻ “ăn bám” ba mẹ vài năm?

“Ăn bám” ở đây không nên hiểu theo nghĩa quá nặng nề. Theo đó, tôi cho rằng phụ huynh không nên bắt ép con mình phải tìm đúng công việc lý tưởng sau khi tốt nghiệp, mà hãy cho họ cơ hội để khám phá.

Giáo sư Lương Vĩnh An

Ở phương Tây, người ta còn gọi khoảng thời gian này là “gap year”. Khái niệm này không phải nói giới trẻ chỉ biết nằm nhà hưởng thụ, không làm nhưng vẫn có ăn, mà là phải bỏ ra công sức đáng giá trong thời gian đó. Chính là cố gắng tìm thấy sở thích chân chính của mình. Vì vậy, tôi ủng hộ thanh niên mới tốt nghiệp nên ở nhà nhờ cha mẹ vài năm.

Nhưng ở đây chúng ta cũng cần nhận ra một vấn đề: Không phải muốn “ăn bám” là được!

Sinh viên nghèo, cha mẹ lao tâm khổ tứ, “ăn bám” lúc này là một tội ác. Thay vì thế, hãy tìm cho mình công việc đủ để nuôi sống bản thân, vừa làm lấy kinh nghiệm vừa khám phá bản thân. Tự lo được cho chính mình cũng là một kiểu đền đáp cho cha mẹ.

Người trẻ tuổi không muốn trở thành “con lừa kéo cối xay”, vì vậy họ nên chủ động an phận?

Mua nhà mua xe… kiếm tiền đã trở thành một mục tiêu rất cụ thể và hạn hẹp. Nhưng người trẻ cần sở hữu nhất là sự hiểu biết về thế giới và kinh nghiệm sống. Đây là một quá trình không ngừng thử và trải nghiệm.

Giáo sư Lương Vĩnh An

Ngày nay, giới trẻ đang thiếu cách sống và đang sống rất hạn chế. Bạn phải hiểu rằng trên đời này tiền bạc không phải là điều tiên quyết. Trên thực tế, bạn cũng thấy đấy, không ít người mặc dù làm công việc bình thường, lương thấp, thậm chí sống ở nông thôn, vùng núi, họ cũng cảm thấy vui. Đó là vì họ biết thỏa mãn với những gì mình đang có. Cuộc sống của họ phong phú hơn bạn nghĩ.

Đi làm mấy năm, có chút tiền tiết kiệm, thế là mua nhà chẳng còn dư dả. Thôi thì hãy thử yên phận một chút, xách ba lô lên và đi, xem người ta sống như thế nào, trải nghiệm nhiều thứ.

An phận nhưng vẫn sống tích cực, chứ không phải chỉ biết nằm không ở nhà. Trải nghiệm nhiều cũng chính là kinh nghiệm cho sự nghiệp to lớn sau này.

Ông muốn nói gì với người trẻ đang làm việc trong thời đại của chúng ta?

Khi tôi còn học đại học, cả trường chỉ có khoảng 50 du học sinh. Tôi có một người bạn rất tốt là người Canada. Cậu ta chia sẻ với tôi rằng lý tưởng trong cuộc sống của cậu là kiếm tiền trước 35 tuổi và nửa đời sau chỉ để tận hưởng cuộc sống.

Giáo sư Lương Vĩnh An

Nhưng đối với nhiều người, kiếm tiền không thể dừng lại ở tuổi 35, vì mục tiêu cả đời là kiếm sống, chứ không phải tận hưởng nhàn hạ.

Ngày nay, những người trẻ có can đảm để nhìn xa hơn một chút. Theo bạn thì cuộc sống tốt đẹp là gì đối với người đến với thế giới này?

Thật ra, nó không phải là làm việc kiếm tiền, mà là quá trình tìm thấy cuộc sống lý tưởng theo tâm nguyện của bản thân.

(Nguồn: Thepaper)

PHAN

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/vi-giao-su-noi-len-tieng-long-cua-gioi-tre-thoi-nay-khi-mai-loay-hoay-giua-cong-viec-va-y-nghia-cuoc-song-2220226915926915.htm